Là vợ chồng, tại sao phải “thủ”?
Không như những mối quan hệ khác, mối liên kết giữa hai vợ chồng được cho là bắt nguồn từ thái độ "cùng nhau nhìn về một hướng".
Vậy thì vì đâu lại trở thành hai kẻ "đối đầu" khi cả hai vẫn sống chung dưới một mái nhà, ăn chung mâm, ngủ chung giường? Tôi hiểu ý tác giả chỉ muốn chuẩn bị điều kiện tốt nhất để có thể lo cho con nếu chẳng may hôn nhân có "mệnh hệ" gì nhưng lại đưa ra những biện pháp khá nguy hiểm mà bất cứ người chồng nào nếu phát hiện "âm mưu" của vợ cũng khó tha thứ hay chấp nhận.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tại sao tôi nói các ông chồng khó chấp nhận khi phát hiện vợ mình "thủ", dù dưới bất kỳ hình thức nào? Thật ra, khi tính chuyện "thủ", người vợ đã cho thấy sự thiếu hụt nghiêm trọng về lòng tin: tin ở chính mình, ở chồng và cả ở tình yêu. Thay vì "thủ", khi cảm thấy bất an về tình trạng hôn nhân của mình, sao vợ chồng không cùng ngồi lại với nhau để giải toả những khúc mắc, bàn bạc giải pháp cải thiện tình trạng bế tắc đó?
Xưa nay, phụ nữ Việt Nam vốn giữ chồng bằng công-dung-ngôn-hạnh, bằng sự đảm đang, chìu chuộng, vén khéo trong gia đình riêng và cách đối đãi tròn vẹn với hai bên gia đình chung. Sao các chị không "thủ" bằng tất cả những điều nói trên để ông chồng toàn tâm toàn ý lo cho gia đình, có bao nhiêu cũng "giao nộp" hết cho vợ. Còn nếu người chồng chỉ biết lo thủ đầy túi riêng, xem nhẹ gia đình chung thì các chị có cần người chồng đó không? Đã thủ thì không còn có thể làm vợ chồng nữa, bởi khi không còn cả tình cảm lẫn tôn trọng dành cho người bạn đời của mình thì người ta mới "thủ thế" với nhau.
Thật lạ là khi yêu nhau, ai cũng muốn hai bên hoà làm một nhưng sao khi đã về sống chung một nhà, mọi thứ lại phải tách bạch, rạch ròi, sòng phẳng? Tình yêu liệu có bền vững khi đã bị "số hoá" bằng các bài toán?
Theo Duy Bách
PNO
0 nhận xét:
Đăng nhận xét