Khổ vì chồng văn thể mỹ
Biết vợ vô tư nhưng Kha vẫn đắng họng. Kha dẫn chương trình đám cưới cho nhà vợ, vừa mệt, vừa đói, không được vợ ghi nhận thì thôi, còn làu bàu.
Vui người, sầu ta
Thủy và Kha quen nhau thời đại học. Ngày ấy, Kha là thủ lĩnh Đoàn của khoa, Thủy là bí thư Đoàn của lớp. Hát hay, đàn giỏi, lại học tốt như Kha, rất nhiều bạn nữ mê, nhưng Kha yêu Thủy vì cô cũng mang “nhóm máu phong trào” như anh, hiểu và thông cảm được công việc “mua vui cho mọi người”. Thủy thổ lộ, cô “kết” Kha vì anh đi đến đâu là hài hước rôm rả, vui nhộn ở đó, lấy làm chồng sợ chi buồn?
Nhưng thực tế hôn nhân khác xa những gì Thủy nghĩ. “Chất phong trào” trong Thủy mất hẳn vì đầu tắt mặt tối với hai đứa con nhỏ. Còn Kha vào làm việc ở một cơ quan nhà nước, sếp của anh rất “máu mê” với phong trào văn thể mỹ, nên càng có đất dụng võ. Các cuộc thi văn nghệ trong ngành, liên ngành, anh đều xăng xái. Một năm có dăm ba đợt, anh vừa tổ chức tập luyện, vừa là ca sĩ hát chính. Chưa kể, những ngày lễ kỷ niệm của cơ quan, anh dàn dựng chương trình, kiêm luôn vai MC, rất “nhuyễn”.
Vậy nên, tin nhắn Thủy thường xuyên nhận được là: “Chiều nay anh tập văn nghệ nên về trễ”. Có lần, nhắn tin không thấy vợ hồi đáp, Kha bốc máy gọi, Thủy to tiếng: “Anh đi luôn với cái phong trào vớ vẩn ấy đi, đừng về nhà nữa!”.
Cơ quan Kha liên hoan cuối năm. Thủy hào hứng mặc váy đẹp, dắt hai con đi cùng. Khai tiệc, Kha đã có mặt trên sân khấu để dẫn chương trình. Thủy không quen biết ai bên cơ quan chồng nên ngồi thu lu, gượng gạo. Được một lúc, hai đứa con bắt đầu quậy phá, đứa thì chạy bắng nhắng, đứa thì đòi bong bóng không được bèn khóc ăn vạ, giãy đành đạch giữa sàn. Dỗ ngọt không được, quát mắng cũng chẳng ăn thua, Thủy nhìn lên sân khấu cầu cứu chồng, thấy Kha đang huyên thuyên tấu hài. Bất lực, tủi thân, Thủy đét vào mông con mấy cái thật đau, rồi kéo hai đứa nhỏ về, dù chưa kịp đụng đũa. Đêm hôm đó, xong chương trình, về nhà, vừa mệt vừa đói nhưng Kha vẫn phải nhận thêm “món khó nuốt” của vợ. Sau trận vừa nhằn vừa khóc như thường lệ, Thủy kết: “Tại sao ra ngoài thì vui vẻ, hài hước thế, về nhà cứ như cọng bún thiu, phát ngán!”.
Không riêng Kha, rất nhiều ông chồng tưng bừng văn thể mỹ ngoài đường, nhưng về nhà cứ đăm đăm như pho tượng. Anh Hiếu - trưởng phòng nhân sự một công ty may mặc ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM - là một trường hợp. Ở công ty, anh là phó chủ tịch công đoàn phụ trách văn thể mỹ, rất nhiệt tình, hăng hái trong các phong trào. Anh cũng là người hài hước, kể chuyện tiếu lâm hay và có khả năng diễn ảo thuật. Những cuộc đi chơi của phòng hay công ty, các đồng nghiệp nhất quyết “phải có ông Hiếu đi mới vui”.
