Xung đột khi các con sát tuổi nhau
Vừa dắt xe vào nhà, chị Linh (quận 4, TP HCM) đã bị “tra tấn” bởi hàng loạt câu tố của hai đứa con: “Má ơi, lúc nãy chị Hai véo tai con”, “Tại em Ken đấm con trước”, “Tại chị Cún lấy đồ chơi của con mà không hỏi con”…
Anh chị em sát tuổi dễ chơi với nhau nhưng cũng dễ xung đột với nhau. Ảnh: Focusforwardcc.com |
Đang mệt sau một ngày làm việc, chị Linh quát lên: “Hai đứa sao suốt ngày đánh nhau thế. Cho mỗi đứa một trận bây giờ”.
Chị Linh than vãn, khi nào cả hai đứa cùng ở nhà thì nhà chị không khác gì chợ vỡ. Nếu không cùng "nô như giặc" thì là cảnh hai đứa mách tội nhau, chờ người lớn phân giải. Con chị năm nay vào lớp 2, vì được chiều từ bé nên chẳng biết nhường em gì cả. Thằng em kém 3 tuổi, nhưng lại nặng cân hơn nên cũng uýnh chị suốt ngày.
Từ lúc hai đứa tan học, được bác giúp việc đón ở trường về, đến khi mẹ về đến nhà chỉ hơn một tiếng nhưng đã có bao nhiêu chuyện xảy ra. Chơi với nhau mấy phút là hai chị em quay ra đánh nhau. Cậu em gần 30 ký, chỉ cần đá chân hay đẩy tay là cô chị 22 ký ngã chổng kềnh. Nhưng cô chị cũng không vừa, thường dùng chiêu cấu véo, thậm chí cả cắn để dằn mặt cậu em.
Bình thường, chị Linh vẫn đứng ra làm trọng tài phân xử cho các cuộc tranh cãi, cũng giải thích chị phải nhường em, em phải ngoan với chị, nhưng những hôm mệt mỏi, chị chẳng nói chẳng rằng, chỉ phát mông cả hai đứa.
Chị Linh nhớ lại hồi bé chị và cậu em kém 1 tuổi cũng cãi nhau suốt ngày. Bây giờ hai đứa con chị cũng "lịch sử lặp lại". Ở nhà thì chành chọe nhau, nhưng ra ngoài đường, bạn nào bắt nạt em hoặc chị thì cả hai hợp tác lại bảo vệ nhau. Vì thế chị cũng không thấy lo lắng lắm khi thỉnh thoảng có bạo lực giữa hai chị em.
Ba đứa con, một trai, hai gái nhà chị Hà (quận Phú Nhuận, TP HCM) sàn sàn nhau, cách nhau năm một. Cậu cả Bo sinh đầu năm 2005, cô thứ Bông ra đời cuối năm 2007, cô út Bống thì đầu năm 2009. Gia đình có điều kiện nên khi lỡ mang bầu bé thứ ba, anh chị giữ lại đẻ luôn. Ba anh em lúc nào cũng ríu rít chơi với nhau, chẳng cần bố mẹ quan tâm. Cậu anh cả rất hãnh diện được bố mẹ trao quyền bảo vệ các em. Vậy là thỉnh thoảng hai đứa em có mâu thuẫn, cậu anh tự thay mặt bố mẹ “giải quyết”, sau đó cũng chẳng bảo lại bố mẹ.
Hôm thứ tư vừa rồi, lúc lôi Bông đi tắm, chị phát hiện một vết xước ở tay và một vết thâm ở mông bé. Hóa ra, buổi chiều, Bông vô ý giẫm phải chân anh Bo lúc anh đang ngồi xem phim hoạt hình, bị anh đi cả dép đá vào mông. Cô em Bống thấy thế cũng tranh thủ “đánh hôi” bằng cách cào tay chị. Chị Hà cũng mới phát hiện ra, hai cô em gái nếu có điều gì không vừa ý ông anh là ngay lập tức bị ông anh xử. Thường thì cu Bo chỉ đánh một đứa em, đứa còn lại theo đuôi anh, "đánh hôi" đứa kia hoặc để anh sai vặt.
Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục mầm non, anh chị em sát tuổi thường dễ chơi với nhau nhưng cũng dễ xung đột hơn do người anh/chị không đủ lớn hơn hẳn để có uy với đứa em. Mấy đứa trẻ sàn sàn như nhau nên cũng “dở hơi” như nhau. Tuy nhiên, cha mẹ không nên để các con tự xử nếu chúng dùng biện pháp đánh nhau.
Chuyên gia tâm lý giáo dục Tuyết Mai (Tổng đài 1088 Bưu điện TP HCM) nhắc lại câu thành ngữ “dạy con từ thuở còn thơ” và cho rằng dù các bé mới 2-3 tuổi nhưng nếu có hành vi bạo lực với anh chị em mình, cha mẹ phải chấn chỉnh ngay lập tức. Theo bà, nhiều cha mẹ cứ nghĩ con còn nhỏ, chưa có ý thức, nên cứ để mặc anh chị em tự xử nhau, như thế là rất sai lầm. Bởi quen đánh nhau từ bé, đến lớn các bé có thể đánh nhau mạnh tay hơn hoặc không thân thiết với anh chị em của mình, hoặc thậm chí ra ngoài gây gổ với bạn bè. Bà cũng khuyên, tùy từng độ tuổi của con mà cha mẹ nên chọn những cách nói phù hợp, dễ hiểu để các bé thấy rằng anh chị em phải đoàn kết và thương yêu nhau.
Nếu anh chị cậy lớn mà bắt nạt em, bố mẹ nên nhấn mạnh vai trò của anh chị, để bé vui vẻ với trách nhiệm che chở, bảo vệ em của mình. Ví dụ: “Em còn bé, chưa biết nhiều, con nên nói để em hiểu, con đừng đánh em, em sẽ rất đau. Mẹ rất tự hào khi con biết thương yêu em”. Ngược lại, nếu em bé nhưng đành hanh, bắt nạt anh chị lớn, cha mẹ phải nhấn mạnh với con lối sống kính trên nhường dưới, không được hỗn hào với anh chị, như: “Nếu con đánh anh chị là con không ngoan, anh chị sẽ không chơi với con nữa. Con sẽ phải chơi một mình”.
Thực tế, nhiều ông bố bà mẹ bận công việc mưu sinh, không để ý con cái, nghĩ rằng con ở nhà chơi với nhau vui vẻ, tự bảo ban được nhau. Có những anh chị em ở nhà bắt nạt nhau nhưng bố mẹ không hề biết, để đến rất lâu mới phát hiện ra. Chuyên gia khuyên, phòng bệnh hơn chữa bệnh, cha mẹ nên quan tâm các con hàng ngày, nên dạy các bé yêu thương nhau từ khi mang bầu bé thứ hai.
Bọn trẻ yêu quý nhau, nhưng lúc giận thì vẫn đánh nhau như thường. Bởi trẻ nhỏ vốn hiếu động, không biết kiềm chế và hành động theo cảm xúc. Khi con cái đánh nhau, bố mẹ nên tách các con ra, để chúng hạ hỏa, rồi sau đó giải thích đúng sai. Bố mẹ cũng không nên tỏ thái độ bênh vực đứa nào hay cằn nhằn chê trách các con. Bố mẹ khi phân xử phải hợp lý, công bằng đừng để con cái bì tỵ. Nếu phân xử không công bằng thì rất khó để giải quyết tình trạng đánh nhau giữa các anh chị em.
Nhiều người nghĩ đơn giản anh chị em vốn yêu thương nhau nên thỉnh thoảng cãi cọ cũng không sao, sau này lớn lên bọn trẻ sẽ hiểu và không làm như thế nữa. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học Mỹ, việc bị anh chị em ruột bắt nạt thời ấu thơ có thể gây ra cho trẻ nhiều tổn thương hơn là bị trẻ ở bên ngoài bắt nạt.
Các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, nếu cha mẹ dùng đòn roi dạy con, con cái thường “sao y bản chính” sẽ áp dụng đòn roi trong cuộc sống hàng ngày với chính các anh chị em của mình. Bạn đừng ngạc nhiên nếu nghe thấy giọng điệu hay nhìn thấy hành động của mình phát ra từ chính những đứa con bạn.
Những việc bố mẹ cần làm ngay để ngăn chặn tình trạng bắt nạt giữa các con với nhau (theo lời khuyên của tiến sĩ tâm thần trẻ em và vị thành niên Robin Mallett, Mỹ): - Thiết lập những giá trị và quy tắc trong gia đình: Không chấp nhận sự bắt nạt. |
Kim Kim
0 nhận xét:
Đăng nhận xét