Buồn vui con gái, con trai
|
Trai mà chi, gái mà chi…
Vợ chồng anh bạn tôi có 4 cô con gái, con út cũng đã học lớp hai. Thế mà gần như cả họ nội nhắn ra là phải đẻ cho được thằng cu nối dõi. Thôi thì cũng chiều họ nội, vợ bàn với chồng đẻ thêm đứa nữa. Hồi đó làm gì có siêu âm, nhưng xem bụng vợ nhỏ con thế này chắc lại con gái, mà con gái thật, vợ chồng không báo cho ai cả. Nhưng họ nội vẫn biết, vẫn nhắn ra “anh chị đừng lo, cứ đẻ cho được con trai, khó gì thì chú bác giúp”.
Thôi, không đẻ nữa, cô gái út được đặt tên là Trần Thị Thêm. Hai vợ chồng 5 đứa con ở trong một căn hộ chưa đầy 30m2 quá chật chội. Các cháu ngày mỗi lớn, lại học hành, bạn bè…Vợ chồng quyết định làm nhà.
Ngôi nhà 3 tầng với 4 phòng ngủ, phòng khách, phòng bếp ai đến cũng trầm trồ khen. Liên hoan nhà mới bạn bè kéo nhau đến chật cả nhà. Người thì rượu, người thì hoa, có người mừng tiền, mừng nếp, mừng gà… vui không nói hết. Chỉ có Hưng là đi tay không. Khi mọi người đã ngồi vào mâm, sau lời mời của chủ nhà, Hưng đứng dậy, nói: “Thưa các vị, các vị mừng nhà nào rượu, nào hoa, nào gà…tôi xin được mừng đôi câu đối, nếu vợ chồng thích, tôi sẽ viết thư pháp trên mành trúc để treo. Nay tôi xin đọc: Vợ đẹp con khôn… sáu cái/ Nhà cao cửa rộng… hai hòn”.
Vừa đọc xong tất cả cười ầm lên, lại nâng cốc chúc mừng nhà mới, chúc mừng đôi câu đối. Anh chồng lên tiếng: “Anh Hưng, anh cho viết đi tôi sẽ treo ở phòng khách. Nhất định 6 cái sẽ ngoan, thành đạt, mà hai hòn cũng xứng đáng”.
Đó là chuyện hai mươi năm về trước, nay thì nhà anh bạn tôi theo con ra Hà Nội. Năm cô con gái, năm chàng rể, năm gia đình hạnh phúc. Hai ông bà thì hàng tuần cả bầy cháu theo bố mẹ kéo về. Bao giờ anh bạn vẫn nói với mọi người là: “Mình có mười con, năm gái, năm trai và mười cháu, rồi anh nói vui đích tôn, đích thép đầy đủ cả”.
Cháu tôi cũng là cháu ông!
Ngô Hòa đi chiến đấu ở chiến trường B mãi đến năm 1976 mới về. Sau hơn một năm, anh chị sinh được cháu gái đặt tên là Hạnh. Lớn lên học giỏi, Hạnh tốt nghiệp đại học ngoại ngữ tiếng Anh, được về nhận công tác ở một nhà xuất bản.
Vào một buổi chiều, Ngô Hòa, vợ và con gái sau bữa cơm tối, ngồi lại với nhau. Hạnh nhìn mẹ, nhìn bố như dò hỏi một điều gì sắp xảy ra. Uống vài ngụm nước, Ngô Hòa chậm rãi nói: “Hôm nay bố nói chuyện với hai mẹ con. Con gái lớn rồi phải lấy chồng, bố biết được nhiều cậu hay lui tới với con. Bố có nguyện vọng thế này, nếu con thực hiện được thì rất tốt cho bố. Nhà ta chỉ một mình con, lại là con gái, đi lấy chồng thành con người ta… Ý bố là thế này, nếu con chọn được một anh chàng họ Ngô thì con của con, cháu ngoại cũng như cháu nội”. “Ông làm chi mà khó cho con vậy”, vợ Ngô Hòa nói chen vào. Hạnh không hiểu sao mà vui hẳn, cô nói: “Hay đấy mẹ ạ, con sẽ cố gắng”. Lướt nhanh trong số bạn trai Hạnh thấy có Thế, Ngô Cao Thế là bác sĩ mà Hạnh rất có cảm tình.
Một tuần sau, Hạnh đưa Thế về nhà giới thiệu với bố mẹ. Ngô Hòa vui lắm! Cưới chưa đầy năm con gái sinh một cháu trai ba cân hai, Hạnh sinh ở bệnh viện, sau về bên ngoại để được mẹ chăm sóc. Nhà nội cũng cho phép, nhưng bà nội thì ở suốt đến hàng chục ngày. Ngô Hòa vui ra mặt, mang sổ hộ khẩu đi lên phường đặt tên cho cháu là Ngô Hợp.
Khi hai ông thông gia gặp nhau, Ngô Hòa đưa ra chai rượu: “Tôi báo ông mừng cháu Ngô Hợp, à quên tôi đặt tên cho cháu rồi, chắc ông cũng đồng ý”. Ông thông gia: “Mọi việc ông lo cho như vậy tôi vui lắm”. Hai ông lại nâng cốc. Ngô Hòa nhìn ông thông gia rồi chậm rãi nói: “Thưa ông, tôi chọn cháu Hợp là cháu đích tôn của vợ chồng tôi vì hai lẽ, một là cháu mang họ Ngô nên nội ngoại gì cũng được cả. Thứ hai, Thế là con thứ, từ nay ông bà cho cháu Hợp ở với chúng tôi…”. Ông thông gia cũng bất ngờ nhưng ông vui vẻ nói: “Cháu của tôi cũng như cháu của ông nội ngoại gì, ông muốn sao thì vợ chồng tôi đồng ý. Nhưng tuần sau chẵn tháng cháu, tôi muốn ông bà để cháu về nội ít ngày cho bà con anh em lui tới với cháu, còn sau đó tùy ông bà”. Đẻ con gái vẫn có cháu đích tôn! Đi đâu Ngô Hòa cũng bô bô khoe với mọi người như vậy.
Uống rượu là vì bố!
Trung tá hải quân Lê Việt Chính là con người vượt sóng, cưỡi gió, uống rượu như uống nước không chịu thua ai. Thế mà hễ về nhà là anh khó chịu, buồn bực với vợ và ba cô con gái. Anh cứ trách vợ sao không đẻ cho anh môt đứa con trai để có người uống rượu. Những lúc đó thì vợ lại nói: “Anh có đứa nào con trai đưa về em nuôi cho mà có người uống rượu”. Đáng nghỉ phép một tuần thì vài hôm anh đã ba lô lên đường.
Vợ con anh cũng nói với nhau “rượu ngon không có bạn hiền không ngon”. Nhưng nhà toàn con gái, bia chẳng uống được nữa là rượu! Cả ba cô con gái nghe bố tâm sự biết bố cần bạn rượu thế nào. Cô gái út đang học cấp ba, được người ta bảo tướng con trai. Cô nghĩ, thế thì ta sẽ là bạn rượu của bố. Cô lặng lẽ mua rượu về tập uống, một tháng, hai tháng, năm tháng… cô không ngờ rằng mình tập được nhanh như thế, có lẽ một phần tạng người chịu được, một phần thương bố, thương mẹ.
Lần này Trung tá Chính về, cơm được dọn ra sang hơn, có thịt gà, thịt bê, mực nhảy…và một chai rượu Nga. Mọi người ngồi vào mâm, cô con út tuyên bố mời cả nhà, con sẽ là người tiếp rượu bố.
Mẹ và hai chị lác mắt, còn bố thì ngạc nhiên thực sự, nhưng mà ông vui. Rượu vào, bố con tâm đầu ý hợp, bố khề khà từ nay bố giao cho con thừa tự tất tần tật, con xứng đáng là con gái bán trai của bố. Út lại nâng chén mời bố, cũng vừa chai rượu cạn. “Có lấy chai nữa không bố”, cô út nói. “Thôi, thôi, thôi…bố thua con rồi”.
Câu nói cuối bữa ăn, nhưng là câu nói mẹ thích nhất của út: “Con vì mẹ đây bố nhé. Về nghỉ được ngày nào với mẹ thì ở cho hết bố nhé!”. Bố Chính “dạ” thật to, ôm con gái vào lòng, chưa bao giờ gia đình vui như hôm nay!
Nhà thơ Lê Duy Phương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét