Dân phố đua trồng rau sạch
"Trồng rau sạch đã trở thành thú vui của gia đình. Cảm giác sáng sớm nhìn đám rau nảy mầm xanh tốt thật tuyệt, cứ như đứa con tinh thần của mình đang trưởng thành vậy", anh Trung (Hà Nội) chia sẻ.
Trước đây, khi còn ở chung cư Linh Đàm, gia đình anh Trung có hẳn mảnh đất trồng rau sạch ở ngay trước cửa. Khi ấy dự án làm đường chưa được thông qua nên gia đình anh cũng như nhiều hộ dân quanh đó đã chia đất để trồng rau. "Ngày ấy, gia đình mình gần như không bao giờ phải đi chợ mua rau. Đất rộng nên rau gì cũng có, thậm chí còn có rau gửi cho anh em nữa", anh Tuấn chia sẻ.
Sau này, khi nhà nước thu đất để làm đường, anh cũng chuyển sang mua nhà ở Đại Mỗ (Từ Liêm). Đang quen được ăn toàn rau sạch nên gia đình anh đã mua nhiều hộp xốp về, dành riêng cả tầng thượng 20 m2 chỉ để trồng các loại như rau thơm, rau muống, rau cải bó xôi, gừng tỏi...
Vì gia đình thường uống nước chè xanh nên thay vì mua lá chè ở chợ về nấu sợ thuốc sâu, anh đã về quê đánh vài gốc chè tươi để trồng. "Nhìn mấy cây chè tươi tốt, ngắt từng lá chè tươi rồi hãm với nước đun sôi uống luôn mà thấy ấm cả lòng", anh tâm sự.
Ban công một nhà tập thể ở Thanh Xuân Bắc, Hà Nội, với vườn rau sạch tự tạo. Ảnh: N.P |
Kể từ khi con đường mới Lương Thế Vinh (Thanh Xuân, Hà Nội) được hoàn thành, gia đình bà Sáu cũng như người dân dọc con đường này đã tận dụng triệt để đất ở bên kia lề đường để trồng rau sạch. Ngày nào cũng hai lần sáng tối, mọi người quanh xóm hào hứng rủ nhau đi tưới nước, bắt sâu rau. Song, vì rau trồng ngoài đường nên không tránh khỏi bị mất trộm. "Thỉnh thoảng tưới rau buổi sáng, thấy ngọn rau thơm bị vặt sạch, tiếc lắm. Chắc nhà nào đi làm về muộn quá không kịp ra chợ nên ‘hái tạm’", bà Sáu hài hước nói.
Song, không phải nhà ai cũng có đất rộng và không gian thoáng đãng để trồng rau sạch. Với những gia đình nhỏ hẹp, họ chọn phương án trồng rau hiện đại - mua máy trồng rau mầm, hoặc tự trồng giá đỗ với một vài dụng cụ đơn giản như cái nồi thủng lỗ (hoặc rổ) và chiếc khăn bông to (hoặc bao tải).
"Mình rất thích ăn giá đỗ, nhưng mua ngoài chợ nhiều hóa chất quá nên đã quyết tâm trồng tại gia với cách thức rất đơn giản - trồng trong nồi. Sản phẩm nhìn hơi gầy nhưng được cái rất ngon và giòn", Thanh, nhân viên văn phòng ở Cầu Giấy cho biết.
Sản phẩm giá đỗ đầu tay của chị Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: NP |
Không dừng lại ở việc trồng rau tự sản tự tiêu, sau khi quảng cáo cho bạn bè, một số bạn của Thanh còn đặt hàng tới tấp. Vậy là kế hoạch "kinh doanh" nhen nhóm trong đầu cô. Kết quả là Thanh vừa có rau sạch để ăn, lại kiếm thêm được ít lợi nhuận. "Một động lực không nhỏ giúp mình tiếp tục với nghề nông tại gia", Thanh nói.
