Hội chứng chán chồng
Đủ lý do để chán
Chị Vy có một con nhỏ đang gửi nhà trẻ nên sau giờ tan tầm, chị phải tất bật đón con. Trên đường về, chị ghé chợ mua thức ăn; đến nhà lại lao vào nấu nướng. Trong khi đó, anh Hùng, chồng chị, về đến nhà thì bật tivi lên xem chán chê rồi đọc báo; thỉnh thoảng lại gọi vọng xuống bếp “có cơm chưa em ơi?”.
“Trong khi tôi phải tắm con, cho con ăn, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa thì ông xã lại ung dung ngồi chơi. Hai người đều đi làm, vậy mà anh ấy cứ nghĩ việc nhà đương nhiên là của vợ. Nếu không có con chắc tôi bỏ ảnh từ lâu rồi” - chị Vy than thở. “Đàn ông gì mà vô trách nhiệm. Chán!” - không hẹn mà nhiều chị cùng kết luận như thế.
Hoài cũng có nhiều lý do chán chồng để tâm sự cùng chị em. Hoài kể: “Ngày mới quen nhau, ảnh chỉn chu, lịch sự bao nhiêu thì giờ lôi thôi, lếch thếch bấy nhiêu. Nói ra thì ngại nhưng em không chịu nổi mùi thuốc lá của chồng. Chưa hết, quần áo mặc xong, không bao giờ anh ấy bỏ vào máy giặt mà nhét mỗi nơi một cái”. “Ngán nhất đàn ông ở dơ!” - một chị phụ họa.
Hương cũng góp vào câu chuyện “chán chồng” đang hồi cao trào. Hương kể: “Em rất ngại nói chuyện về chồng vì xấu hổ lắm nhưng không nói không chịu được. Ngày yêu nhau, lễ, Tết, sinh nhật em, anh ấy đều xuất hiện với bó hồng thật to và nhiều quà tặng. Giờ thì ngày sinh của em ảnh còn chẳng nhớ nói gì đến hoa, quà. Thành vợ chồng rồi thì nhàm chán thế sao?”. Càng nói, câu chuyện càng dài ra với 1.001 lý do chán chồng của chị em.
Đứng núi này trông núi nọ
“Chán chồng” là cụm từ mà nhiều chị nhắc đến khi hôn nhân đi vào lối mòn. Tuy nhiên, nhiều chị lại lâm vào cảnh “đứng núi này trông núi nọ”, khi muốn quay lại thì đã quá muộn màng. Như trường hợp của chị Th., trưởng phòng hành chính tổ chức một công ty viễn thông tại quận Phú Nhuận, TP HCM. Giỏi giang, xinh đẹp, chị thăng tiến nhanh trong công việc.
Ngược lại, anh Thịnh - chồng chị - thuộc típ người khép kín, sống nội tâm nên an phận làm nhân viên phòng tư liệu của một tờ báo. Mới đây, công ty có ý định đề bạt chị làm giám đốc chăm sóc khách hàng. Ngày đầu tiên về nhà, chị nói ngay với chồng: “Lương cả tháng của anh không bằng của em làm một tuần, anh nghỉ để ở nhà đưa đón hai đứa nhỏ”. Anh đùng đùng nổi giận rồi bỏ đi đâu mất. Tối ấy, chị thấy tờ đơn xin ly hôn để sẵn trên bàn.
Bi đát hơn là hoàn cảnh của chị Nh., trước đây là nhân viên tài chính của một công ty bất động sản tại quận Bình Thạnh, TPHCM. Vốn xinh đẹp nên chị được nhiều anh theo đuổi. Thế nhưng, chị lại chọn Hải, bạn học cùng lớp, rất hiền lành, thật thà. Dù biết chị có chồng nhưng nhiều khách hàng, đối tác nam cứ dập dìu săn đón.
“Ra ngoài được kẻ đón, người đưa, về nhà gặp ông chồng lùi xùi thiệt chán quá” - Nh. kể. Rồi cuộc hôn nhân ấy cũng đến hồi kết thúc. Ly hôn được 3 tháng thì Nh. lên xe hoa với anh trưởng phòng cùng công ty. Đến lúc ấy, mọi thứ hóa ra không như chị nghĩ. Anh chồng mới bắt chị nghỉ việc ở nhà để “thằng khác khỏi dòm ngó”, muốn đi đâu cũng phải xin phép chồng, tiền chợ chồng đưa như ban phát... “Nghe đâu, anh Hải cũng mới cưới vợ. Tôi thật sai lầm khi thả mồi, bắt bóng” - Nh. than thở.
Luôn làm mới hôn nhân
“Nếu không chủ động làm mới, hôn nhân rất dễ đi vào ngõ cụt. Tôi luôn chủ động giúp đỡ vợ việc nhà khi có thể. Hoa thì tôi không tặng vì thấy nó đắt đỏ vào các ngày lễ, Tết nhưng vào ngày lễ, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới..., tôi đưa vợ ra ngoài ăn để thay đổi không khí. Chính những điều này giúp cuộc hôn nhân chúng tôi lúc nào cũng mới mẻ” - anh Vũ, kỹ sư một công ty thực phẩm ở quận Thủ Đức, TPHCM, chia sẻ.
Theo Ngân Hà
NLĐ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét