Được voi đòi tiên
Ngày tòa xử chị Tư tội giựt hụi, mấy chị trong xóm - vừa là chủ nợ vừa là nạn nhân - tìm tôi nhờ cậy: “Mày nhiều chữ nghĩa, đi nói giúp mấy chị vài câu, đòi được chút tiền nào hay chút đó”.
Trước tòa, chị Tư nước mắt nước mũi ròng ròng, nói không phải chị cố ý giựt tiền của ai, chỉ vì bị người ta gạt, nợ dắt dây nhau nên bể hụi, không còn đồng cắc nào. Nghe tòa tuyên chị phải ngồi tù, mấy chị trong xóm và cả tôi đều im thít, chẳng những không đòi tiền mà còn nghĩ tội nghiệp chị, tại cái tội thiệt thà, nghe lời người ta…
Khi được nói lời sau cùng, chị Tư quay sang chồng hờn trách: “Ông biết điều tôi ao ước cả đời là gì không? Đó là khi tôi làm sai, ông phải quyết liệt ngăn cản, thậm chí tát cho tôi tỉnh, nhưng ông không bao giờ dám. Thấy chị Chín không, cũng làm hụi như tôi mà mối nào không ổn, anh Chín nói không là không. Chị Chín cãi, ổng gầm một cái là tỉnh liền. Chồng người ta quyền uy thấy sợ. Còn ông, lớn tiếng với tôi, ông cũng không dám. Vì ông nhu nhược nên tôi mới ra nông nỗi này”.
Anh Tư chưng hửng, ấp úng: “Thì tại tui cưng bà, chiều bà”. Mặt chị Tư lạnh tanh, quay phắt sang hướng khác. Xe tù chở chị đi khuất, đám đàn bà con gái xúm lại, ồn ã “bình loạn” cái câu chị Tư trách chồng. Chị thì đồng tình, bảo tại anh Tư nhu nhược, không biết quản vợ. Chị thì đồng cảm với anh Tư, bảo tại chị Tư tự tung tự tác, giờ thất bại lại đổ lên đầu chồng.
Anh Tư dứt khoát: “Ai đúng ai sai đâu còn quan trọng nữa. Giờ tôi phải ráng lo cày bừa kiếm tiền trả nợ, lo nuôi dạy hai đứa nhỏ nên người, lo thăm nuôi vợ. Chỉ mong đến khi vợ ra tù, mọi việc đều giải quyết ổn thỏa để vợ yên tâm làm lại từ đầu”. Nghe mấy lời của anh, các chị tặc lưỡi, khen anh cũng đáng mặt đàn ông lắm chứ, đâu kém cỏi như chị Tư than.
Tôi nhớ hồi lấy chồng, má tôi dặn: “Giờ con đã lấy nó rồi, kiểu gì cũng là chồng mình, đừng bày đặt đứng núi này trông núi nọ, so sánh chồng mình chồng người, nó tự ái thì vợ chồng lục đục nghe con”. Lúc đó, tôi chỉ dạ dạ con biết rồi cho qua. Nhưng, sống với chồng mấy năm, tôi quên mất lời má dạy. Lúc nào cũng thấy chồng mình sao không tinh tế, ga-lăng, tài giỏi như chồng thiên hạ. Thấy ông hàng xóm sáng nào cũng dắt xe cho vợ, liền kêu chồng ra xem hình mẫu. Người bạn khoe mới mua được nhà, liền khen ngay là bạn tài giỏi để chồng học hỏi… Học đâu không thấy, chỉ thấy chồng mặt mũi hầm hầm: “Sao hồi đó không lấy ông hàng xóm hay lấy thằng bạn, lấy tui làm chi?”. Nói rồi xách xe đi một mạch. Tôi bỏ cả bữa cơm chiều không nấu, ngồi ủ rũ tự truy vấn mình: Sao hồi đó mình quyết định lấy ổng vậy ta?
Mấy năm trước, tôi dự đám cưới của người chị họ. Đó là đám cưới lần hai của chị. Chị ngời ngời hạnh phúc, bảo anh mới đúng là mẫu đàn ông chị ao ước: mạnh mẽ, quyết đoán, giỏi kiếm tiền. Chồng cũ của chị rất hiền lành, an phận. Có lần tôi đến chơi, thấy anh đang hì hụi lau nhà, chị thì gõ máy tính. Thấy có khách, anh mang ra hai ly nước rồi bế con ra sân đút cơm. Tôi khều chị: “Anh đảm đang ghê”. Chị thở dài: “Chính vì ổng “đảm đang” quá nên chị mới chán. Chuyện bếp núc chăm con thì giỏi, chuyện làm ăn, hỏi tới ổng cười hề hề, bảo chị muốn tính sao thì tính. Thậm chí, nghe bạn bè trêu chị có người khác để ý, ổng cũng không dám ghen, chỉ năn nỉ chị đừng bỏ chồng con. Sống với ổng, chị phải đứng mũi chịu sào, gánh hết trách nhiệm, nên rất mệt mỏi”.
Tập hai của chị chính là người đã cùng chị hùn hạp làm ăn. Chị tin sống với anh, chị sẽ rất hạnh phúc. Chị thật mạnh mẽ, nói bỏ chồng là bỏ liền, làm lại như không.
Thời gian sau, tôi chưng hửng khi nghe chị lại ly hôn. Hóa ra, tập hai của chị không những mạnh mẽ quyết đoán mà còn rất gia trưởng. Sau đám cưới, anh quản lý luôn công ty của chị, hàng tháng chỉ đưa chị đủ tiền chợ. Chị muốn đi đâu, làm gì, cho tiền ai cũng phải xin phép. Chị chịu không thấu. Chị khóc với tôi, bảo giờ chị lại thấy thương chồng cũ, tiếc là đã quá vội vàng...
Má tôi nghe chuyện, tranh thủ giáo huấn: “Thấy chưa con. Ngóng qua núi bên kia thấy cái gì cũng hơn núi của mình. Nhảy qua rồi thấy cũng vậy thôi, có khi còn tệ hơn. Chẳng lẽ đàn bà mình cứ nhảy qua nhảy lại hoài, còn ra thể thống gì. Cứ lo dọn cỏ, chăm sóc núi của mình cho tốt, chỗ nào trống trải thiếu cây thì chịu khó trồng cho kín, tưới nước bón phân chăm chút hàng ngày rồi nó cũng xanh tốt, ra hoa kết trái… Lo ngóng chi cho xa, mỏi cổ”. Mà mỏi cổ thiệt, lại chẳng được tích sự gì. Thôi thì nghe lời má, yên phận bên núi của mình. Cứ lo ngóng sang núi người ta, không chừng có ngày không những trặc cổ mà còn mất luôn cả đất đồi nhà mình.
Theo PNO
0 nhận xét:
Đăng nhận xét