Hoặc như gia đình chị Hoa ở tập thể Kinh tế quốc dân (Hà Nội), vì không có chỗ trồng rau nên chị chọn cách trồng một vài loại cây gia vị như gừng, tỏi, rau thơm và cà chua. "Gừng tỏi thì nhà mình được ăn thường xuyên, cà chua trồng cho vui cửa vui nhà là chính. Ớt thì trồng vui vậy thôi mà quả nhiều đáo để", chị Hoa cho biết.
Phần lớn mọi người đều chọn cách trồng rau sạch, nhưng Linh (sinh viên ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội) lại chọn cách trồng nấm. Chia sẻ về việc này, Linh cho biết, cô chỉ cần mua bịch meo nấm đã cấy sẵn về rồi treo cả túi đó lên nơi có độ ẩm cao, tránh ánh sách trực tiếp, tưới nước đều đặn 3 lần một ngày. Những khi trời nắng to có thể tưới nhiều hơn. Khi nấm bắt đầu nhú ra thì rạch túi để nấm có thể chui ra ngoài. Chỉ sau 3 ngày, cô có thể thu hoạch. "Nếu có thời gian, hãy trồng từng bịch nấm luân phiên để ăn dần, thậm chí còn làm quà tặng bạn bè nữa. Đảm bảo đây sẽ là món quà rất ý nghĩa đấy", Linh cười nói.
Xu hướng tự trồng rau sạch có từ vài năm nay và âm thầm lan tỏa ở khắp Hà Nội. Mọi người trồng rau ở bất cứ chỗ nào có thể, từ mảnh đất bỏ hoang chưa sử dụng ở các khu đô thị như Linh Đàm, Mỹ Đình, Trung Yên... hay đất lề đường ở dọc các tuyến phố vắng, cho đến các hộ gia đình sống trong biệt thự trồng rau trước sân nhà, trên tầng thượng...
Thú trồng rau chờ ngày "hái quả" vui là thế, song không phải ai cũng thành công. Anh Dũng (Xuân Mai, Hà Nội) thấy mọi người trong công ty đua nhau trồng rau sạch, trao đổi mầm giống náo nhiệt nên cũng xin một ít hạt giống rau cải cho vợ trồng. Về nhà, hai vợ chồng anh hào hứng đi mua đất, hộp xốp, bay, rồi mang lên sân thượng tầng 4 để ươm mầm giống. Nhưng chỉ sau hai tuần hào hứng, việc leo lên leo xuống 4 tầng cầu thang khiến vợ chồng anh thực sự nản.
"Mới đầu mình háo hức lắm, sáng ngủ dậy leo lên xem hạt giống nảy mầm chưa, chiều về vội vàng lên tưới nước ngắm nghía... hộp đất xốp. Nhưng chỉ sau 2 tuần, mưa bão làm mầm cây bị nát hết, cộng với việc leo nhiều cũng ngại, thành ra sau một thời gian vợ chồng lại hì hụi... dọn đống phế thải", anh Dũng cười nói.
Hay như gia đình chị Hương (Mỹ Đình, Hà Nội), chăm chút rau dền trong chậu rất cẩn thận, tưới nước đầy đủ, nhưng không hiểu sao cây cứ lên được một gang tay là tự già đi, thân cứng đơ lại, không phát triển được. Chị còn gieo cả hạt rau húng, nhưng đến nửa tháng vẫn không thấy hạt nào nảy mầm. "Đến giờ mình vẫn không hiểu lý do vì sao rau húng không thể nảy mầm. Hì hục trồng bốn chậu rau, nhưng chỉ thu hoạch được duy nhất chậu mùng tơi", chị Hương nói.
Theo những người trồng rau có kinh nghiệm, muốn làm "nhà nông" ở phố quả thực không đơn giản. Trước khi có ý định trồng rau sạch, bạn hãy lưu ý các vấn đề liên quan như loại hạt giống, loại đất, trồng vào mùa nào thì phù hợp, kỹ thuật tưới... Bởi mỗi loại rau phù hợp với môi trường sống cũng như độ ẩm, ánh sáng khác nhau. Đừng vội chạy theo trào lưu mà quên học kỹ thuật cơ bản, thành ra "xôi hỏng bỏng không".
Thế Đan
0 nhận xét:
Đăng nhận xét