Giá có thể trả lương cho nghề làm vợ
Tại Nhật Bản, chính phủ trích tiền lương của chồng hàng tháng để đóng thuế cho người vợ khi người vợ làm việc nhà. Bởi ở nơi ấy, người ta coi chuyện nội trợ, ở nhà chăm chồng chăm con chính là một nghề và đó là cái nghề chân chính, cao quý, cần được trân trọng và nhất là, cần được… trả lương. Thậm chí, khi về già, người vợ vẫn được hưởng lương hưu.
Ở nhà ăn bám, bị cả nhà chồng khinh
Đọc thấy những quy định của người Nhật Bản, bao gồm cả sự công bằng, bình đẳng trong chuyện lao động của các thành viên trong gia dình, tôi thấy thèm khát. Phận như tôi, giá mà có thể có được một sự ưu ái của chồng thì tốt biết mấy.
Tôi đi học, cũng đã từng có công việc nhưng sau đó công ty phá sản thì cũng là lúc tôi mang bầu. Thời gian đó, tôi đi xin việc khắp nơi nhưng chẳng ai nhận vì có ai dám can đảm để nhận một người đang bầu bí vào làm việc hay không. Rồi tôi sinh con, tiền thì không có, suốt ngày phải ngửa tay xin tiền chồng. Có xin chồng cũng chỉ cho tí tí, không đủ lo lắng cho con cái. Tôi lại phải đi xin nhà mẹ đẻ. Mẹ tôi vì thương con gái mà dốc hết lòng lo cho hai mẹ con.
Nhưng sau thời gian ở cữ, tôi cũng đi xin việc. Nhìn hình dáng lò cò, lại cả cái thân hình vừa mới ở cữ xong của tôi, lại có cả hoàn cảnh con nhỏ, cũng không ai muốn nhận. Công việc của tôi làm rất bận, nếu có con nhỏ và thường xuyên phải lo chăm con, thật là chuyện khó khăn. Vì thế, tôi bị loại ngay từ khi phỏng vấn. Rất nhiều công ty từ chối tôi cũng chỉ vì một lý do chung.
Và từ đó, tôi trở thành gánh nặng của chồng. Ở nhà ngửa tay xin tiền chồng hàng tháng và nuôi con. Khi thì anh cho được nhiều, khi thì được ít, có khi chẳng cho đồng nào, lại bảo tự lo, vay mượn ở đâu thì vay. Cuộc sống quá khổ. Tôi cũng buồn lắm vì không muốn phụ thuộc như vậy. Anh đi tối ngày, chẳng có tình cảm vợ chồng nữa. Có lẽ, cũng vì tôi là gánh nặng của anh nên anh tỏ ra khó chịu, không còn thiết tha vợ con nữa. Tôi buồn lắm, nếu như không có đứa con này, có lẽ anh đã chẳng màng tới tôi từ lâu rồi.
Ước gì có thể trả lương cho nghề nội trợ
Nói ra như thế này, có lẽ chị em sẽ cười vào mặt tôi, bảo tôi ỷ lại chồng, bảo tôi được chồng nuôi mà không biết điều. Cũng có khi, có người còn bảo tôi không kiên trì, cố gắng đi kiếm việc. Nhưng thiết nghĩ, tôi ở nhà, một mình nuôi con, chăm chồng, làm đủ các việc nội trợ từ A đến Z, vậy tại sao gia đình chồng lại khinh và coi thường tôi? Tại sao chồng tôi lại không thoải mái khi hàng tháng phải trích cho tôi một khoản để chi tiêu?
Nghĩ tới những người phụ nữ ở bên Nhật, tôi thấy họ thật hạnh phúc. Đàn ông, chồng của họ rất thoải mái khi được đóng góp phần lương cho vợ, vì vợ họ xứng đáng được nhận những đồng tiền ấy sau khi đã làm đủ thứ việc cho họ yên tâm đi làm. Giá như, các ông chồng, đấng mày râu ở Việt Nam cũng hiểu như thế, cũng sẽ coi cái khoản cho vợ và con hàng tháng là đương nhiên thì tốt biết bao.
Lạ thật, họ có thể bỏ tiền ra nuôi một người giúp việc trong nhà, trả lương cho họ cao hơn với số tiền cho vợ con họ hàng tháng, nhưng lại không muốn vợ chỉ ở nhà nấu nướng, nội trợ, cơm nước cho chồng. Phải chăng, cơm của ô-sin nấu ngon hơn cơm của vợ? Giá như vợ họ có công việc để làm, có cách kiếm tiền thì không nói làm gì, đằng này họ đang khó khăn, đang thất nghiệp lại phải nuôi con, hà cớ gì các ông chồng ích kỉ và cá nhân, tính toán, thậm chí làm ra chỉ giữ khư khư, không cho vợ một xu. Thật không đáng mặt đàn ông Việt.
Nghĩ thế mà chán vô cùng, thật sự ước gì, có thể trả lương cho nghề làm vợ, thì chúng tôi đã chẳng phải khổ sở như thế này khi cứ không công phục vụ các ông chồng!
Theo Eva
0 nhận xét:
Đăng nhận xét