Gặp lại chàng trai nằm liệt giường “cưa” vợ với 400 bức thư
Đó là tình yêu giữa một chàng thi sĩ tật nguyền không thể đứng dậy khỏi chiếc giường và cô gái hiền lành, thật thà ở vùng quê nghèo Nam Định. Tuy ở cách nhau tới mấy trăm cây số và chưa từng quen biết nhưng nhờ gần 400 bức thư viết tay mà hai trái tim đồng cảm đã tìm đến được với nhau; để tới giờ họ đã có một mái ấm hạnh phúc, bình dị như bao gia đình khác.
|
Chị Thư và anh Tuấn tâm sự với PV. Ảnh T.G |
Câu chuyện tình nổi tiếng xa gần
Lần theo sự chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm địa chỉ đến nhà anh Chu Phạm Minh Tuấn đúng vào lúc gia đình anh đang ăn cơm trưa. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi đó là hình ảnh người chồng đang nằm trên giường còn người vợ thì ngồi cạnh bón cơm. Thấy có khách tới thăm, người phụ nữ có gương mặt phúc hậu trên dáng người nhỏ nhắn giải thích: “Bình thường thì anh anh ấy vẫn tự ăn được, không phải bón thế này. Nhưng mấy hôm nay không hiểu sao trái gió trở trời nên toàn thân anh đau nhức, không cựa quậy được nên khi ăn phải có người bón cho”.
Bữa cơm đạm bạc của gia đình anh Tuấn (vợ chồng anh Tuấn ở cùng bố mẹ) với đĩa rau, đĩa trứng như trở nên rôm rả hơn khi chúng tôi đề cập tới chuyện tình yêu như cổ tích giữa anh Tuấn và chị Thư. Nhắc lại chuyện tình yêu của hai anh chị thì có lẽ cho tới giờ, vẫn không bút mực nào có thể tả xiết. Anh Tuấn khi mới sinh ra hoàn toàn là một cậu bé thông minh, khỏe mạnh; nhưng tới năm 14 tuổi thì anh mắc bệnh lạ, chân dần teo tóp không thể tiếp tục đi và chỉ có thể ngồi ở nhà nhìn chúng bạn đến trường với đôi mắt ngập tràn nước mắt. Từ đôi chân, bệnh lan ra cột sống, cánh tay khiến anh cũng không thể dùng nạng để đi lại được nữa. Bước qua tuổi 22, anh Tuấn vĩnh viễn phải nằm trên giường với cả thế giới nằm vỏn vẹn sau ô cửa sổ nhỏ. Tuy nhiên, từ ô cửa nhỏ đó với tia nắng lấp lánh ban ngày và ánh trăng thơ mộng ban đêm đã cho chàng thanh niên bất hạnh có cảm hứng với thơ ca. Anh viết những vần thơ ai oán cho cuộc đời mình, cho những tâm sự mà anh không biết chia sẻ cùng ai.
Cuộc sống của chàng trai tật nguyền ấy có lẽ sẽ mãi mãi buồn tẻ như vậy nếu không có một ngày tình yêu đến với anh như một giấc mơ. “Không biết số phận đã đồng cảm thế nào mà có một lần nghe chương trình “Thời sự và âm nhạc” tôi bị ấn tượng với một số bài thơ của cô gái trẻ ở tận Nam Định. Kết thúc chương trình, tôi lưu tên tuổi và địa chỉ cô gái rồi gửi thư làm quen nhưng cũng không hy vọng sẽ có hồi âm. Lá thư đầu tiên tôi chưa dám nói gì nhiều, nội dung chính là ngỏ lời kết bạn cùng cô ấy. Nhưng điều bất ngờ đã đến một tuần sau đó khi tôi nhận được bức thư từ Nam Định gửi lên. Vui quá, đêm hôm đó tôi ngồi cả đêm suy nghĩ để viết lá thư thứ hai cho Thư. Bức thư dài 16 trang đó tôi đã nói tất cả về cuộc sống, số phận cũng như khát khao tình yêu với một người con gái như cô ấy. Khi viết những dòng ấy vào thư, lòng tôi nặng trĩu bởi nghĩ rằng “đọc xong lá thư này, biết mình như thế không biết cô ấy có dám viết thư cho mình nữa không”. Thế nhưng, trái với lo lắng đó, Thư đã chia sẻ và đồng cảm với số phận của tôi, không chỉ một lần mà rất nhiều lá thư khác nữa...”, anh Tuấn vừa kể lại vừa đưa mắt âu yếm nhìn vợ.
Đỡ lời tiếp cho chồng, chị Thư vui vẻ kể: “Hồi đó tôi làm nghề may nên có nhiều thời gian nghe đài và kết bạn với với mọi người qua đài. Hôm nhận được bức thư đầu tiên của anh Tuấn tôi cũng nhận được thư kết bạn của nhiều bạn khác nữa. Tôi đã trả lời tất cả các bức thư đó. Nhưng khi sang bức thư thứ hai, biết được hoàn cảnh của anh ấy tôi cảm thấy xúc động khôn xiết. Tôi muốn an ủi, động viên anh và cứ thế, những bức thư ngày càng nhiều lên trong ngăn kéo bàn. Chúng tôi đều yêu thơ nên có nhiều bức thư chỉ là bình luận những câu thơ mà hai người đều “kết” ấy thế mà dài cả mấy chục trang”. Trong khoảng thời gian gần 6 năm, chị Thư không thể nhớ nổi là đã viết cho nhau bao nhiêu bức thư, nhưng theo anh Tuấn thì là gần 400 bức. Do nhiều lần chuyển đồ đạc nên giờ trong “kho báu” của mình, anh Tuấn cho biết hiện tại còn 305 bức thư.