Dịp lễ Quốc khánh, bạn bè kéo nhau về nhà Hiếu ăn nhậu, anh lấy guitar ra đàn hát, chuyện trò rất xôm. Mẹ vợ Hiếu bưng đồ ăn ra, bất ngờ phát biểu: “Thằng Hiếu lạ nhỉ, bình thường ở nhà cạy miệng cũng không nói, sao bữa nay rôm rả, lại còn đàn với hát”. Hiếu “đứng hình” trước câu nói vô tư của nhạc mẫu. Khách về, anh nghiệm lại, cũng hơi giật mình. Đã từ lâu, vô công ty thì hài hước, vui nhộn, nhưng về nhà anh chỉ muốn cầm tờ báo và không muốn ai phiền đến mình. Nghĩ cũng ngược đời.
Đừng trút hết năng lượng "ngoài đường"
Một người có máu phong trào, giúp vui cho mọi người rất đáng quý. Nhưng có vẻ như đa phần “dân phong trào” quá hăng say với cơ quan, đoàn thể, nên cạn hết năng lượng khi về với gia đình. Rõ ràng, chẳng ai ép được người khác xăng xái chuyện phong trào, mà do bản thân người đó yêu thích. Khi đã yêu thích, họ liên tục suy nghĩ về nó, dành nhiều thời gian cho nó, vô tình, họ nghiêng hẳn về phong trào mà thiếu quan tâm vợ con.
Sau những lời “cảnh tỉnh” của vợ, Kha có thay đổi cách sống được không? Trước khi trở thành “pho tượng tại gia”, Kha cũng đã không ít lần pha trò với vợ, nhưng “kiếm” được một nụ cười của Thủy sao khó khăn quá. Anh học lỏm được một trò ảo thuật, biểu diễn ở cơ quan khiến các đồng nghiệp mê tít. Vậy mà khi tung trò đó ở nhà, vợ chẳng xem hết tiết mục, đã buông một câu: “Trò trẻ con, sao anh lớn rồi mà còn chơi cái trò đó vậy?”. Kể một câu chuyện tiếu lâm, vợ cũng chỉ cười nhạt, bảo: “Anh bậy bạ quá”. Cũng dễ hiểu, mỗi người có một số “chiêu trò” nhất định, bao nhiêu vốn liếng, người đàn ông đã tung ra hết thuở tán tỉnh nhau. Sống với nhau bao năm, người chồng muốn mua vui bằng chút gì đó “bất ngờ thú vị” cũng không đơn giản.
“Thực ra, cũng không nhất thiết phải đầu tư mua vui cho vợ, vì các bà vợ cần ở chồng những thứ khác hơn” - anh Hiếu chia sẻ, sau nhiều lần chiêm nghiệm về việc “tại sao ở ngoài là ngôi sao, nhưng ở nhà vợ lại… ngứa mắt”. Theo anh, vợ bực vì chồng không biết cân đối thời gian, sức lực giữa việc cơ quan và gia đình. Kết thúc ngày làm việc đã mệt, lại tập văn nghệ, rồi lao tâm khổ tứ với những chương trình ấy, về đến nhà là đuối, vợ con nào hài lòng cho nổi?
Vợ anh Hiếu từng bảo: “Anh phải lý trí một chút mới giữ được mái ấm, chứ cứ vô tư sống theo cảm xúc cá nhân, khiến vợ con phải khổ. Anh yêu phong trào, cứ nghĩ mình dành tâm sức cho nó là đúng, vì như vậy là “sống vì mọi người”. Sao anh không nghĩ, trước khi vì mọi người ở đâu đâu ngoài kia, hãy vì vợ con trước?”. Quả thật, nhiều người dốc hết thời gian cho phong trào, bỏ bê vợ con, không hẳn vì tập thể mà chính là để thỏa mãn sở thích của mình, xét cho cùng, đó cũng là sự ích kỷ. Ngoài công việc chuyên môn ở nơi làm việc, còn dư lại chút năng lượng, nếu anh cứ trút sạch vào văn thể mỹ rồi về làm “pho tượng” ở nhà, vợ có là thánh cũng phải kêu trời.
Theo PNO
0 nhận xét:
Đăng nhận xét