Tại sao đàn ông cần đàn bà?
Bằng chứng mới cho ta một câu trả lời bất ngờ. Càng có sự hiện diện của nữ nhân trong gia đình – ngay cả trẻ em – càng giúp cho các ông hướng về sự hào phóng.
Trong một nghiên cứu mới đầy kích thích, các nhà nghiên cứu Michael Dahl, Cristian Dezso và David Gaddis Ross khảo sát tính hào phóng và điều gì thôi thúc tính ấy ở những người đàn ông giàu có. Thay vì xem xét đến quy mô hiến cho, họ tìm hiểu lý do tại sao có một số nam giám đốc trả lương cho nhân viên thởi lởi hơn những ông khác. Nghiên cứu theo dõi lương nam giám đốc của hơn 10.000 công ty Đan Mạch chi trả cho nhân viên của họ suốt một thập kỷ.
Thú vị thay các giám đốc trả lương cho nhân viên ít hơn sau khi họ làm cha. Trung bình, sau khi giám đốc có một đứa con, họ trả lương cho mỗi nhân viên thấp hơn 100USD mỗi năm. Để là một người chu cấp tốt, nghiên cứu trên ghi nhận, hầu như mọi nam giám đốc đều muốn “thu vén nguồn lợi của hãng cho chính bản thân và gia đình đang ngày càng đông, thay vì dành cho nhân viên.”
Các giám đốc trả lương cho nhân viên ít hơn sau khi họ làm cha.
Nhưng có một sự tréo ngoe. Khi nhóm của giáo sư Dahl khảo sát dữ liệu tỉ mỉ hơn, sự thay đổi tiền lương tuỳ thuộc vào giới tính của đứa con mà ông giám đốc làm cha. Họ giảm lương sau khi có con trai, nhưng không phải sau khi có con gái.
Con gái dường như làm cho người cha dịu dàng và kích gợi nhiều hơn sự chăm nom âu yếm. Sự suy xét cho rằng khi chúng ta chải tóc cho con gái chúng ta và đưa chúng đến các lớp học nhảy, chúng ta trở nên hoà nhã hơn, đồng cảm hơn và hướng đến tha nhân hơn.
Cũng có những nghiên cứu chứng minh rằng những nhà làm luật Mỹ có con gái thường bỏ phiếu tự do hơn; điều đó cũng đúng với cử tri người Anh có con gái, đặc biệt là trong các cuộc trưng cầu ý kiến và chọn lựa chính sách về quyền sinh sản. “Một người cha ưu ái với con gái hơn,” những nhà nghiên cứu Andrew Oswald đại học Warwick và Nattavudh Powdthavee đại học York, lập luận. Đối với nam giám đốc, tình cảm thiên về con gái có thể tạo ra những xung lực thởi lởi đối với nhân viên, kềm chế ý muốn cắt giảm lương của nhân viên.
Có khả năng việc gần gũi các nữ nhi thúc đẩy tính hào phóng? Những nghiên cứu củng cố, trong một số lĩnh vực khác, gợi ý rằng trường hợp đó đúng – và rằng điều đó có khả năng mở rộng hơn. Chẳng hạn, hãy xem xét một loạt nghiên cứu do nhà tâm lý học Paul Van Lange đại học Free ở Amsterdam. Để hình dung ra động cơ nào khiến người ta hành động thởi lởi hơn, GS Van Lange và ba đồng sự xây dựng một trò chơi trong đó hơn 600 người đưa ra chọn lựa việc chia sẻ các nguồn lợi với ai đó mà họ không biết và không bao giờ gặp lại. Những người tham gia chọn giữa những nhiệm ý cơ bản sau:
(a) Bạn có 25USD và đối tác có 10USD.
(b) Bạn có 20USD và đối tác có 30USD.
Chọn lựa thứ nhất là kẻ ích kỷ; bạn muốn gần hết nguồn lợi thuộc về bạn. Chọn lựa thứ hai thởi lởi hơn vì nó liên quan đến việc hy sinh một số lượng nhỏ (5USD) mà đối tác bạn có thêm so với số tiền 20USD.
