Tự sự cay đắng của người phụ nữ bị mẹ chồng biến cuộc sống gia đình thành địa ngục
Nhưng đến khi bị bà chỉ thẳng mặt sỉ nhục là “kẻ trộm tiền” mà không nhận được bất kỳ sự bảo vệ nào của người chồng nhu nhược, thì sự chịu đựng của người phụ nữ tội nghiệp đã vượt quá giới hạn. Trong cơn phẫn hận, chị từng định tìm đến cái chết. Để rồi sau khi tỉnh táo trở lại, chị nhận ra ly hôn là con đường duy nhất giúp mình thoát ra khỏi những bi kịch không hồi kết.
|
Ảnh minh họa |
Những năm tháng sống như địa ngục
Hôm ấy, khi đang thống kê nốt hồ sơ về các vụ kiện, bỗng luật sư Nguyễn Văn Nguyên nhận được cuộc gọi từ một người phụ nữ quen biết. Từ bên kia đầu dây, một giọng nói nghẹn ngào, đầy bế tắc vang lên: “Cuộc hôn nhân của chị chấm hết rồi. Nguyên giúp chị làm các thủ thục ly hôn và giành quyền nuôi con được không?”. Luật sư Nguyên kể: “Khi nghe chị nói, tôi khá bất ngờ bởi cách đó chưa lâu, chúng tôi gặp nhau thấy vợ chồng chị còn rất tình cảm. Vậy mà chỉ sau thời gian ngắn, chị lại đòi ly hôn. Chưa hiểu đầu đuôi sự việc thế nào, tôi chỉ biết động viên chị suy nghĩ cho kỹ, đừng vì phút nóng giận mà quyết định sai lầm mà ân hận suốt đời ân hận”.
Trong câu chuyện cùng người viết, luật sư Nguyên nhớ lại: “Người phụ nữ mà tôi nói đến tên Lệ Quyên. Chị Quyên quê gốc Ninh Bình, lấy chồng ở Hà Nội và sống chung trong một căn nhà cùng bố mẹ chồng. Chị và anh Thiên lấy nhau đã được 4 năm. Họ yêu nhau từ khi chị học năm thứ hai còn anh Thiên học năm 4 đại học. Khi chị Quyên ra trường được một năm, cả hai khép lại tình yêu đẹp của mình bằng cuộc hôn nhân rình rang”.
Qua cơn xúc động, người phụ nữ một mực đòi chấm dứt cuộc hôn nhân sau 4 năm chung sống tiết lộ với luật sư Nguyên, tình yêu giữa hai vợ chồng đã bị phá ngang bởi chính mẹ chồng. “Từ khi anh Thiên dẫn về ra mắt, chị Quyên đã bị mẹ chồng tương lai chê là “dân tỉnh lẻ” quê mùa. Mỗi lần đến nhà chơi, chị lại phải hứng chịu sự ghẻ lạnh, thái độ khó chịu ra mặt của các thành viên khác trong gia đình người yêu.
Có lần, mẹ anh Thiên còn bóng gió: “Chắc con trai tôi là dân thành phố, nên cô mới bám riết theo chứ gì (?)”. Những lời cay nghiệt ấy khiến chị Nguyên sốc nặng, thậm chí đôi lần chị đã đề nghị chia tay. Thế nhưng, mỗi lần nghe anh Thiên động viên, thuyết phục, chị lại bị tình yêu làm mủi lòng, che mờ lý trí. Chị cứ tự an ủi mình, chỉ cần anh Thiên bên cạnh, mọi chuyện rồi sẽ ổn”, luật sư Nguyên kể.
Nhưng chị Quyên không ngờ, cái tặc lưỡi “thỏa hiệp” ấy đã khiến cuộc sống sau ngày kết hôn của chị trở thành tấn bi kịch. Hàng ngày, dù mệt mỏi vì chuyện công ty nhưng sau khi hết giờ làm, chị lại phải tất tả với một núi công việc không tên trong gia đình mà mẹ chồng mặc định “con dâu phải gánh”. Song đến bữa cơm, mỗi lần bưng bát lên, mẹ chị lại dùng đũa khơi khơi thức ăn một cách nặng nhọc hoặc tỏ thái độ khinh miệt.
Có lần, được mẹ chồng sai chặt gà thắp hương, chị quay sang nhờ anh Thiên: “Anh chặt giúp em vì xưa nay em chưa làm bao giờ (?)”. Nghe được câu đó, bà quay sang mắng con dâu tới tấp: “Mỗi chặt gà mà không biết làm, bố mẹ cô ở quê không biết dạy con à (?)”. Rồi bất kể chị thanh minh thế nào, bà vẫn cố tình “chuyện bé xé ra to”, xỉ vả con dâu không tiếc lời. Đứng bên cạnh chứng kiến sự việc, nhưng chồng chị chỉ biết im lặng, không một lời nói đỡ để làm dịu căng thẳng.
Lâu ngày, những va chạm nhỏ tích tụ trở thành nỗi sợ hãi trong lòng người phụ nữ hiền lành. Chị Quyên sợ mỗi khi phải về nhà, làm gì cũng nơm nớp lo trái ý mẹ chồng. Âm thầm chịu đựng đến ngày sinh con trai đầu lòng, chị hy vọng sợi dây tình cảm ấy sẽ giúp mẹ chồng thay đổi thái độ. Nhưng rồi, khi chứng kiến bố mẹ mình từ quê mang gà, trừng ra thăm cháu ngoại bị bà lườm trước, nguýt sau là “quê mùa”, chứng kiến sự thờ ơ với chính bản thân mình trong suốt những ngày ở cữ, chị hiểu mình không bao giờ được mẹ chồng coi như một thành viên trong gia đình.
