Phải biết từ chối
Hôm qua, đang giờ cơm thì chồng có điện thoại. Nghe xong, chồng bỏ đũa, ngồi thừ: “Chắc anh nghỉ việc, không thể cứ tiếp tục thế này mãi”. Đoán chuyện cũ đang lặp lại nhưng vợ vẫn gặng hỏi.
Chồng cho biết, chị Linh - sếp của chồng chuẩn bị về quê thăm mẹ ốm. Loay hoay dọn hành lý, chị phát hiện để quên mấy gói trà atiso trên văn phòng nên nhờ chồng lấy giúp, mang ra bến xe để chị kịp về quê. Chồng lầm bầm: “Không lúc nào được yên. Anh nhận lương đâu phải để làm mấy chuyện này. Thật quá đáng!”.
Nhìn chồng bực dọc nổ máy xe, vợ vừa thương vừa giận. Thương vì thấy chồng quả không… yên thân với các chị, còn giận vì chính chồng chứ không ai khác, tự đẩy mình đến nông nỗi đó.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Công ty ở miền Bắc, đặt văn phòng trong Nam chỉ vỏn vẹn sáu nhân viên, trừ chú Tám bảo vệ kiêm giữ xe, chỉ mình chồng là nam. Thời gian đầu, “lính” mới, lại trẻ khỏe nhất nên chồng không ngần ngại lăng xăng giúp các chị nhiều việc không có trong hợp đồng.
Thoạt đầu, chồng thấy vui khi giúp được các chị, có cảm giác mình như “bóng tùng bóng bách”. Lâu dần, chồng đâm ra cáu bẳn, khó chịu, ý nghĩ mình đang bị “lợi dụng” ngày một phình to trong đầu. Thế nhưng, vợ để ý thấy chồng chẳng những không bao giờ từ chối, ngay cả khi đang bận; mà còn rất vui vẻ, nhiệt tình giúp đỡ. Để rồi, trái ngược với cái gật đầu hay chữ “dạ” hồ hởi gửi đi, gương mặt chồng liền sau đó trở nên bí xị, nhăn nhó.
Vợ là người… lãnh đủ cơn bực dọc từ chồng. Như hôm qua, vợ bảo chồng ăn xong rồi hẵng đi, chồng trút bực: “Để đó”. Vợ nổi cáu: “Mắc gì anh phải vậy”. Chồng quắc mắc nhìn vợ: “Thôi đi!”. Hay lần trước, dốc tâm giúp người ta nên chồng đâu còn hơi đỡ đần vợ. Cu Bi sốt cao, thấy chồng về đến ngõ, vợ hớt hải chạy ra nhờ chồng ghé sang mẹ lấy nắm lá về xông, sẵn tiện mua tô cháo cá, chỉ vậy mà chồng nổi nóng: “Đúng là đàn bà, chỉ biết sai vặt”.
Vợ không cam lòng, đợi chồng về hỏi cho ra lẽ, chồng kể như… khép tội: “Đang làm báo cáo cho sếp Linh thì chị Ngọc nhờ đi mua một món đồ, chạy cả buổi tìm không ra. Đến giờ nộp thì báo cáo chưa xong. Từ rày chuyện gì làm được em làm đi, đừng trông mong người khác” khiến vợ rất chạnh lòng. Chồng biết không, lâu lắm rồi muốn nhờ chồng việc gì, vợ cũng đều đắn đo, cân nhắc, sợ chồng càu nhàu: “Bị hành hạ trên công ty đã đành, về đến nhà vợ cũng chẳng tha cho”; lâu dần trong vợ như có nỗi uất ức, tủi thân đè nén.
Tối nay, cả nhà đang xem phim hài, chồng với tay mở tin nhắn, rồi bất ngờ… ném chiếc điện thoại sang chỗ khác. Vợ nhặt đọc: “Quân ơi, mai chị nhập viện, bác sĩ dặn mang kết quả các xét nghiệm hôm trước nhưng chị để quên ở ngăn tủ bàn làm việc, Quân không phiền sáng mai mang đến bệnh viện giùm chị hen”. Phim đang hay mà vợ chồng mỗi người ngồi một góc, cảm giác nặng nề. Lần này, vợ quyết liệt bày tỏ ý kiến: “Thấy không giúp được, anh từ chối thẳng, sao phải ráng?”. Chồng gạt phăng: “Họ đã nhờ mình. Với lại, đàn bà thường rối rắm, anh lo các chị… giận”. Nén lắm vợ mới không nổi nóng với chồng bởi lý lẽ đó.
Nhận việc mới hai năm, chồng đòi nghỉ không dưới chục lần, chỉ một lý do là mệt mỏi, chán ngán bởi phải kiêm chân sai vặt. Chia sẻ với chồng, nhưng vợ nghĩ, sự ôm đồm đó có lỗi lớn từ chồng. Thử từ chối đi chồng, khi mình chưa sẵn sàng hoặc sự giúp đỡ ấy quá khả năng cho phép.
Theo Lãng Ngọc
PNO
0 nhận xét:
Đăng nhận xét