Qua thư, hiểu rõ tình cảm anh Tuấn dành cho mình, nhiều lần chị Thư xin phép lên Hòa Bình thăm nhưng anh đều từ chối”. Đến năm 2000, khi nhận được thư anh Tuấn thông báo cưới cậu út, mặc dù không được sự đồng ý từ phía anh nhưng chị đã quyết định đi xe đạp ra đường lớn bắt xe khách, vượt hơn 200 km từ Nam Định lên Kỳ Sơn - Hòa Bình gặp anh và gia đình. Hành trình đi từ Nam Định lên Hòa Bình tuy chỉ có 200 cây số nhưng chị phải đi từ 6 rưỡi sáng đến 5 giờ chiều mới đến nơi vì đường sá thời bấy giờ vẫn còn rất khó khăn. Để vào được nhà anh Tuấn chị phải qua không biết bao nhiêu chiếc cầu khỉ, vậy mà cô gái miền xuôi ấy vẫn vác xe lên để qua được. Vừa nhắc lại kỷ niệm lần đầu lên nhà chồng chị Thư vẫn tự nhủ: “Hồi đó không hiểu sao mình lại có một động lực mãnh liệt đến thế”.
Hạnh phúc không tật nguyền
Sau buổi gặp đầu tiên, hai người cảm nhận được sự đồng cảm nơi nhau để rồi chưa bàn gì với người yêu, chị Thư đã quyết định thưa chuyện với bố mẹ xin được làm dâu mảnh đất Kỳ Sơn xa xôi. Nghe con gái xin được cưới chàng trai tật nguyền ở tận một huyện miền núi, nhiều người thân trong gia đình chị Thư đã ngăn cản quyết liệt. Thuyết phục bố mẹ chị đã khó, thuyết phục bố mẹ anh còn khó hơn. Ông bà kiên định và khuyên chị nên suy nghĩ lại vì nếu sau này chị ân hận sẽ khổ cho cả hai. Bản thân anh Tuấn lúc này cũng lo cho tương lai của người yêu, sợ chị về sống với người đàn ông tật nguyền như anh sẽ rất khổ sở, vất vả. Cuối cùng, anh biên thư bảo chị lên ở với gia đình mình mấy ngày xem có chịu được cuộc sống như vậy không rồi hãy quyết định vẫn chưa muộn. Vậy là chị lên ở nhà anh ở một tuần thật; vừa chăm sóc, vừa cố gắng thuyết phục bố mẹ và các anh chị của anh. Cuối cùng, đám cưới của hai người cũng diễn ra như mong muốn. Đến giờ, người dân xã Hợp Thịnh vẫn còn nhớ như in hình ảnh cô dâu bước đi sau chiếc xe lăn, nụ cười rạng rỡ - một hình ảnh thật đẹp.
|
Cháu đạt đã lên 4 tuổi là niềm hạnh phúc nhất của anh chị |
Sau 9 năm chung sống, đôi vợ chồng viết lên câu chuyện cổ tích tình yêu đã có với nhau một cô con gái 4 tuổi là Chu Đặng Thúy Đạt 4 tuổi. Hạnh phúc của gia đình nhỏ dễ dàng được đọc vị trên ánh mắt rạng ngời, nụ cười của họ. “Ngày mới cưới, anh Tuấn nhiều khi cũng tự ti vì bị người ta dị nghị. Tôi thường động viên anh rằng, người ta nói thế này, thế nọ là điều không thể tránh khỏi, điều quan trọng là bản thân phải vững tâm. Nhiều người khi biết tình yêu của chúng tôi cũng gửi thư thăm hỏi, sẻ chia. Một số người còn tâm sự, nhờ câu chuyện ấy, họ vững tin hơn với lựa chọn của mình bởi trong cuộc đời không phải lúc nào mọi chuyện cũng được như ý muốn”, chị Thư chia sẻ.
Mấy năm gần đây, do không có điều kiện thuê ki ốt ở mặt đường nên chị Thư đi bán hàng thuê cho một của hàng tạp hóa gần đó. “Lương có ít thì mình tiêu ít thôi, vì không có phương tiện đi lại nên phải bán thuê cho của hàng tạp hóa gần nhà để tiện bề chăm gia đình. Tôi đang mơ ước có một chiếc xe máy để đi buôn bán một mặt hàng gì đó kiếm thêm thu nhập, nhưng đó cũng mới chỉ là ước mơ thôi vì nhà vẫn còn nghèo lắm”, chị Thư tâm sự. Nghe vợ nói vậy, trên gương mặt anh Tuấn lại ẩn hiện một nỗi buồn khó tả. Có lẽ chỉ những người có hoàn cảnh giống anh mới hiểu được cảm giác bất lực của một người đàn ông phải chứng kiến người phụ nữ mình yêu thương mà không giúp được gì. Anh trầm ngâm: “Nhiều người bảo số tôi may mắn vì có vợ vừa xinh đẹp, vừa giàu lòng nhân ái. Hạnh phúc đã ngập tràn nhưng nhiều lúc tôi vẫn ngỡ mình đang nằm mơ. Chỉ có điều thấy thương vợ quá, cô ấy đã vất vả vì tôi nhiều”. |
Phúc Hồ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét