Người già đơn thân đừng ngại “đi bước nữa”
|
Có người bạn đời tâm tình, sẻ chia chính là liều thuốc trường xuân quý giá đối với người già. |
Ông Dinh có 4 người con thành đạt, nhà cao cửa rộng giữa lòng Thủ đô nhưng lại quyết định từ bỏ tất cả, chấp nhận cuộc sống nghèo nàn, bươn chải ở góc chợ, ven hồ, không nơi trú ngụ để đi theo tiếng gọi tình yêu. Sở dĩ, chuyện tình cảm của ông trở thành éo le bởi tất cả con cái, họ hàng gia đình ông Dinh đều phản đối việc ông “đi bước nữa”, nhất là lại với một người nhặt rác như bà Huyền. Trước sự quyết liệt của các con, ông Dinh đã quyết định ra khỏi nhà để cùng sống cuộc sống lang thang với người yêu quanh hồ Hoàng Cầu. Nói về quyết định của mình, ông Dinh rất mãn nguyện: “Tuổi già, tôi cần có người chăm sóc, các con ai cũng có gia đình riêng. Vợ mất, tôi muốn có một người cùng chia sẻ nhưng các con lại phản đối. Vậy là tôi tự quyết định cho mình cuộc sống riêng, không phụ thuộc vào bất cứ ai. Chỉ cần có tình yêu, chúng tôi sẽ vui vẻ”.
Từ câu chuyện của ông Dinh, bà Huyền mới thấy, tình yêu thì không bao giờ có tuổi. Tuy nhiên, ở Việt Nam, những người trên 50 tuổi lại rất ngại kết hôn lần nữa. Nguyên nhân khiến nhiều mối tình già tan vỡ là do quan niệm cũ kỹ của xã hội. Không ít người tỏ ra chê bai, cho rằng các cụ ông, cụ bà tuổi xế chiều mà vẫn kết hôn là khó chấp nhận. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý thì người lớn tuổi vẫn có quyền yêu, kết hôn, miễn là điều đó không xâm hại tới đạo lý. Tình yêu không phải là đặc quyền của tuổi trẻ. Hơn thế nữa, tình yêu có tác động tích cực tới sức khỏe, tuổi thọ, khả năng lao động sáng tạo của con người, đặc biệt là người cao tuổi. Nó là phương thuốc hiệu nghiệm ngăn chặn bệnh tật.
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn tư vấn: “Nhiều người cho rằng nếu người cao tuổi kết hôn nghĩa là người đó còn ham hố chuyện tình dục, chăn gối, nhưng không hẳn như vậy. Nhu cầu có bạn già rất quan trọng, bởi nỗi sợ lớn nhất của người cao tuổi là bị bỏ rơi, bị cô đơn. Tất nhiên, với một số cụ còn khỏe, nhu cầu vợ chồng cũng không có gì là xấu. Nếu những người con có lòng với cha mẹ đơn thân, họ muốn bù đắp cho cha mẹ đầy đủ về vật chất nhưng đôi khi lại quên rằng “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Chính vì vậy, không có gì tuyệt vời hơn nếu người già có bạn tâm tình vào những năm tháng cuối đời. Nếu có cơ hội, các cụ đừng cố dập tắt, xua đuổi, không thừa nhận tình cảm và tự chụp cho mình cái mũ tuổi già dù trái tim vẫn còn rực lửa yêu thương. Con cháu cũng không được coi thường, không nói nặng lời, không phản đối kịch liệt hay hỗn hào khi nghe cha hay mẹ góa bụa của mình muốn đi bước nữa, bởi điều ấy không phạm luật, không vi phạm đạo đức hay văn hóa. Nếu thấy hai cụ còn khỏe, “xứng lứa vừa đôi” thì hãy tác thành cho họ nên vợ, nên chồng bởi không có liều thuốc trường xuân nào dành cho các cụ quý hơn tình yêu”.
N.Đ (tổng hợp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét