Mẹ chồng ốm, con dâu bị… đổ vạ
Câu chuyện bi hài mà chị Thư (Long Biên, Hà Nội) kể khiến cho những người được nghe không khỏi ngỡ ngàng xen lẫn nực cười. Tất cả xuất phát từ việc mẹ chồng chị Thư đổ vạ nguyên nhân khiến mình ốm đau mấy tháng nay là do con dâu.
Cụ thể là trước đây, khi chị và anh Vinh - chồng chị, còn yêu nhau mẹ chồng chị đã không tán thành. Vốn không “ưng mắt” lại được thầy bói khuyến cáo mệnh, tuổi của chị Thư xung khắc với anh Vinh sẽ khiến nhà chồng rối ren… “Thế nên mẹ chồng tôi phản đối kịch liệt chuyện hai đứa kết hôn. Bà cho rằng tôi về làm dâu sẽ ám quẻ cả nhà” - chị Thư giọng bùi ngùi kể lại
Thế nhưng mặc dù dùng mọi cách để gây áp lực với con trai, dùng cả lời lẽ nặng nề miệt thị chị Thư, bà vẫn không thể khiến chia cắt được tình cảm của anh chị: “Dù tôi kiếm đủ cách, bịa mọi lý do để phá đám nhưng trước sự quyết tâm của con trai, mẹ chồng tôi không thể làm thế nào khác. Bà đành gượng gạo chấp nhận tôi là con dâu. Thế nhưng cũng chính từ ngày tôi bước chân về nhà chồng là thời khắc tôi phải đối diện với những lần mẹ chồng làm mình làm mẩy".
Chị Thư tâm sự rằng là phận dâu con trong nhà nên mẹ chồng chị quá quắt thế nào trong lời ăn, tiếng nói và cả hành động chị đều “dĩ hòa vi quý”: “Tôi cho rằng nếu mình thật tâm, không chóng thì chầy mẹ chồng tôi cũng hiểu tấm lòng của mình. Hơn nữa là phận con cái, đối xử nặng nề, rồi lời qua tiếng lại với nhau không phải là một cách tốt để yên ổn cửa nhà. Vì thế tôi chọn cách im lặng và triệt để chiều theo ý bà”.
Bà cho rằng vì chị mà cả nhà ốm đau. Vì chị mà bà ốm liệt giường, sắp chết...
Ảnh minh họa
Cũng chính bởi vì chị Thư răm rắp làm theo lời mẹ chồng cho nên dù rất muốn kiếm cớ để gây sự với cô con dâu “sao chổi”, mẹ chồng chị cũng không thể tìm ra kẽ hở nào: “Nhà cửa lúc nào cũng gọn gàng, ngăn nắp. Việc cơm nước, chợ búa, mẹ chồng tôi cũng không thể tìm ra nhược điểm nào. Dẫu vậy, tôi biết bà vẫn chưa xóa bỏ ác cảm của mình đối với tôi” - chị Thư thở dài cho biết.
Cho đến khoảng thời gian 1 tháng trước đây, bố chồng chị bỗng dưng lên cơn đau bụng dữ dội trong đêm rồi nôn thốc nôn tháo. Sau đó là thằng cháu đích tôn - con trai của anh chồng chị Thư, bị sốt phải nhập viện. Khi thằng cháu vừa ra viện thì tới lượt mẹ chồng chị bị hắt hơi, sổ mũi, sau đó nằm bẹp cả tuần.
Chị giãy bày: “Mấy hôm mẹ chồng ốm, vì bà không chịu đi khám nên tôi áp dụng phương pháp dân gian là nấu cháo hành, thịt nạc cho mẹ chồng ăn. Thế nhưng không hiểu bệnh tình thế nào mà sức khỏe của mẹ tôi ngày càng xấu đi. Ban đầu chỉ là hắt hơi, sau đó bà kêu mệt mỏi lắm, nằm bẹp cả tuần.
Khuyên nhủ thế nào mẹ tôi cũng không chịu đi viện khám. Bà cứ một mực cho rằng tại tôi đã bỏ thứ gì đó vào thức ăn khiến cho cả nhà lăn ra ốm; Vì tôi ghét bà nên trong lúc nấu cháo đã ‘ra tay’ mạnh hơn nên giờ bà ốm liệt giường, sắp chết”.
Cũng theo lời kể của chị Thư, khi thấy mẹ chồng chị nhất mực đổ vạ cho con dâu, chồng và bố chồng chị lên tiếng bênh vực chị thì bà khóc lóc cho rằng “cả cái nhà này loạn vì bị nó cho ăn bùa mê thuốc lú rồi”.
Về phần mình, chị Thư cho biết: “Bản thân chỉ có một miệng chứ dẫu có 10 miệng tôi cũng không thể thắng được cái lý của mẹ chồng. Bà nhất định buộc tôi phải nhận rằng đã làm gì đó khiến cả nhà ốm thì mới chịu đi viện. Trước tình thế như vậy tôi đành nhượng bộ nói kiểu nước đôi ‘vâng là con, là con’. Vừa nghe tôi nói thế, bà ngồi nhỏm dậy chỉ vào mặt tôi ‘đấy cả nhà nghe rồi nhé’… Hóa ra mẹ chồng tôi ốm chỉ là một phần, còn chủ yếu bà cố sinh bệnh để ép tôi nhận mình là ‘sao chổi’”.