Những người chơi biểu lộ những ưu tiên nhất quán trong mỗi chín vòng họ tham gia theo quan sát của GS Van Lange. Dữ liệu chứng minh rằng những người chơi có những chọn lựa thởi lởi hơn là những người có đông anh chị em ruột hơn. Những người cho trung bình có hai anh/chị em; những người khác trung bình có một mình hoặc thêm một nửa anh/chị em. Nhiều anh chị em có nghĩa là nhiều chia sẻ hơn, điều đó dường như dẫn dắt họ về xu hướng cho đi.
Và một lần nữa, giới tính là vấn đề. Những người cho chiếm 40% là những người có chị em gái so với những người tự phục vụ, có những chọn lựa tranh dành. (Không có sự khác biệt giữa con số anh em trai; chính là con số của chị em, chứ không phải anh/chị em dự báo cho sự hào phóng nhiều hơn.) Và nhóm của GS Van Lange chỉ ra một nghiên cứu khác chứng minh rằng một người cha có nhiều chị em gái hơn, người cha ấy càng dành nhiều thời gian nuôi dưỡng con cái của mình. Sau lớn lên cùng với chị em gái, người đàn ông đã có cơ hội để cho đi nhiều hơn.
Các nhà khoa học xã hội tin rằng động thái yêu thương, chăm dưỡng của
những chị em gái cảm hoá anh em trai họ.
Các nhà khoa học xã hội tin rằng động thái yêu thương, chăm dưỡng của những chị em gái cảm hoá anh em trai họ. Chẳng hạn, những nghiên cứu do nhà tâm lý học Alice Eagly đại học Tây Bắc chứng minh rằng phụ nữ có xu hướng cho đi và giúp đỡ bà con gần nhiều hơn đàn ông. Cũng có thể những đứa trẻ trai cảm nhận được xung lực – bởi bản chất và sự nuôi nấng – để bảo vệ các chị em gái của họ. Hơn nữa, GS Eagly phát hiện rằng đàn ông dường như giúp đỡ phụ nữ nhiều hơn là giúp đỡ đàn ông.
Một vài người trong số những người bác ái nhất thế giới thừa nhận rằng cảm xúc do những người phụ nữ trong đời tạo cho họ. Cách đây 20 năm, khi Bill Gates đang trở thành người đàn ông giàu nhất thế giới, ông đã phản đối lời khuyên thành lập một một quỹ từ thiện. Ông có kế hoạch chờ một phần tư thế kỷ trước khi bắt đầu cho đi tiền bạc của mình, nhưng rồi thay đổi ý định ngay vào năm sau. Chỉ ba năm sau, Gates xếp thứ ba trên danh sách Fortune về những người hảo tâm hào phóng nhất thế giới. Giữa những năm đó ông hoan hỉ với đứa con gái đầu lòng ra đời.
Gates phản ánh rằng hai phụ nữ thành viên gia đình – bà Mary mẹ ông và Melinda vợ ông – là những chất xúc tác hàng đầu cho lòng bác ái trổi dậy nơi ông. Mẹ Mary “không bao giờ ngưng thúc đẩy tôi làm nhiều hơn cho kẻ khác,” Gates nói trong một diễn văn khai giảng ở Harvard. Điểm xoay chiều xảy ra vào năm 1993, không lâu trước khi ông và Melinda cưới nhau. Tại đám cưới, bà Mary đã đọc lớn một bức thư bà đã viết cho Melinda về hôn nhân. Thông điệp kết luận của bà nhắc lại câu tâm niệm của Voltaire (hay Spiderman) rằng quyền lực lớn dẫn đến trách nhiệm lớn: “Những ai càng cho đi nhiều, thì càng được trông đợi nhiều.”
(Trích Adam Grant, giáo sư đại học Pennsylvania)
Theo SGTT
0 nhận xét:
Đăng nhận xét