Không "rèn vợ" là hỏng hết nếp nhà!
Trong cả họ nội nhà tôi anh nổi tiếng là người chồng gia trưởng, kỹ tính. Những câu chuyện về tính độc đoán của anh với vợ con được thêu dệt thêm vài tình tiết luôn là đề tài nóng hổi bên mâm cỗ của cả họ những dịp giỗ chạp.
Có lẽ cũng khó tin con người học rộng, có địa vị “đáng nể” như anh mà lại là nhân vật chính trong câu chuyện của các thím, các mợ trong họ cho đến khi tôi có dịp ghé nhà anh ăn cơm.
Hôm đó là thứ 7 chị dâu gọi điện, nhà có mấy con mực khô được bạn đi du lịch về biếu, chị bảo tôi qua cùng uống vài chén lai rai với anh. Lúc tôi đến nhà, anh đang ngồi xem ti vi, chị dâu thì hì hụi nấu cơm.
Lúc dọn mâm cơm, tôi có vào phụ chị bê mâm. Mâm đặt xuống anh cũng vừa ngồi vào, với tay lấy chai rượu. Anh liếc qua mâm cơm, rồi lấy đôi đũa gõ gõ vào bát canh hỏi: “Canh này múc bằng gì, bưng cả tô húp hả mẹ nó?”. Chị dâu tôi lẳng lặng vào lấy muỗng múc canh, không nói một lời.
Ảnh minh họa
Khi anh đặt bát cơm xuống chị cũng vội vàng bỏ bát đi chuẩn bị nước uống cho chồng. Xong bữa cơm chị lễ mễ bê mâm đi dọn rửa anh vẫn rung đùi ngồi xỉa răng. Tôi góp ý “Anh không phụ chị à?”. Anh bảo: “Kệ nó, bọn đàn bà vốn được đằng chân lân đằng đầu, phải rèn không là hỏng hết nếp nhà”.
Rồi vừa nhâm nhi chén trà anh vừa giảng giải cho tôi cái “nếp nhà” của anh.
Cứ đi làm về là anh xem ti vi, lướt mạng hay lượn lờ ra đầu ngõ xem các ông xe ôm đánh cờ chờ đến giờ ăn cơm. Mười bữa như một dù có về trước chị thì anh vẫn quan niệm “việc nhà là việc đàn bà”.
Chị cũng từng phản kháng bằng cách đi làm về không cơm nước gì nhưng anh cũng không vừa. Vợ không nấu cơm, anh tót sang nhà mẹ đẻ ở gần đó ăn cơm. Ngay tối đó, chị lại nhận được điện thoại “hỏi thăm” của mẹ chồng: “Có bữa cơm mà cũng không nấu được cho chồng”.
Anh hào hứng khoe: “Nấu cơm cho tao không phải đơn giản đâu, ít phải có 1 món mặn, 2 món rau, canh. Nhiều khi kêu tao xuống ăn cơm tao còn mắng cho cái tội cơm chưa dọn ra bàn mà kêu xuống bắt chờ…”.
Theo yêu cầu của anh, trong bữa cơm dù chị ăn xong trước cũng phải ngồi chờ đến khi chồng buông đũa mới được rời khỏi mâm để đi dọn dẹp. Khi ăn hết bát cơm dù nồi cơm ngay cạnh nhưng anh cũng không tự xới cho mình mà chuyển cái bát không cho vợ. Chị tự phải biết ý khi nào chồng ăn gần xong, dừng lại chờ để đón lấy cái bát của chồng khi anh vừa và xong miếng cuối cùng mà xới thêm.
- “Thế chị cũng chịu à?”, tôi hỏi
- “Sao không chịu, có lần nó dỗi mặc kệ thì tao nhịn luôn. Vài lần như thế xót chồng lại phải lo cho tao”.
Một lần nói chuyện, chính chị bảo với tôi: “Đến là chịu anh nhà chú, từ ngày mới cưới về sau bữa cơm với nhà chồng anh đã chửi chị một trận. Lý do là chị không biết đường nhìn bát cơm của mọi người trong nhà sắp hết để đón đường mà xới cơm, lấy canh. Chị cứ nghĩ đơn giản là mình ngồi gần nồi cơm ai hết thì chuyển bát cho chị xới. Chứ nhà đến 6 người mà cả bữa cơm chị cứ chú ý bát cơm của mọi người thì lấy thời gian đâu mà ăn nhưng anh nhà chú không chịu”.
Chị kể, anh đi làm về thoải mái xem ti vi, giải trí còn chị thì tất bật cơm nước, dọn dẹp nhưng hôm nào trời trở lạnh nếu chị quên không bật nước nóng để anh vào tắm là có sẵn thì đến bữa cơm mặt anh cứ nặng như chì.
Trong công cuộc “rèn vợ” của anh có sự giúp sức đắc lực của mẹ chồng. Nhà anh gần nhà mẹ nên mẹ chồng tuần mấy lần lại qua nhà chị để “nắn” con dâu. Bà đến nhà con trai, chê nhà tắm bẩn, trách chị đi làm về muộn để con bà phải chờ cơm. Cuối tuần 2 vợ chồng chị về nhà chồng ăn cơm, bà lại trách khéo: “Sau thằng Tuân dạo này gầy thế? Ăn không đủ chất à?”
“Mẹ chồng chị cũng cực kỳ cung phụng, chiều bố chồng. Buổi sáng bà nặn sẵn kem đánh răng cho ông. Lúc ăn các món cuốn ông cũng ngồi chờ bà cuốn cho từng cái để ăn chứ không nhấc tay động chân gì. Ăn tôm bà cũng phải bóc vỏ cho ông. Lúc ông rời khỏi mâm bà mới lo ăn cho mình…Vì thế nên bà cũng muốn chị phải lo lắng, chăm sóc con trai bà được như thế”.
Con gái của anh chị đi học xa luôn gọi điện khuyên mẹ phải “cứng rắn” một lần. “Bao nhiêu năm nay nó chứng kiến tính gia trưởng, độc đoán của bố nên ấm ức thay cho mẹ. Nhiều khi chị cũng muốn một lần “vùng lên” nhưng nghĩ đến con gái đang phải học hành, rồi tương lai của nó...”, chị nói.
Theo Lê Hiếu
VietNamNet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét