Giúp chú rể tránh lỗi thời trang trong ngày cưới
"Hôm cưới, tôi bị chê già hơn cả chục tuổi vì bộ comple đen rộng thùng thình và cravat kẻ đỏ lỗi mốt. Trong khi đó, vợ đẹp như thiên thần. Có nhiều người còn bảo chúng tôi giống như 'đôi đũa lệch', làm tôi nhớ mãi", anh Đức Anh kể.
Đã hai năm trôi qua kể từ ngày anh Đức Anh (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) "đón nàng về dinh", nhưng mỗi lần được mấy cậu em cùng phòng hỏi han kinh nghiệm làm chú rể là anh lại lúng túng. Bởi ngoài việc khuyên đồng nghiệp chuẩn bị tâm lý cho cuộc sống hôn nhân, chơi thể thao để giảm stress trước cưới thì những thứ về thời trang, làm đẹp, anh hoàn toàn "mù tịt". Thậm chí, chính anh từng "dính phốt" bởi sự xuề xòa của mình.
Phần lớn chú rể với suy nghĩ 'làm nền' cho cô dâu nên xuề xòa trong lựa chọn trang phục. Ảnh: Fullfocus. |
Anh Đức Anh chia sẻ, bốn năm học ĐH Bách khoa, quần áo, giày dép đều do mẹ sắm sửa cho mỗi đợt về quê nghỉ hè, nghỉ Tết. Đến khi có người yêu, ra trường đi làm thì cũng cô ấy chăm lo. Trước ngày cưới, anh cùng bố ra cửa hàng may đo bán sẵn ngoài thị trấn mua bộ comple và đôi giày Tây. Comple bị rộng nhưng anh nghĩ chỉ mặc một lúc rồi cởi ra nên tặc lưỡi mua luôn. Còn cravat thì mượn tạm của ông chú.
"Tôi nghĩ cô dâu mới cần quan trọng quần áo chứ chú rể chỉ làm nền thôi, miễn gọn gàng là được. Vậy là đến hôm cưới, tôi bị mọi người chê già hơn cả chục tuổi vì bộ comple đen rộng thùng thình và cravat kẻ đỏ lỗi mốt. Trong khi đó, vợ lại đẹp như thiên thần. Có nhiều người còn bảo chúng tôi giống như 'đôi đũa lệch', làm tôi nhớ mãi", anh kể.
Tương tự anh Đức Anh, sự cố thời trang mà anh Minh Thành (Đống Đa, Hà Nội) gặp trong đám cưới bị bạn bè lôi ra trêu chọc suốt. Hôm cưới, anh mặc bộ comple trắng với áo sơ mi bó sát màu xanh nhạt và cravat tím. Bộ trang phục này vợ chồng anh đã cẩn thận may đo từ cách đó vài tháng.
"Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ cho tới khi cử hành hôn lễ xong, tôi cởi áo khoác ngoài và đi chào khách cùng bố mẹ. Vừa hồ hởi bước đến bàn tiệc của các lãnh đạo cấp cao trong công ty bố, tay tôi giơ cao ly sâm panh để cụng cùng mọi người thì... roẹt. Phần nách áo bó sát bị đứt chỉ, rách toạc trước mắt mọi người. Khách khứa đều quay sang nhìn còn tôi như muốn độn thổ. Từ đó đến giờ, không bao giờ tôi dám đụng đến mấy cái áo thời trang bó sát nữa", anh Thành nhớ lại.
Theo nhà thiết kế thời trang nam Kenny Sang (TP HCM), không chỉ riêng anh Đức Anh mà nhiều chú rể với suy nghĩ "làm nền" cho cô dâu trong ngày cưới nên không chú ý nhiều đến trang phục. Cũng là bộ comple, cravat nhưng nếu biết cách chọn kiểu dáng, kích cỡ, chất liệu phù hợp thì sẽ khắc phục được nhược điểm, tôn dáng, trẻ trung và nhất là không phải hối tiếc về sau.
Khi chọn trang phục, điều đầu tiên chú rể cần chú ý là dáng người. Nếu dáng mập tròn thì nên chọn comple màu tối (đen, xám, xanh đen đậm), chất liệu thường hoặc nhám, sơ mi đi kèm có họa tiết kẻ sọc, tạo cảm giác thân hình thanh thoát hơn. Ngược lại, chất vải bóng và màu sáng (xám nhạt, kem nhạt, xanh da trời) sẽ giúp "ăn gian" vài kg cho chú rể gầy, nhỏ người. Ngoài ra, chú rể có thể sử dụng áo độn ngực nam và độn vai để cơ thể cân đối hơn khi diện vest.
Màu sắc trang phục nên tương phản với không gian cưới để chú rể nổi bật hơn, ví dụ nếu tiệc cưới trang trí màu trắng thì chú rể nên chọn comple màu đen hoặc xám. Ảnh: Kenny Sang. |
Các chú rể Việt Nam thường có nhược điểm là chiều cao khiêm tốn, vai không rộng, lưng dài nên nhà thiết kế Kenny Sang khuyên chú rể tránh chọn bộ comple dáng body, vì khi ôm sát cơ thể, những nhược điểm ấy sẽ bị lộ rõ. Đối với những chú rể lưng dài, chân ngắn cần tránh mặc quần đũng ngắn (cạp trễ) vì nó sẽ tạo cảm giác mất cân đối giữa chân và lưng.
Chiều cao có hạn có thể khắc phục bằng cách sử dụng hiệu ứng của chất liệu vải và một đôi giày độn gót. Tuy nhiên, màu giày cần hài hòa với trang phục và lựa chọn an toàn hơn cả là đồng màu giày - comple. Giày cưới màu đen, dáng cổ điển sẽ dễ dàng phối hợp với nhiều loại trang phục và có thể sử dụng lâu dài sau đám cưới. Chọn đôi giày này, chú rể vẫn hợp thời trang mà lại tiết kiệm.
Để hoàn thiện phong cách thời trang cho chú rể, không thể thiếu chiếc cravat/nơ bướm và hoa cài áo. Hai phụ kiện này có thể chọn dựa vào màu sắc, kiểu dáng áo sơ mi. Nhà thiết kế Đặng Trọng Minh Châu (TP HCM) gợi ý cho chú rể ba cách phối màu cravat phổ biến như sau. Một là, kết hợp áo sơ mi sáng màu với cravat đậm hơn một chút. Hai là, chọn phong cách tương phản về họa tiết cho áo sơ mi và cravat. Nếu chú rể chọn áo kẻ sọc thì cravat nên là kẻ chéo. Và cuối cùng, nếu chú rể tính cách trẻ trung, dí dỏm thì hãy chọn cravat có họa tiết nổi bật trên nền sơ mi đơn giản.
Hướng hoa cài áo ngày càng đơn giản và sang trọng. Ảnh: Bông Floral Fancy. |
Hoa cài áo tuy chiếm một phần nhỏ trên trang phục nhưng lại là "dấu hiệu nhận biết" để phân biệt chú rể với các khách mời "đỏm dáng" khác. Chị Thanh Hà, chuyên viên tại một cửa hàng hoa cưới lớn ở Hà Nội cho biết, có nhiều kiểu kết hoa cài áo chú rể, nhưng loại hoa sử dụng thường cùng loại với hoa cầm tay của cô dâu để tạo sự liên kết giữa hai người. Độ lớn của hoa cài áo không quá to so với ve áo comple.
Trước đây, hoa cài áo chú rể ở Việt Nam khá cầu kỳ và nhiều thành phần rườm rà nhưng thời gian tới đây sẽ đi theo hai xu hướng: quay về dạng đơn giản, sang trọng, không dùng quá nhiều hoa lá phụ và phong cách khác là sử dụng chất liệu độc đáo thay cho hoa tươi.
Mộc Lan
0 nhận xét:
Đăng nhận xét