Chị kể với tôi: “Lần nào xin về quê, bà cũng biện ra nhiều lý do cấm đoán. Lúc thì bảo “thời tiết nắng nóng, ở quê lấy đâu ra điều hòa”, lúc thì nói thẳng “về quê điều kiện đâu mà chăm sóc cho tốt”. Nghe thế, chị Quyên chỉ biết khóc lóc van vỉ chồng. Nhưng thấy tâm sự của vợ, anh Thiên lại nhu nhược hùa theo mẹ”, luật sư Nguyên đắng giọng.
Nỗi oan không nói nên lời
Trong cuộc trò chuyện cùng luật sư Nguyên, chị Quyên ngậm ngùi bộc bạch nỗi lòng mình: “Gia đình chồng không tốt, chị có thể bỏ qua nhưng đến chồng cũng không chia sẻ được khiến chị thực sự chán nản. Lúc mới sinh con, ý định ly hôn đã mấy lần lóe lên trong đầu nhưng nghĩ đến đứa trẻ còn trứng nước, chị lại không đành lòng. Từ trong thâm tâm, chị đã nghĩ sẽ âm thầm chịu đựng, chấp nhận sự cay nghiệt mẹ chồng đổ lên đầu để giữ bằng được cho con trai mái ấm đủ cả cha lẫn mẹ. Nhưng cuối cùng, cây muốn lặng mà gió chẳng dừng…”.
|
Luật sư Nguyễn Văn Nguyên. Ảnh: T.G |
Một ngày sau khi từ cơ quan trở về, chị thấy mọi người trong nhà đang nhốn nháo, đồ đạc đều bị lục tung. Hỏi ra mới biết, mẹ chồng chị báo mất 5 triệu đồng cất trong hộc tủ. Thấy mẹ chồng kêu mất tiền, chị thật thà bảo: “Bố mẹ tìm kỹ chưa, xem có để lẫn vào đâu không? Nhà mình có mấy người thôi, sao lại mất được”. Dường như chỉ chờ có vậy, mẹ chồng chị nói oang oang: “Trong nhà này, thằng Thiên không lấy, cháu thì còn nhỏ không thể lấy được, chẳng lẽ chúng tôi tự giấu tiền của mình”. Những lời mẹ chồng chị thốt ra, chị hiểu: “Bà đang ám chỉ mình”. Chị thẳng thắn: “Chẳng lẽ, bố mẹ nghĩ con lấy”. Nghe chị nói vậy, mẹ chồng chị nguýt dài một tiếng rồi quay lưng mà chẳng thèm nói một lời. Chị quay sang chồng chờ một phản ứng nhưng anh cũng thần mặt im lặng. Uất ức quá, chị bật khóc và nói trong nước mắt: “Con hiểu rồi, trong mắt mẹ, con mãi là một con nhà quê ăn bám anh Thiên. Dù con có cố gắng đến đâu thì cái gốc gác ấy với mẹ vẫn là xấu xa, là thứ ác cảm không thay đổi được”.
Ngay giờ phút ấy, người phụ nữ tội nghiệp tự hỏi mình: “Có chồng để làm gì (?)”, giận bố mẹ một phần thì chị giận anh Thiên đến mười phần. Yêu nhau rồi kết hôn, từng ấy năm tháng chị chăm lo, hy sinh cho gia đình như thế lẽ nào anh không thấu hiểu. Chồng chị đã nhiều lần nhu nhược không bảo vệ được vợ trước ác cảm vô lý của mẹ nhưng đến sự sỉ nhục danh dự này, anh cũng không thể giúp chị giải thì vợ chồng sống còn có ý nghĩa gì (?).
Quanh quẩn giữa hàng chục câu hỏi, hai dòng nước mắt ứa ra, chị lấy một tờ giấy ghi lại mấy dòng rồi phóng xe máy ra khỏi nhà, mặc cho chồng cố níu giữ. Suốt buổi tối hôm ấy, chị đi trong vô định. Xe đến giữa cầu Thăng Long, chị chợt dừng lại. Một ý nghĩ chỉ có cái chết mới giúp giải nỗi oan chợt lóe lên trong đầu, chị như người vô thức trèo lên thành cầu định gieo mình xuống. May sao, vào thời khắc nguy nan ấy, một cánh tay rắn chắc từ phía sau đã kịp níu người phụ nữ quẫn trí lại. “Sau này, chị tâm sự với tôi nếu không có người đàn ông xa lạ đó cứu giúp và hỏi chuyện động viên, thì cuộc đời chị chắc đã kết thúc theo kịch bản tồi tệ nhất. Sau khi hứa với vị ân nhân sẽ về nhà và không hành động dại dột, chị mới đi đến quyết định sẽ ly hôn để tự giải thoát”, luật sư Nguyên cho biết.
Gần một năm đã trôi qua, câu chuyện của chị luôn khiến vị luật sư trẻ suy nghĩ rất nhiều, nhất là trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu. Luật sư Nguyên chia sẻ: “Cuộc sống khó nói trước được điều gì nhưng trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, người con trai phải đứng giữa, phân biệt đúng sai để bảo vệ gia đình. Tất nhiên, việc bảo vệ vợ hay mẹ cũng cần khéo léo để cả hai không bị tổn thương mà vẫn thấy mình quan trọng trong mắt chồng và con. Bên cạnh đó, cần làm cầu nối để níu kéo tình cảm của mẹ và vợ… thì mới giữ được yên ấm gia đình. Tiếc rằng, anh Thiên đã không làm được từ đó dẫn đến hạnh phúc của mình tan vỡ…”
“Cá chuối đắm đuối vì con”
|
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Thanh Hiên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét