Tình cũ đeo bám chồng, phải làm gì?
Trước khi chúng tôi quen nhau, anh đã có một mối tình kéo dài 4 năm nhưng chia tay do gia đình anh không chấp nhận cô gái đó. Khi anh đến với tôi, cô gái đó vẫn đeo bám anh, không chịu chia tay.
Chúng tôi đều là viên chức nhà nước. Vợ chồng tôi cưới nhau được 1 năm, cuộc sống gia đình bên ngoài thì đầm ấm, hạnh phúc nhưng trong lòng tôi luôn đau đớn bởi một vết thương mãi không lành. Trước khi chúng tôi quen nhau, anh đã có một mối tình kéo dài 4 năm nhưng chia tay do gia đình anh không chấp nhận cô gái đó. Khi anh đến với tôi, cô gái đó vẫn đeo bám anh, không chịu chia tay. Vài lần cô ta đã phá rối, thậm chí còn cố tình tự sát để níu kéo anh. Tôi biết điều này và muốn chia tay anh nhưng anh không muốn chia tay tôi và xin cho anh thời gian để chấm dứt với cô ta.
Khi hai bên gia đình chuẩn bị tính chuyện hôn nhân, cô ta đã làm tôi ngã quỵ bằng cách nói rằng mình đang mang thai của anh được 2 tháng. Bao nhiêu yêu thương và niềm tin trong tôi đã đổ vỡ. Lúc đó, anh nói rằng anh chỉ yêu mình tôi và cho anh cơ hội để giải quyết với cô ta. Sau đó mọi chuyển cũng ổn thỏa, bởi đó là cái thai cô ta dựng lên để chia rẽ chúng tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn buồn và muốn chia tay nhưng anh năn nỉ tôi, đồng thời cũng nhờ người thân khuyên bảo tôi. Tôi đã bỏ qua và tiến đến hôn nhân.
Tuy nhiên, giờ đây, nỗi đau đó chưa thể vơi đi mà vẫn luôn nhức nhối trong tôi. Cảm giác bị phản bội cứ ám ảnh tôi, cô ta vẫn thường xuyên liên lạc với chồng tôi. Anh ấy giờ lại đi công tác xa, lâu lâu mới về, tôi không biết liệu họ có còn qua lại với nhau nữa không. Liệu vết thương cũ chưa lành thì sẽ có vết thương mới nào nữa không. Xin hãy cho tôi lời khuyên, làm sao tôi có thể xóa bỏ chuyện quá khứ để xây dựng mái ấm của mình. (Việt Trinh)
Làm sao tôi có thể xóa bỏ chuyện quá khứ để xây dựng mái ấm của mình - Ảnh: wallpapermay.com |
Chào bạn,
Tình cảm con người là nơi phức tạp nhất, chỉ khi nào người ta tự cân đối giữa tâm trạng và cuộc sống thì mới có thể làm chủ tình cảm của mình. Cái khổ của tình cảm ở chỗ chính người trong cuộc không đồng ý với những gì mình đã chọn lựa. Nếu ta đã dấn thân thì bản thân mình phải vươn lên để chiến thắng ngoại cảnh.
Về chuyện của bạn, bạn đã đồng ý cưới anh ấy làm chồng khi anh ấy đã có mối tình kéo dài 4 năm. Sự chia tay không phải do anh ấy hay cô ấy quyết định mà lại do gia đình gây nên, thì phải nói ngoại cảnh “độc ác” này càng làm cho người ta nhớ về nhau nhiều hơn. Nếu bạn trong hoàn của anh ấy hay cô ấy, bạn sẽ làm thế nào? Không phải “cô gái đó vẫn đeo bám anh, không chịu chia tay” mà chính là sợi dây vô hình tình cảm vẫn còn ở họ do lịch sử để lại.
Bạn lưu ý, lịch sử là cái không làm lại được. Nếu thay đổi hiện thực có tính lịch sử thì phải biết cách “hướng đến tương lai”. Đối với bạn, vấn đề lại ở người chồng. Làm thế nào để người chồng dứt khoát mới là chìa khóa. Bạn càng trách cô gái càng làm đau lòng chồng bạn về mặt tâm lý, vì anh ta càng thấy mình có lỗi. Đối với chồng bạn, anh ấy không thể quay trở lại với người kia trong khi “vết thương lòng” quá lớn, còn bạn lại thiếu hẳn sự thông cảm cho hoàn cảnh của họ. Đây là bài toán phải giải.
Bạn cay cú về việc đến với hôn nhân do “bị xúi” và cay cú với cả những người mà bạn cho rằng “lỗi ở họ”, vì thế “bao nhiêu yêu thương và niềm tin trong bạn đã đổ vỡ”. Đổ vỡ thì tại sao lại có hôn nhân? Mà đã đến hôn nhân thì làm sao có thể gọi là đổ vỡ? Bạn muốn người ta “chấm dứt lịch sử” còn bạn thì không. Bạn đã chủ quan theo ý mình mà quên rằng “chinh phục tình cảm” không thể dùng lý trí mà phải thuyết phục bằng sự tha thứ cho người và thông cảm với chính cuộc đời mình. Tất nhiên, khi yêu, người ta hứa “chỉ yêu mình em”, nhưng giữ được lời hứa đấy đâu phải từ một phía, mà còn ngoại cảnh nữa bạn ạ.
Bạn nói “cảm giác bị phản bội cứ ám ảnh” tức là trạng thái tâm lý chủ quan và “đổ lỗi” luôn ở trong bạn. Bạn hãy củng cố lòng tin vào giá trị gia đình và thông cảm với lịch sử của chồng và cô gái kia để cứu người chồng ra khỏi “mê hồn trận”, nếu không, sự ám ảnh của bạn luôn là nguyên nhân đẩy người chồng vào tuyệt vọng và người con gái kia lại là lý tưởng thì rất nguy hiểm. Bạn hãy biết cách kéo người chồng về phía mình thay cho “dùng quyền lực hành chính” , và chỉ có như vậy sẽ giải quyết được vấn đề.
Chúc bạn thành công.
GS. TS Tâm lý Vũ Gia Hiền
Cố vấn tâm lý Hội quán các bà mẹ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét