Vượt qua cú sốc chồng ngoại tình
Đây là một vài lời khuyên của các chuyên gia tâm lý trên Ivillage.com.
Cứ khóc cho thỏa lòng
Không có nỗi đau nào giống nỗi đau bị phản bội, nhất là khi sự phản bội đó đến từ một người rất quan trọng với cuộc đời của bạn. Vậy nên, nếu quá đau khổ, hãy cuộn tròn trong giường và khóc lóc rên rỉ đúng như bạn muốn. Bạn sẽ vượt qua giai đoạn giận dữ và sầu khổ này.
Im lặng cho tới khi bình tĩnh hơn
Bạn bị sốc. Bạn bị tổn thương. Bạn giận dữ. Nhưng kể cả bạn đã la hét vào mặt anh ta hay đã post những lời chửi mắng thậm tệ lên Facebook, tốt hơn cả vẫn là nên im lặng không nói gì cho tới khi máu trong người bớt sôi.
Chăm sóc bản thân
Bạn hãy bổ sung các hoạt động lành mạnh cho sức khỏe để hạ nhiệt tâm trạng, nghỉ ngơi, ăn uống điều độ, sử dụng những thực phẩm bổ dưỡng, tập thể dục và thậm chí ngồi thiền. Nếu bạn vẫn còn quá căng thẳng và chỉ chăm chăm vào cuộc khủng hoảng tình cảm vừa xảy ra, bạn sẽ giải quyết vấn đề khó khăn hơn.
Tìm hiểu rõ thêm các tình tiết liên quan
“Anh gặp cô ta ở đâu? Chuyện này đã kéo dài bao lâu rồi? Anh đã làm chuyện đó trên giường ngủ của chúng ta? Anh có dùng bao cao su không?” - Bạn không cần thiết phải căn vặn mọi chi tiết tình ái của họ, nhưng để vượt qua nỗi đau, bạn cần có một lần duy nhất ngồi xuống nói chuyện với anh ấy và hỏi tường tận những thông tin bạn cần để cảm thấy nhẹ nhõm hơn và để vượt qua.
Tuy nhiên, bạn không nên đưa ra những câu hỏi theo kiểu so sánh mình với tình địch như “Cô ta xinh hơn tôi? Quyến rũ hơn tôi ư? Thanh mảnh hơn tôi? Biết cách thể hiện trên giường tốt hơn tôi ư?”. Đây là những câu hỏi không có lợi.
Thận trọng khi chia sẻ
Chỉ chọn một hoặc hai người bạn gái bạn có thể thực sự tâm tình, những người không đánh giá mà chỉ lắng nghe và giữ kín câu chuyện. Nếu bạn để cả thế giới biết rằng anh ta đã phản bội bạn, thế giới sẽ hình thành một định kiến về anh ấy.
Đừng biến thành thám tử
Điều này không chỉ không tốt và mang tính xúc phạm người khác, mà nếu bạn tìm ra điều gì đó, bạn sẽ lại thêm một lần nữa bị tổn thương.
Tìm trợ giúp từ chuyên gia tâm lý
Hãy tìm kiếm lời khuyên chuyên nghiệp và khách quan từ một chuyên gia trị liệu tâm lý hoặc một nhà tư vấn. Một quan điểm khách quan, không thiên vị sẽ giúp bạn vượt qua được sự phản bội.
Xem phim
Trong khoảng 100 phút hoặc nhiều hơn nếu bạn xem phim, bạn sẽ bị cuốn vào câu chuyện của người khác mà quên đi chuyện buồn của mình. Và khi bộ phim kết thúc, bạn có thể bắt đầu lại nghĩ về anh ấy, nhưng sẽ kiểm soát tốt hơn những ý nghĩ tiêu cực.
Đăng ký lớp học đấm bốc
Tập thể dục làm thay đổi quan niệm của chúng ta, sản xuất thêm các hóc-môn tích cực, bạn sẽ thấy tự tin và nhìn nhận mọi việc sáng sủa hơn. Dĩ nhiên không phải đấm bốc xong bạn sẽ thấy vui vì anh ấy phản bội bạn, nhưng rõ ràng, sau sự cố đen tối, cuộc đời bạn vẫn cần tiếp tục.
Kiên nhẫn chờ lành vết thương lòng
Thời gian thực sự sẽ làm lành mọi vết thương và trong vòng 3 hay 4 tháng thôi, ngay cả những vết thương sâu nhất cũng lên da non. Nhưng bạn sẽ phải mất một thời gian chịu đựng những xáo trộn kinh khủng của cảm xúc. Bạn sẽ có những lúc vui, lúc buồn, những ngày vui, ngày buồn. Và bạn cần thời gian để cân bằng trở lại.
Tha thứ cho anh ấy
Ngay lập tức thì điều này dường như là không thể. Nhưng rốt cuộc, bạn cũng phải như vậy và sẽ cảm thấy tốt hơn nếu làm thế. Tha thứ ở đây chỉ có nghĩa bạn dứt bỏ mọi giận dữ và phiền muộn. Bạn có thể vẫn buồn vì chuyện đã xảy ra, nhưng bạn không muốn trở thành người tức giận hay cay nghiệt trong suốt phần đời còn lại chỉ vì những chuyện anh ấy đã gây ra. Hãy buông bỏ mọi giận dữ và tổn thương vì chính bạn, chứ không phải vì anh ấy.
Quyết định “đi” hay “ở”
Rõ ràng, đây là câu hỏi rất khó khăn. Một mặt, có thể bạn vẫn còn yêu anh ấy, mặt khác, bạn sẽ day dứt với câu hỏi, liệu mình còn có thể tin tưởng nữa không? Cứ giả định như anh ấy không sẵn sàng chia tay với bạn thì 3 câu hỏi dưới đây có thể giúp bạn đưa ra quyết định “đi” hay “ở”:
1. Mối quan hệ của hai bạn trước sự cố đã tốt đẹp như thế nào? Sự lừa dối lần này của anh ấy là một sai lầm tồi tệ hay chỉ là giọt nước tràn ly cho một quan hệ đã rất khủng hoảng lâu nay?
2. Anh ấy có tỏ ra hối lỗi không? Anh ấy thản nhiên về sự việc đã xảy ra hay đang tỏ ra nỗ lực khắc phục sai lầm?
3. Bạn có thể tha thứ cho anh ấy không?
Nếu đến một thời điểm nào đó, bạn vẫn không thể tha thứ và muốn ra đi, đừng ở lại nữa.
Theo Ivillage/Dân Trí
0 nhận xét:
Đăng nhận xét