“Lãn ông”
Mẹ liên tục nhắc đứa con gái duy nhất là tôi: “Sau này đừng có dại mà lấy mấy ông tướng họ “Lãn” về nha con! Khổ khỏi kể luôn!”.
Từ nhỏ, chị em tôi đã quen cảnh bố đi làm về là nằm “khểnh” trên chiếc ghế dài ở phòng khách, mặc mẹ làm gì thì làm. Cơm nước xong, mẹ sai một đứa lên mời bố xuống, ăn sớm để bố tranh thủ ngủ chút trước khi đi làm buổi chiều. Nhà hư bóng đèn, cháy ti vi, mẹ giục mãi mới thấy bố uể oải xắn tay áo lên. Mấy lần như thế, đều nghe thấy mẹ lầm rầm: “Y như nuôi thánh sống!”.
Sau này, tôi gặp thêm vài “lãn ông” nữa, so với kiểu của bố, còn “cao thủ” hơn nhiều.
Anh Th. là bạn học lớp Hán-Nôm với tôi, mê đọc sách đến quên ăn quên ngủ. Trong lớp, chỉ mình anh dám đối thoại tay đôi với thầy giáo, tranh biện căng thẳng đến nỗi cả lớp nghe là hoa mắt chóng mặt, không sao theo kịp. Mọi người chê Th. cực đoan, nhưng thực lòng, nhiều đứa phục anh sát đất. Chỉ có điều, anh không chịu đi làm nuôi thân. Thời đại học, gia đình chu cấp.
Ra trường, ai cũng mong anh đem cái nhiệt tình nghiên cứu đó ra làm việc nhưng chờ mãi vẫn không thấy anh nhúc nhích, chỉ thấy ngày nào anh cũng lên facebook tung “quan điểm”. Bố của Th. ra tối hậu thư “trong vòng ba tháng không đi làm, thì ra khỏi nhà luôn!”. Thế là anh khăn gói sang nhà thằng bạn hiền lành và “dễ dụ” nhất trong lớp… ở nhờ. Từ đó, anh có vẻ sống… nhàn hạ lắm, vì chỗ ở không phải lo, khoản ăn thì nhờ bạn, không thì mẹ anh xót con vẫn lén chu cấp. Vậy là Th. lại đủ điều kiện làm “ông lãn”, chỉ đọc sách tối ngày.
Lại một anh bạn khác, tên H., cũng “lãn ông” siêu hạng. Ngoài 30 tuổi, anh vẫn cắp cặp đi học, hết lớp này đến lớp khác. Tâm sự mới biết, từ nhỏ H. được gửi trong trường dòng với các xơ, rồi luyện được cái vẻ ngoài phớt tỉnh mà ngơ ngác trước cuộc đời. Nhìn anh là thấy phong lưu, dù anh chẳng làm ra đồng nào, chỉ nhận chu cấp từ các xơ và gia đình. Anh tán tỉnh vô khối cô bằng thơ và nhạc, nhưng chẳng sống chết với ai. Thôi thế cũng may, cái bệnh “lãn ông” đó, mình anh chịu là đủ. Nghe anh tuyên bố chắc nịch: “Đã làm là phải đáng, chứ ra đời làm thuê, làm mướn cho người ta, thì làm cái gì! Chẳng phải anh nhác, rồi em xem, một bước của anh phải dài hơn người…” mà tôi nghi ngại quá…
Bố tôi, và mấy anh bạn “lãn ông” của tôi, rất khác nhau mà cũng rất giống nhau. Giống nhau là lười, mà khác nhau, vì lười cũng trăm đường. Bố tôi như đa phần các mẫu chồng lười mẹ tôi thường nhắc, là nhác việc nhà. Nhưng, so với mấy anh bạn ấy, bố tôi còn “được” chán. Ở cơ quan, bố cũng là chiến sĩ thi đua. Cùng mẹ, bố đã nuôi chúng tôi ăn học đủ đầy. Còn hai anh bạn nọ, hình như hai anh chưa yêu ai bằng yêu bản thân mình.
Những “lãn ông” tôi đã gặp, nói họ không tốt thì oan. Như hai anh bạn tôi, đôi khi rất thú vị. Cứ nhìn hai anh ấy theo đuổi những say mê của mình mà nể, thấy như thế mới thật… đàn ông. Nhưng, theo người đàn ông kiểu đó thì người làm vợ nhất định khổ. Họ không lười lao động, nhưng có lẽ tất cả những chăm chỉ, tận tâm của họ đã dành hết cho một vài thứ khác, khiến họ quên mất nỗi nhọc nhằn của những người thân. Hoặc giả, họ quá yêu bản thân và niềm vui của mình đến nỗi sự chia sẻ trách nhiệm cùng gia đình, với họ chỉ còn được chăng hay chớ. Làm sao để sống cho mình cũng là sống cho gia đình mới phải chứ!
Lại có nhiều bà bạn của mẹ tôi, chồng cả ngày chọi gà, đánh cờ, nuôi chim…, sống như tiên giữa cõi trần, mặc vợ kiếm được tiền ở đâu thì kiếm. Những người đàn bà đó khổ mà sao họ vẫn ráng chịu. Chắc vì thương! Chỉ mong sao các “lãn ông”, biết vì những người thân của mình mà chịu nhúc nhích, chịu chia sẻ trách nhiệm và khó khăn cùng nhau.
Biết đâu hai anh bạn của tôi, khi gặp và yêu thương một ai đó, sẽ không còn muốn đóng vai “ông lãn” giữa cuộc đời…
Theo PNO
0 nhận xét:
Đăng nhận xét