Chồng gọi nữ đồng nghiệp là 'em iu'
Anh thường rủ cô ấy xin nghỉ phép để đi công tác chung, họ nói chuyện với nhau rất ngọt ngào, anh rất quan tâm và chăm sóc cô ấy. Những lần đi công tác anh vẫn tìm cách nhắn tin và điện thoại cho cô ấy.
Tôi lập gia đình 8 năm, có hai con. Vợ chồng tôi đều làm cho công ty nước ngoài, thu nhập khá ổn. Chúng tôi có chung nhiều sở thích, anh rất chịu khó phụ tôi việc nhà, tuy đôi lúc do bất đồng quan điểm xảy ra tranh cãi, nhưng nói chung gia đình tạm gọi là hạnh phúc. Anh thường xuyên đi công tác xa nhà, nhưng chưa có biểu hiện gì làm cho tôi phải nghi ngờ, chỉ đến khi tôi vô tình đọc được nhật ký chat của anh với cô bạn đồng nghiệp. Anh và cô ấy gọi nhau là anh/em iu, anh thường xuyên rủ cô ấy đi ăn trưa, đi cà phê, xem phim và mua quà tặng cô ấy vào các dịp sinh nhật hoặc anh đi công tác nước ngoài về. Anh luôn nói nhớ cô ấy, mặc dù hai người làm việc chỉ cách nhau có một tầng lầu.
Tôi đã rất tin tưởng chồng, nhưng bây giờ tôi rất sốc và lòng tin của tôi đối với anh hoàn toàn sụp đổ. Việc xảy ra hơn một tuần, tôi vẫn chưa nói cho anh biết là tôi đã đọc được đoạn chat của hai người, nhưng hình như anh cảm nhận được và đã xóa toàn bộ nhật ký. Bây giờ tôi không biết phải làm gì, tâm trạng rối bời, thường xuyên mất ngủ, bệnh cũng trở nặng hơn, tôi phải làm gì đây? (Quỳnh Hương)
Ảnh minh họa: Guyism.com. |
Trả lời
Chào chị,
Trước khi chúng ta trao đổi với nhau, tôi sẽ đưa ra một câu hỏi để chị trả lời, được không?
Chị có hiểu tại sao một đường tàu không bao giờ chạy suốt mà cần rất nhiều barie chắn ngang? Cuộc sống của mỗi một gia đình cũng thế, đôi lúc cũng có những giai đoạn kém an toàn, cần sự chú ý tập trung và thậm chí là phải có barie chắn để đảm bảo hạnh phúc không bị ảnh hưởng.
Dù rằng trước đây con tàu gia đình của chị đang vận hành rất tốt, nhưng khi gặp phải một “tai nạn” giữa chừng nào đó mà không có barie chắn, ngay lập tức tạo ra cú sốc khiến chị bất ngờ và không kịp phản ứng. Chồng chị đã nhắn tin, hẹn hò và dành nhiều tình cảm cho cô bạn đồng nghiệp, đó là những bằng chứng không thể chối cãi về những điều anh ấy làm. Bình thường, nếu chỉ có quan hệ ở mức đồng nghiệp thì anh ấy sẽ ít khi có những lời hỏi han ân cần yêu thương, hoặc thậm chí nếu chị biết anh ấy cũng không vội vàng xóa đi những tin nhắn như một bằng chứng chứng minh anh ấy không chung thủy.
Như chị nói, chị đã im lặng để chờ phản ứng từ phía anh ấy. Và anh ấy cũng vậy, sau tất cả động thái vội vàng làm dịu đi những nghi ngờ của chị thì hiện giờ anh ấy vẫn chưa có thêm bất cứ một hành động nào. Nếu hai người cứ chờ nhau như thế này, tôi e là sẽ khó có câu trả lời nếu như chị không dứt bỏ được nỗi ám ảnh, bởi chính chồng chị cũng sẽ không biết được chắc chắn là vợ mình đã biết về mối quan hệ của mình hay chưa.
Một vấn đề rất khó khăn là chồng chị và cô bạn đồng nghiệp kia đang làm việc rất gần nhau, chính vì vậy nên việc thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ chia sẻ cũng dễ nảy sinh tình cảm. Tuy nhiên, chị cũng cần bình tĩnh, phản ứng một cách nóng vội hay tiêu cực thông thường sẽ làm cho mọi việc trở nên rối hơn và không có hồi kết.
Đầu tiên, chị cần chuẩn bị để nói chuyện với chồng, một cuộc nói chuyện sẵn sàng và nghiêm túc. Việc cả hai cùng dốc lòng và lắng nghe người kia nói có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Có thể bản thân sẽ có lúc giận giữ nhưng chị hãy nhắc nhở mình giữ bình tĩnh để cuộc trò chuyện trở nên sáng suốt và lắng nghe vấn đề được trung thực nhất. Ngoài ra, chị cũng nên lường trước một số các phản ứng của anh ấy để có cách chia sẻ phù hợp.
Ngoài ra, chị xem xét cách thức ứng xử của anh ấy từ trước đến nay với chị và gia đình. Như trong thư chị chia sẻ thì anh ấy cũng là người đàn ông có trách nhiệm. Có thể trong thời điểm nào đó anh ấy đã ngã lòng. Tuy nhiên để có được cuộc trao đổi thẳng thắn thì chị phải có những bằng chứng rõ ràng cho thấy anh ấy đã có những tình cảm như thế nào, hai người đã có mức độ thân mật đến đâu và hiện giờ anh ấy sẽ định làm gì với vấn đề của mình.
Chị cũng cần chú ý, trong cách nói chuyện cố gắng tránh xảy ra xung đột giữa hai người, hạn chế việc đưa ra tối hậu thư bắt anh ấy phải có sự lựa chọn hoặc những lời nói mang tính thách thức, bởi như vậy sẽ chỉ làm cuộc nói chuyện giữa hai người trở nên căng thẳng hơn mà thôi.
Chị có thể tìm thêm một ai đó để làm “đồng minh” với mình, chẳng hạn như một người bạn mà anh ấy tin tưởng, hay ai đó tin cậy trong gia đình để giúp chị có thêm con đường tháo gỡ vấn đề.
Để con tàu gia đình vận hành được tốt, cần phải có sự phối hợp ăn ý giữa người lái tàu và người gác ghi, nếu cần thì phải có tiếng còi báo hiệu thông báo cho cả hai bên để đảm bảo an toàn. Tôi tin rằng với sự thông minh khéo léo của chị, chị sẽ biết cách làm thế nào để tháo gỡ vấn đề một cách nhẹ nhàng nhất.
Chúc chị bình an!
Chuyên viên Vũ Ánh Tuyết
Trung tâm tư vấn tâm lý tình cảm Linh Tâm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét