Đàn bà sâu như… cơi trầu!
|
Anh Dương, chồng chị, nuốt không đặng: “Em ốm à? Em buồn gì anh sao?”. Chỉ chờ có thế, chị khóc òa. Sau trận khóc là một tràng những câu trách móc gay gắt. Anh chỉ biết chịu trận.
Chị cho rằng chồng “lớn rồi” mà không biết nghĩ, nào là “vợ chồng mình thu nhập được bao nhiêu mà xài hoang đến vậy?”, rồi “anh có biết mỗi tháng em phải chi tiêu tằn tiện lắm mới lo được ngày ba bữa cho cả nhà không? Thậm chí muốn mua một bộ đồ ngủ, em cũng phải đắn đo. Vậy mà anh vung tay sắm tủ thờ tới bảy triệu!”.
Anh Dương gãi đầu bứt tai, làm ra vẻ biết lỗi để xoa dịu vợ. Anh biết, lúc này không giả vờ ngây ngô, không tỏ ra hối lỗi thì càng to chuyện.
Được vài tháng, vụ mua tủ thờ xuôi xuôi, anh lại hăm hở bê về nhà hồ cá kiểng trị giá hai triệu đồng. Biết vợ xót tiền nên anh đã chuẩn bị lý do thật hợp lý: “Con trai thích cá lắm, nó có vẻ yêu động vật, thích khám phá thiên nhiên. Anh nghe người ta nói, trẻ con yêu thiên nhiên sẽ sống tình cảm, lại thông minh…”. “Vẽ vời” đến vậy mà vợ anh vẫn không tha: “Nhà đã chật, tiền bạc thì đang túng thiếu, mà anh ôm cái của nợ này về. Với anh, hai triệu nhỏ quá mà! Anh có biết là em phải góp nhóp bao lâu mới được hai triệu không?”.
Anh tưởng vợ chỉ kêu ca cho hả dạ rồi đâu lại vào đấy, không ngờ chị hờn, bỏ về ngoại. Lần ấy, anh phải qua năn nỉ đón chị, muối mặt xin lỗi mẹ vợ. Về đến nhà, anh ức quá, buột miệng: “Em vô lý quá, chẳng biết anh chịu đựng được em bao lâu nữa…”. Vậy là thêm một trận “chiến tranh lạnh”.
Trước đây, chị Hằng từng nhiều lần thấy chồng “vô lý không chịu được”. Hồi mới chuyển về nhà mới, cần khoan tường để bắt mấy cái đinh vít, anh đã te te đi mua ngay cái khoan điện. Chị bảo: “Anh thiệt là không biết tính toán trước sau, đi mượn là được rồi, tội gì phải tốn mấy trăm ngàn?”. Chỉ vì chuyện cái khoan mà vợ chồng mất vui khi về nhà mới. Trong mắt chị, chồng là người đàn ông chi tiêu quá ngờ nghệch. Chồng giải thích, phân tích, lý luận về nguyên nhân tại sao phải bỏ tiền ra mua sắm những món đồ “rất đàn ông” ấy, lại bị vợ kết thêm cái tội “đã ngố mà còn ngang”.
Với chị Hằng, những việc như mua tủ thờ, hồ cá, cái khoan… thật vô lý nhưng cũng chẳng có gì là khó hiểu. Bản thân người vợ không dùng đến những món đồ chồng mua nên đâu hiểu giá trị của nó. Nếu anh Dương cũng suy nghĩ “đơn giản” như vợ, thì anh sẽ thấy khối chuyện chi dùng “vô lý đùng đùng”, như chuyện chị mua đôi giày hiệu cả triệu bạc, hay ra tiệm làm tóc nổi tiếng để tốn tiền triệu cho cái đầu mới. Anh thừa hiểu, khi phụ nữ được mang đôi giày hiệu mà họ ao ước sẽ sung sướng thế nào. Lúc đó, đôi giày không chỉ là… đôi giày mà còn là món đồ giúp người mang tự tin. Tốn bạc triệu cho điều đó, đáng lắm chứ!
Anh mong vợ nhìn được việc chi tiêu của anh theo cách chị nhìn vấn đề của mình. Mua cái tủ thờ, đâu đơn giản là mua một món đồ. Anh là con trai trưởng, việc thờ cúng tổ tiên, tất nhiên anh là người lo chính. Với vợ, cái tủ thờ chẳng nghĩa lý gì, nhưng với dòng họ anh, nó rất quan trọng. Anh đã mơ ước mua được cái tủ thờ cả dăm năm nay rồi. Khi sắm được, anh cũng lâng lâng - cảm giác của người vừa hoàn thành được một việc ý nghĩa. Hay như chuyện mua cái khoan, chị thấy vô lý, nhưng chị đâu biết đàn ông thường thích sắm những dụng cụ kỹ thuật? Không chỉ mua khoan, anh còn thèm được mua cưa, đục, búa, bào và nhiều thứ mà chị cho là “vớ vẩn”, để tự tay đóng, sửa những vật dụng trong nhà.
Thực tế, nhiều phụ nữ vẫn vô tư phát ngôn: “Chồng mình khờ lắm, kiếm tiền khó khăn mà cứ mua sắm bậy bạ”. Tưởng vậy mà không phải vậy. Một người đàn ông có năng lực làm trụ cột về tài chính cho gia đình thì không… khờ vậy đâu, chẳng qua là người vợ cứ nhìn vấn đề bằng con mắt của mình.
Anh cứ thắc mắc, không biết những người phụ nữ khác có “sâu sắc như cơi đựng trầu” như vậy không, chứ vợ anh là thế!
Theo Trần Triều
PNO
0 nhận xét:
Đăng nhận xét