Là vợ chồng, "thủ" hay không còn tùy
Vì vậy, vấn đề "thủ" chỉ nên đặt ra khi việc tiêu xài của người chồng có nguy cơ ảnh hưởng đến gia đình.
Thực ra, việc thủ ở các bà vợ chỉ xuất hiện gần đây khi bản thân họ cũng tạo ra thu nhập, họ có tiếng nói cũng như sức ảnh hưởng đáng kể trong gia đình; chứ ở thời bà, mẹ chúng ta khoảng vài chục năm về trước, phần lớn phụ nữ chỉ ở nhà làm nội trợ, ông chồng nắm toàn bộ quyền hành trong gia đình, các bà làm gì dám thủ? Tư tưởng "thủ" thời trước có gì đó thật ghê gớm, vừa là sự giấu giếm, lén lút, vừa có vẻ "qua mặt chồng" nên các bà... sợ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Đã vậy, các bà còn lệ thuộc tài chính vào chồng thì lấy gì để cất riêng? Thêm vào đó, xã hội ngày trước không quá nhiều tệ nạn, cám dỗ, nạn ly hôn cũng không trầm trọ`ng như bây giờ. Ngày nay, ngoại tình, nhậu nhẹt, chơi bời tràn lan, giá trị gia đình chẳng còn được tôn trọng, việc thủ ở các bà vợ âu cũng là "hệ quả tất yếu" vì nếu chẳng may hôn nhân nửa đường gãy gánh thì phần lớn người vợ sẽ giữ quyền nuôi con. Không thủ thì lấy gì nuôi con - kết quả để lại từ cuộc hôn nhân?
Hoặc, nếu gia đình gặp chuyện bất trắc, rủi ro như bệnh tật, tai nạn bất ngờ, mà một trong hai người không biết lo xa phòng thủ trước, trong khi người còn lại luôn tiêu xài vung tay quá trán thì khi "hữu sự" lấy gì lo? Nói thế tức là việc "thủ" có thể do phía người chồng hoặc vợ nếu người còn lại không biết lo xa. Tuy nhiên, hạnh phúc chỉ đảm bảo khi người ta thủ để lo cho cái chung chứ không phải để phục vụ mục đích cá nhân.
Thực ra, có những ông chồng rất "ngoan", không dính vào "tứ đổ tường" nhưng lại mắc "bệnh" keo kiệt, xài kỹ hoặc có những bà vợ không nghiện mua sắm, xài hoang nhưng thường xuyên "đút nhét" tiền riêng cho gia đình mình nên "đối phương" mới phát sinh tâm lý thủ. Ngay cả khi có lý do "chính đáng" chăng nữa thì cả hai cũng nên trao đổi với nhau, không giải quyết được hãy tính chuyện thủ. Tôi có chị bạn có mẹ mắc bệnh nan y, nhà chị đã cạn kiệt chi phí để lo cho bà nhưng chồng chị không chịu giúp vì ngày trước ông bà phản đối chị lấy anh. Vì thế, chị đành thủ để có cái phụ lo cho mẹ. Lại có anh bạn vì không ngăn được vợ mê hụi hè, cho vay nóng vay nguội này nọ nên cũng sinh ra thủ vì sợ có ngày vợ... đổ nợ! Trong những trường hợp như thế, "thủ" cũng là một "giải pháp tình thế" có thể chấp nhận được.
Khi người ta lập gia đình, mọi thứ nên tập trung để lo cho gia đình của mình. Nói thế không có nghĩa là khi gia đình riêng của mỗi người cần giúp đỡ, chúng ta có thể thản nhiên phớt lờ. Nếu cả hai sống với nhau có tình có nghĩa, biết tôn trọng nhau thì nên chia sẻ những vấn đề chung, đừng để dẫn đến chuyện "thủ", bởi suy cho cùng, thủ không đơn thuần là chuyện tiền bạc mà còn cho thấy người ta thiếu lòng tin, đã trở nên đề phòng, cảnh giác với nhau mất rồi.
Theo Lê Thị Ngọc Vi
PNO
0 nhận xét:
Đăng nhận xét