Còn tình huống dở khóc dở cười mà chị Vân Anh (Láng Hạ - Hà Nội) chứng kiến và gặp phải là chuyện mẹ chồng chị đổ vạ cho con dâu khi bà phải nhập viện mổ ruột thừa. Dẫu không phải là người phải chịu vạ nhưng chị Vân Anh cũng lâm vào tình huống khóc không được mà cười cũng chẳng xong khi đứng giữa mối oan tình của chị dâu nhưng mẹ chồng thì kéo tay, trừng mắt buộc chị phải về phe bà.
Theo lời chị Vân Anh kể, nhà có 2 nàng dâu nhưng mẹ chồng chị vốn dĩ không yêu quý nàng dâu cả. “Mẹ chồng tôi cho rằng chị dâu tôi là con nhà nghèo, lấy anh chồng tôi chỉ vì của nả. Cho nên phản đối đám cưới của anh chị không được mẹ chồng tôi quay sang xét nét chị. Cùng là con dâu trong nhà nên tôi nhận thấy rõ cách đối xử thiên vị của mẹ. Chị dâu tôi làm gì mẹ chồng cũng không ưng. Mẹ cho rằng chị thấp kém, không làm được gì nên hồn, đụng đâu hỏng đó. Còn chị, do mẹ chồng không bao giờ tin tưởng nên chị cũng trở nên bất cần, ù ì. Chị lẩn tránh để tránh va chạm với mẹ chồng. Điều đó càng khiến mẹ chồng tôi được thể càng vin cớ áp cho chị cái danh ‘vô tích sự’, là ‘cái gai chờ thời cơ chọc người này, đâm người kia’” - chị Vân Anh nói.
Chị Vân Anh còn cho biết, mẹ chồng chị có một vật bất ly thân và bà vô cùng quý báu đó là chiếc nhẫn bà luôn đeo ở ngón giữa. Với mẹ chồng chị thì chiếc nhẫn đó là bùa hộ mệnh, giữ cho bà luôn khỏe mạnh.
“Không biết mẹ tôi đi lễ ở đâu rồi thầy bà dặn dò thế nào nhưng chiếc nhẫn gần như không bao giờ rời khỏi bàn tay của bà trừ lúc tắm. Mẹ chồng nói với tôi rằng thầy dặn lúc tắm phải tháo ra, phải luôn giữ cho chiếc nhẫn thanh sạch… nên tôi cũng chỉ biết thế và không bao giờ đụng vào chiếc nhẫn đó” - chị Vân Anh cho biết.
Còn chị dâu của chị Vân Anh vốn không được mẹ chồng yêu quý nên những chuyện thần bí của bà gần như chị không biết. Thế cho nên oan vạ đã giáng xuống đầu khi chị không chỉ cầm mà còn làm rơi chiếc nhẫn của mẹ chồng chị xuống miệng cống trong phòng tắm.
Chị Vân Anh nhớ lại: “Hôm đó mẹ chồng tôi tắm táp xong xuôi, thì chị dâu vào phòng tắm lấy đồ cho vào máy giặt. Trông thấy chiếc nhẫn của bà để quên trên kệ gương phòng tắm, chị định mang vào cho bà thì lóng ngóng thế nào làm rơi chiếc nhẫn. Không may cho chị là lúc chị chộp lấy chiếc nhẫn ở trên miệng cống thì đúng lúc mẹ chồng tôi bước vào. Trông thấy thế, bà hét lên… Rồi cả tối đó, mẹ chồng tôi đứng ngồi không yên, vừa mắng chị vừa chắp tay vái tứ phương”.
Thế rồi không may nữa cho chị dâu của chị Vân Anh là sáng sớm hôm sau, mẹ chồng chị bỗng dưng ôm bụng, mặt tái mét. Khi nhập viện, bà được chẩn đoán là viêm ruột thừa cấp cần phải mổ nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng.
“Lúc được đẩy vào phòng mổ, đau là thế nhưng bà vẫn hằn học chị dâu. Bà cho rằng vì chị mà bà đang khỏe mạnh bỗng dưng phải mổ xẻ. Phẫu thuật xong xuôi, vừa tỉnh, trông thấy chị dâu, mẹ chồng tôi lập tức đòi đuổi chị ấy ra ngoài. Bà níu lấy tay tôi bảo rằng chị dâu tôi là đồ xấu xa, tôi không được lại gần… Nhìn chị mắt rưng rưng chạy vội ra khỏi phòng bệnh mà thương xót. Đứng giữa mẹ chồng và chị dâu, lúc đó tôi phải ở cạnh bà.
Về sau, để phần nào xóa bỏ ý nghĩ chiếc nhẫn hộ mệnh bị vấy bẩn của mẹ chồng, tôi phải vờ nói với bà là có thể nhờ thầy cao tay thanh tẩy chiếc nhẫn. Có như thế mẹ chồng tôi mới vững tâm và không nhiếc mắng chị dâu ngày một nữa” - chị Vân Anh nhắc lại chuyện xoa dịu và tháo gỡ ấm ức của mẹ chồng.
Theo aFamily/Trí thức trẻ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét