Chồng trầm cảm sau… vợ sinh
Hôm qua là ngày bé Xíu - thiên thần nhỏ của hai vợ chồng mình - tròn bốn tháng tuổi. Bốn tháng qua, bên cạnh niềm vui được làm cha, anh cũng nếm trải những ngày tháng cực khổ nhất đời mình. Ôi, chỉ một bé Xíu thôi mà bao nhiêu là việc, từ lớn đến nhỏ, từ có tên đến không tên, tất bật cả ngày lẫn đêm. Cực cái thân chẳng sao, nhưng điều làm anh buồn nhất là từ ngày con gái ra đời, em dường như không còn… nhớ chồng em là ai nữa.
Mới sinh con, người phụ nữ nào mà chẳng dồn hết tình thương cho đứa bé, âu cũng là chuyện bình thường. Phần anh, nói ra cũng thấy mình nhỏ mọn, bởi có người đàn ông nào lại đi ganh tỵ với đứa con mới chào đời. Giữ trong lòng thì anh ấm ức, mà nói ra thì há miệng mắc quai. Bởi thế, gần đây mặt mũi anh cứ bí xị. Tuần trước cơ quan cùng nhau đi ăn cưới, nhậu ngà ngà say, đồng nghiệp hỏi “Tại sao buồn?”, anh buột miệng nói thật. Vậy là, cả đám phá ra cười, rồi ngày hôm sau cả công ty truyền tai nhau: “Thằng Long bị mắc chứng trầm cảm sau… vợ sinh, ha ha!”. Anh tức điên người.
Nhưng dù sao, cái tức ở công ty còn đỡ hơn cái tức ở nhà. Cả đêm, anh phải thức dậy ba-bốn lần, khi thì phụ em thay tã, khi thì pha sữa. Có con thì phải cực, anh cũng hiểu và rất muốn chia sẻ với em. Tuy nhiên, anh vốn khó ngủ, từ lúc đặt lưng nằm xuống đến lúc ngủ được phải mất cả tiếng. Một đêm thức dậy bốn lần coi như đêm ấy không ngủ, sáng ra lại phải đi làm, chịu sao thấu. Bởi vậy, anh đề nghị hai vợ chồng chia ca, anh đi ngủ sớm từ đầu hôm đến nửa khuya cho thẳng giấc, em lo con một mình, rồi đến lượt anh. Vậy mà, em lại không chịu: “Con khóc là nước sôi lửa bỏng, một người sao nhanh bằng hai, có người cha nào vô trách nhiệm như anh không?”. Nghe vậy, người cha “có trách nhiệm” chỉ biết im miệng, ngậm ngùi chấp nhận ngày mai vào cơ quan ngủ gật.
Có bé Xíu, việc nhà nhiều hẳn lên, em lại toàn nhè anh mà sai, mà khiến. Đi làm thì thôi, về nhà là: “Anh, đổ rác!”, “Anh, thay tã!”, “Anh, pha sữa”. “Anh, sao cả thau đồ dơ chưa giặt?”. Lúc con ngủ, thay vì làm ít việc phụ anh, em cũng không chịu, phải ngồi khư khư bên nôi canh con vì: “Ai biết, lỡ có chuyện gì thì sao?”. Cuối cùng, việc lớn việc bé dồn hết cho anh. Đuối quá, anh đề nghị thuê người làm, em gạt phắt: “Thôi! Con còn nhỏ, cái gì cũng phải kỹ, em không thích có người lạ trong nhà!”. Người ta nói phụ nữ sau sinh dễ trầm uất, dễ cáu giận, thôi thì đành nhường em cho xong.
Cực thân cũng không sao, nhưng “cực tâm lý” mới là đau khổ. Từ vị thế “ông chủ gia đình”, anh tụt một phát xuống “đáy xã hội”. Ngày xưa, sáng em pha cho anh ly cà phê sữa, trưa chiều cơm nóng canh ngọt. Bây giờ, sáng anh mua đồ ăn sáng cho mẹ, pha sữa cho con, chạy được đến công ty thì đã sát giờ làm, đành nhịn đói đến trưa mà ăn cơm bụi. Ngày xưa, em chăm sóc anh tận tình, bây giờ, anh vật vờ cơm hàng cháo chợ, quần áo nhăn nheo bốc mùi, em cũng mặc kệ, không thèm hỏi lấy một câu…
Giờ đây, mỗi ngày anh phải nhìn vào nụ cười của bé Xíu, nghe tiếng bi bô của con để “gượng sống qua cơn bĩ cực”. Nhưng than ôi, biết còn bao lâu mới đến “hồi thái lai” đây?
Theo Nguyễn Long
PNO
0 nhận xét:
Đăng nhận xét