Chồng ơi! Cho vợ gửi muôn ngàn lời xin lỗi
Mãi sau, điện thoại lại đổ chuông, nhìn số điện thoại bàn có mã vùng TP.HCM, vợ bấm phím nghe. Bên kia, giọng chồng hờn dỗi: “Em nói đi, giờ có đón anh không?”. Vợ tá hỏa, vội vàng chạy đi đón chồng. Gặp nhau, tưởng chồng sẽ trút cơn giận lên vợ, nào ngờ, chồng dịu giọng: “Anh nói xuống mà em không tin”. Vợ há hốc, ngạc nhiên quá đỗi. Tin sao được, sáng nay chồng còn gọi vợ bằng số điện thoại bàn của gia đình, tận trên Lâm Đồng, giờ đã lù lù ở đây. Suốt chặng đường về nhà trọ, chồng cứ níu áo vợ, dè dặt hỏi: “Đâu, “thằng đó” đâu rồi?”. Câu hỏi của chồng, không dưng khiến vợ xúc động, cảm giác hối hận dâng tràn. Làm gì có “thằng đó”, tất cả đều do vợ bịa đặt, cốt cho đã nư.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Vợ chồng mình kết hôn đã bảy năm, có với nhau hai nhóc tì. Vợ bán quán cơm, chồng tròn vai một nông dân chính hiệu, suốt ngày bám rẫy cà phê phụ giúp ba. Bảy năm chung sống, hai đứa gần như chưa xa nhau quá hai ngày, huống hồ lần này, chuyến đi của vợ kéo dài hơn năm tháng. Nguyên nhân là ba mẹ bán được mấy lô đất, tiền bạc chia đều cho các con làm ăn. Lâu nay thấy vợ buôn bán quán cơm cực khổ, chồng nhiều lần kêu vợ nghỉ, ở nhà lo cho các con nhưng hoàn cảnh còn khó, hai đứa bấm bụng tiếp tục chịu cực. Được ba mẹ cho một số tiền lớn, vợ nghe lời một chị hùn hạp mở trung tâm chăm sóc da. Từ nhỏ, vợ đã mê làm đẹp cho người khác nên đề nghị của chị không khiến vợ băn khoăn. Chồng cũng nhiệt tình ủng hộ, muốn vợ có công việc tốt hơn, không phải khuya sớm vất vả toan tính chuyện bếp núc, chợ búa. Có điều, để mở được trung tâm, vợ phải về TP.HCM học một khóa chăm sóc da mặt. Chồng chặc lưỡi để vợ đi, vì nghĩ đến tương lai của vợ.
Thời gian đầu xuống phố, lại tiếp xúc với môi trường làm đẹp, vợ choáng ngợp trước sự quan tâm, chăm sóc sắc đẹp của biết bao phụ nữ. Vợ bắt chước người ta… bày đặt xí xọn, tân trang nhan sắc của mình. Tháng đầu về thăm nhà, vợ gây ngạc nhiên cho chồng bằng mái tóc uốn lọn, nhuộm vàng cùng hàng mi nối dài. Tưởng được khen, nào ngờ, chồng từ rẫy cà phê về thấy vợ, gọn lỏn: “Đua đòi!”. Nói xong chồng tắm rửa, lẳng lặng qua hàng xóm ngồi đồng. Cục tự ái nổi lên, vợ không thèm nói chuyện, chơi với con hai ngày, vợ thu xếp trở lại thành phố hoàn thành khóa học. Mẹ chồng gọi điện, hỏi vợ: “Tụi bây có làm sao không mà thằng Vĩnh mang hai đứa nhỏ về gửi nội, còn nó đi nhậu suốt”. Giận chồng, vợ cũng… im luôn. Mấy ngày sau chồng gọi cho vợ, giọng say mèm: “Cô có “thằng nào” ở dưới phải không?”.
Đang tức, vợ tuôn luôn: “Có, mới quen”. Điện thoại bất ngờ kêu tút tút, hôm sau, vợ mới biết câu nói của mình khiến chồng ghen, ném luôn điện thoại vào tường. Chồng lại gọi cho vợ, dấm dẳng chuyện xuống thăm, cốt để gặp “thằng nào” mới quen của vợ. Chẳng những không vuốt ve cơn nghĩ quẩn của chồng, vợ còn thách thức: “Giỏi thì xuống đi!”. Vợ chỉ đùa, hóa ra chồng xuống thật.
Nhưng cú sốc ấy vẫn còn nhẹ so với cú trời giáng vợ “ban” tiếp cho chồng. Số là, một chị học cùng khóa vừa ly hôn, phải ra đi tay trắng dù chồng chị rất giàu. Nghe chị ấy than: “Thằng chả giàu nhưng đó là tài sản riêng của chả, chị không có quyền đòi chia”. Khá thân nhau với chị, vợ hỏi thăm… tới bến, biết được: tài sản trước hôn nhân và tài sản được cho, tặng, thừa kế đều là tài sản riêng. Nghĩ đến chồng, vợ… bỗng thấy lo lo, ngoài bán đất chia cho các con, cha mẹ chồng còn lập sẵn di chúc, gồm mấy thửa cà phê cùng căn nhà mặt tiền, trao hết cho chồng. Chị vừa ly hôn mách nước: “Em về dịu ngọt, kêu chồng làm sao làm để tờ di chúc kia ghi cho cả hai vợ chồng, chứ không riêng chồng em. Hoặc khéo léo sao đó để biến tài sản riêng ấy thành tài sản chung”. Vợ đâm ra ám ảnh chuyện lỡ hai đứa có bề gì, không lẽ vợ giống như chị ấy. Nghĩ quẩn, vợ về quê đề cập chuyện tài sản với chồng. Lần này, chồng lớn tiếng quát mắng: “Cô định bỏ tôi phải không? Tại sao cô tính toán, thực dụng với tôi quá vậy?”. Vợ… chưng hửng.
Hai đứa gây nhau một trận, vợ đem bầu tâm sự về trút với mẹ mình. Bà giật mình: “Trời ơi! Thằng Vĩnh nó thương con vậy, sao con làm nhiều chuyện không đâu”. Mẹ nói, gắn bó bao nhiêu năm, chưa quen xa cách nên việc cho vợ xuống phố học nghề là một cố gắng lớn của chồng. Nhất là bao năm qua, chồng chỉ biết đầu tắt mặt tối bám rẫy cà phê. Vợ chẳng những không tạo niềm tin lúc xa nhau, lại còn đánh thức sự ghen tuông, lo sợ trong lòng chồng. Nhắc chuyện muốn góp tên trong khối tài sản, mẹ rùng mình, trách con gái sao có lối suy nghĩ, toan tính quá kỳ quặc, vượt sức… tưởng tượng của bao người. Lời của mẹ khiến vợ như bừng tỉnh cơn mê, hối hận vì cách hành xử của mình. Chồng ơi, cho vợ gửi muôn ngàn lời xin lỗi.
Theo Du Khiết
PNO
0 nhận xét:
Đăng nhận xét