Vợ - sứ giả bình yên
Ba mẹ lần lượt qua đời. Vợ chồng mình đi làm ăn xa, người tiếp quản giang sơn ba mẹ để lại là vợ chồng em trai út.
Trong số sáu người con của ba mẹ, chị Ba có hoàn cảnh khó khăn hơn cả: ly hôn, không nhà cửa, hai thằng con trai không mấy ngoan. Chị Ba muốn xin một lô đất, để cùng các con sống quãng đời còn lại ngay chính trong ngôi vườn của đại gia đình mình. Mọi người đồng ý, chỉ trừ vợ chồng chú Út. Chú ấy bảo, không phải vì tranh giành hay ghét bỏ chị, mà sợ sau này hai thằng nghịch tử sẽ bán đất tổ tiên để tiêu xài, vì chúng đã từng gạt chị Ba bán nhà cửa, bán tất cả những vật dụng có giá trị trong nhà. Chỉ có vậy mà mấy chị em bất đồng, mâu thuẫn lên đến cực điểm khi các chị đòi “từ” thằng em trai “chỉ biết nghe lời vợ, bỏ rơi người thân”.
|
Nhà có giỗ chạp, các chị lại đem chuyện ra mổ xẻ. Vốn nóng nảy, các chị đã nói nhiều câu khó nghe, thậm chí xúc phạm em trai, em dâu. Vợ chồng chú Út gọi điện thoại vào than thở cùng vợ chồng mình, đòi nhường ngôi nhà cho các anh chị, ra ngoài ở riêng, dù chú thím ấy còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, các chị cũng kể lể với chồng, bảo thằng Út nhà mình dại lắm, ai lại đi tranh giành với chính chị ruột.
Trong gia đình, xưa nay chồng là người có uy, anh chị em đều tôn trọng và lắng nghe chồng từ những việc nhỏ nhất. Vậy mà trong… cuộc chiến này, ai cũng bỏ qua ý kiến của chồng. Có lẽ, sự tự ái đã lấn át lý trí, giải quyết sự việc thiếu cái tình, bằng những tranh giành hơn thua mà không tìm hiểu căn nguyên sự việc.
Hôm về giỗ mẹ, thấy vợ rù rì với các chị, trông các chị tỏ vẻ giận dữ, lại còn bảo vợ “biết gì mà nói”, nhưng vợ không hề giận dỗi mà còn mạnh dạn nói lên quan điểm của mình, vừa lý, vừa tình một cách khá chân thành. Vợ cũng thỏ thẻ riêng với vợ chồng chú Út. Cuối cùng, chú Út và mọi người đồng ý phương án: gia đình chị Ba được quyền sinh sống chứ không được sang nhượng, buôn bán đất đai của ông bà, cha mẹ để lại mà không qua ý kiến của các anh chị em.
Trong thời gian giận nhau, mấy chị em có lời qua tiếng lại, nên trong lòng mỗi người còn đọng lại dư âm chưa tốt về nhau suốt cả thời gian dài, nên dù “bằng mặt, chưa bằng lòng”, mọi người đã có thể ngồi chung mâm, không còn khắc khẩu như trước. Chồng tin… hòa bình đang đến gần là có công không nhỏ của vợ.
Hỏi bí quyết để làm “sứ giả hòa bình”, vợ khiêm tốn: “Trước lúc qua đời, má nắm tay các con, dặn các con phải đùm bọc, đoàn kết, thương yêu nhau, nên vợ chỉ là người có công nhắc lại lời nói của má”. Có lẽ vì những bon chen của cuộc sống, mà đôi lúc cái lý lấn át cái tình, để rồi anh chị em trong nhà có lúc nghi kỵ, ghét bỏ nhau, quên cả lời dặn dò của má.
Lâu nay, các chị quan niệm có phần tiêu cực: dâu, rể là người ngoài, không được tham gia việc riêng của gia đình. Chạm tự ái, nên những lúc mấy chị em bàn công việc, vợ hay bỏ đi ra ngoài. Nhưng lần này thì vợ không thể làm người xa lạ, vì sự việc đã trở nên phức tạp, nặng nề. Làm thế nào để các chị không tự ái, nói làm sao cho khéo để chạm tới trái tim mỗi người thì may ra…
Ai cũng hiểu vợ là “Bao Công” trong “vụ án” này. Gần 5 năm trời mấy chị em giận nhau, nay khi đã được giảng hòa, dù không nói ra, nhưng ai nấy đều thấy trong lòng nhẹ nhõm, thanh thản. Mọi người đồng lòng đóng góp cất nhà cho chị Ba, ngay trên phần đất chung của gia đình.
Song Nguyên
Theo PNO
0 nhận xét:
Đăng nhận xét