Ngại yêu
Lần nào hỏi chuyện chồng con, nó cũng cười toe bảo: “Cuối năm tao cưới. Chỉ chưa biết là cuối năm nào!”.
Chuyện bạn bè, chuyện gia đình cứ luẩn quẩn như những con hẻm chật chội hàng ngày hai đứa sống. Đều là dân tỉnh lẻ về thủ đô học hành, lập nghiệp, hình như trong lòng, ngoài những tình cảm đồng môn, tôi và nó còn chia nhau những nỗi lòng đầy vẻ “nhược tiểu” của dân ngụ cư.
Nó bảo, cả chục năm sống ở Hà Nội, nó chưa bao giờ thấy mình là người phố. Đến một nơi sang trọng một chút, cứ ngượng ngượng, chân tay bỗng dưng thừa thãi đến lạ.
Biết chuyện hôn nhân của tôi đi đến hồi kết. Nó cười buồn. Chỉ mới đây thôi, cô em gái nó cũng đặt dấu chấm hết cho cuộc hôn nhân đáng lẽ phải kết thúc sớm hơn thế rất nhiều. Em nó, bi kịch hơn tôi, phải về nhà ở cùng bố mẹ với cái bụng bầu chỉ sau chưa đầy một năm xuất giá. Sự thật trần trụi ấy có lẽ là cái lý thuyết phục nhất để bố mẹ không muốn giục giã chuyện chồng con với nó, ngay cả khi, năm nay đã dợm bước tuổi “băm”. Đôi khi, hình như để muốn an ủi nỗi khổ của ai đó, người ta thường có xu hướng kể cho họ nghe một câu chuyện khác bi đát hơn. Nhưng không hiểu sao, nghe chuyện em gái nó, tôi chỉ thấy lòng mình nặng nề, u ám thêm. Chả lẽ có thể vui được khi biết có một người khác khổ hơn mình ư? Chợt hiện lên gương mặt cô em nó. Hồn nhiên, vô tư thuở năm nào mới ra Hà Nội nhập học cùng chị gái.
Nhìn lại cả đám bạn“cùng một lứa bên trời lận đận”, nó bảo, nhiều đứa bỏ chồng hay chồng bỏ quá. Nó đâm ngần ngại trước hôn nhân. Một vài cuộc tình thoảng nhẹ không lưu lại dấu vết gì, dẫu chỉ là đau khổ. Nhiều lúc tôi than, yêu gì như mày, chia tay không thấy đau! Sự thực thì tôi biết nó đã bắt đầu ngại yêu, ngại “đầu tư” xúc cảm cho những cuộc tình mà đôi khi nỗi ám ảnh ngờ vực còn lớn hơn cả sự da diết nhớ nhung.
Tự thấy mình hình như cũng có lỗi trong muôn vàn những ám ảnh của nó, tôi đã cố gắng biện minh cho sự đổ vỡ hạnh phúc của mình một cách cụ thể nhất. Rằng đó chỉ là trường hợp đặc biệt, là sự xung đột quan điểm sống, là những lựa chọn có nỗi khổ riêng, v.v…
Nhưng với nó, tình yêu đang ngày càng trở nên xa xỉ trong nhịp sống hối hả và trong cả sự xơ cứng của tâm hồn. Ba mươi tuổi, nó tự thấy hài lòng với cuộc đời của một công chức. Tự thấy mình không có nhu cầu nhất thiết phải có được một tấm chồng cho đúng mẫu hình chung của xã hội. Tự thấy mình có thể tìm được niềm vui trong công việc, bạn bè, không nhất thiết phải đeo bám vào điều gì nếu đó chỉ đơn thuần vì trách nhiệm và áp lực dư luận.
Làm được như thế, có phải là một thứ bản lĩnh của phụ nữ thời hiện đại không nhỉ?
Theo Đỗ Dương
Dân Trí
0 nhận xét:
Đăng nhận xét