Những cô gái chưa lên xe hoa đã sẵn sàng ly hôn
Với Thùy Dương (29 tuổi, Hà Nội) mỗi ngày bình yên bây giờ là được vùi đầu vào công việc từ sáng sớm đến tối mịt và... không phải trở về nhà. Cô sợ mỗi lần nhìn thấy bố mẹ là lại được nghe bài ca "lấy chồng đi không người ta lại bảo nhà này vô phúc chứa bom nổ chậm trong nhà". Bất kể sáng sớm hay nửa đêm, bố mẹ cô khi thì nói thẳng, lúc lại bóng gió: "Cái Hằng hàng xóm đã hai đứa đuề huề, còn con nhà này thì như ngựa vía, chả biết có ma nào dám rước không".
Thậm chí, mỗi lần có bạn của Dương đến nhà chơi, mẹ cô lại kéo đứa bạn ra một góc thì thụt hỏi "Chuyện yêu đương của con Dương nhà cô thế nào?", hay "Cháu thấy ở công ty nó có yêu ai không?"... Lâu dần, bạn bè đều sợ, chẳng dám đến nhà Dương chơi, còn cô thì ở miết trên công ty đến 23h đêm, khi bố mẹ ngủ hết mới dám về nhà.
Thùy Dương không xinh nhưng rất đảm đang, khéo léo giao tiếp lại sống chân thành, luôn giúp đỡ mọi người. Nhưng đường tình duyên của cô lại vô cùng lận đận. Thời sinh viên, Dương yêu anh chàng tới 3-4 năm. Đến khi quyết định tiến tới hôn nhân thì mẹ anh kia nhất mực phản đối, kêu sẽ từ mặt con nếu anh vẫn muốn lấy cô. Thương người yêu, Dương lặng lẽ chia tay để anh đến với người khác cho trọn đạo làm con. Còn cô, sau đó cũng yêu thêm 1-2 người nữa nhưng người lâu nhất chỉ được 6 tháng là chia tay với lý do "không hợp".
Mệt mỏi với áp lực phải lấy chồng do gia đình tạo ra, Dương đã nghĩ "hay là
mình cũng lưỡi cho xong". Ảnh minh họa: Inmagine.
Gần đây, Dương được các chị trong phòng giới thiệu cho một đám là con của sếp lớn. Anh này hiền nhưng nhiều hơn Dương gần hai chục tuổi, đã có một đời vợ và đang nuôi đứa con riêng. Các chị bảo: "Phụ nữ yêu đương nhiều làm gì. Lấy chồng cốt là để có chỗ dựa và kiếm đứa con cho khỏi mang tiếng ế. Con gái mà 30 tuổi trở ra thì đừng kén cá chọn canh". Dương tuy chưa sẵn sàng kết hôn nhưng sau khi nghe mọi người bàn tán thì chia sẻ: "Hay là mình tặc lưỡi cho xong. Lấy một tấm chồng cho bố mẹ khỏi đau đầu, mắng nhiếc. Nếu lấy nhau về không hợp thì ly hôn. Mình tự chủ về kinh tế, có cần dựa dẫm gì đâu mà lo".
Câu chuyện của Thùy Dương gần giống với những gì mà Minh Thu (33 tuổi, Hải Phòng) từng trải qua cách đây hơn một năm nhưng khác là Thu không phải chịu quá nhiều áp lực từ phía gia đình. Lý giải cho cuộc hôn nhân "đũa lệch" theo cách gọi của bạn bè khi đó, Minh Thu kể: "Sau 2 mối tình không đi đến đâu với những người đàn ông mà mình tưởng như có thể sống chết vì họ, tôi không còn tin vào tình yêu nữa. Nhưng là phụ nữ, ai chẳng muốn được làm mẹ. Tôi kết hôn một phần cũng vì ước ao đó và hy vọng cuộc sống gia đình sẽ làm tôi thay đổi định kiến về đàn ông, về hạnh phúc".
Chồng của Minh Thu là kỹ sư điện máy, ngoại hình bình thường, không có gì nổi bật và có nhiều điểm khác Thu. Nếu như cô hướng ngoại, năng động thì chồng lại thuộc tuýp người của gia đình. "Anh ấy luôn muốn tôi ở nhà chăm sóc chồng con sau 8 tiếng làm việc tại công ty. Nhưng công việc của tôi hay phải đi gặp gỡ đối tác, tổ chức sự kiện. Vì thế, sau hơn một năm, chúng tôi chia tay vì không thể đáp ứng đòi hỏi của nhau. Tôi không bị suy sụp nhiều bởi ngay từ đầu, với tôi, hôn nhân giống như một cuộc đầu tư và tôi luôn sẵn sàng tâm lý cho những điều xấu nhất có thể xảy ra. So với nhiều người, tôi may mắn hơn vì đã có đứa con là gia tài lớn nhất, có điều con vì tôi mà bị thiệt thòi", Minh Thu tâm sự.
Không riêng Thùy Dương và Minh Thu, trên các diễn đàn về tình yêu hôn nhân, có khá đông bạn gái chia sẻ suy nghĩ "cứ cưới đi, nếu không hợp thì ly hôn".
Theo PGS Huỳnh Văn Sơn, Phó chủ tịch Hội tâm lý học xã hội Việt Nam, sự khác biệt về nhận thức, thái độ, hành vi này bắt nguồn từ sự thay đổi thời cuộc và con người. Khi xã hội lên một nấc thang mới thì hôn nhân cần hướng đến hạnh phúc chứ không phải là sự chịu đựng như nhiều người phụ nữ trước đây đã lựa chọn. Bởi có ông chồng quá tệ thì không thể bắt buộc phụ nữ phải chấp nhận. Nhưng cũng không thể nhìn ở khía cạnh còn lại khi có một số phụ nữ đẩy xu hướng bình đẳng giới lên quá mức, coi hôn nhân như công cụ để thể hiện, đây là điều rất chủ quan.
PGS Huỳnh Văn Sơn cho rằng "ế" không phải là tên gọi mà là một sự lựa chọn. Đừng để những áp lực vô hình buộc cuộc sống của mình neo đậu không đúng nơi. Hãy làm cho mình hạnh phúc đích thực chứ đừng giả vờ hạnh phúc hay mặc "chiếc áo" mượn của hạnh phúc. Việc một người đến với bất kỳ mối quan hệ nào, dù là hôn nhân hay tình yêu mà ngay từ đầu đã có thái độ bất chấp hay chuẩn bị "co giò", mất mát niềm tin thì cũng khó nhận được kết quả như ý (trừ trường hợp cực kỳ may mắn). Sự lựa chọn của mỗi người đáng được tôn trọng nhưng nên cân nhắc thay vì bị sức ép vô hình hay sức ép do chính mình tạo ra để có thái độ tiêu cực. Tất cả đều không phải là sự lựa chọn hợp lý và khôn ngoan.
Theo Mộc Lan
VnExpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét