Vợ chồng "chuyện ai nấy biết"
“Không chịu nói, ai biết!”
Mới đây, ông Nguyễn Thanh Cần (tỉnh Tây Ninh) bị truy tố tội trộm cắp tài sản khiến nhiều người quen biết ông ngỡ ngàng bởi nguyên nhân không ngờ lại bắt nguồn từ việc thiếu giao tiếp vợ chồng.
Kết hôn năm 1988, dành dụm được một số tài sản nhưng vợ chồng ông Cần thường xuyên xích mích, cãi cọ nhau nên sống chung nhà mà lại ngủ riêng. Tiền bạc do một tay bà Nguyễn Thị Mén - vợ ông Cần, cất giữ. Bị đau mắt, ông Cần hỏi tiền để chữa trị, bà Mén không đưa, cũng không quan tâm gì đến bệnh của chồng. Giận vợ vì thái độ thờ ơ, ông Cần lén đục két “trộm” tiền nhà. Nhận định tài sản ông Cần trộm cũng là tài sản chung do vợ chồng tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân nên tòa tuyên ông vô tội.
|
Vợ chồng ông Cần, bà Mén. |
Chuyện của vợ chồng ông Cần lẽ ra chỉ cần “đóng cửa bảo nhau”, nhưng vì thiếu sự cảm thông, chia sẻ, đã dẫn đến việc đưa nhau ra tòa. Bà Mén cho biết: “Ổng biểu “đưa tiền đi chữa mắt”! Tôi thấy mắt ổng chỉ hơi sưng, độ dăm bữa sẽ hết, nghĩ ổng nói quá nên tôi làm lơ. Đâu ngờ ổng bị tàu lá chuối đâm vào mắt gây chấn thương, phải lên Sài Gòn mổ gấp”.
Chưa hết, “trộm” tiền xong, ông Cần làm nư không chịu thú nhận, “để vợ biết tay”. Hiểu lầm nối tiếp hiểu lầm, bà Mén nghĩ có kẻ trộm đột nhập nên trình báo công an… Ông Cần kể: “Bả đi trình báo cũng đâu thèm nói với tôi, nếu không thì tôi đã nhận ngay”. Bà Mén áy náy: “Lúc ổng kêu ổng lấy, tôi tá hỏa, xin để vợ chồng tự giải quyết nhưng không kịp nữa rồi”.
Cả hai đổ lỗi cho nhau “không chịu nói, ai biết!”. Bà Mén ngậm ngùi: “Hồi mới cưới, cái gì cũng san sẻ với nhau. Sau này ổng ham chơi, vợ chồng giận hờn như cơm bữa, thêm lo làm ăn vất vả nên chuyện vợ chồng ngồi lại với nhau, nói điều mình muốn, mình nghĩ gần như không còn nữa”. Sau chuyện kiện nhau ra tòa, giờ ông bà xác định: “Từ nay, chúng tôi sẽ cởi mở chia sẻ mọi chuyện, tránh hiểu lầm không đáng có”. Phải đợi đến lúc trải qua biến cố, người trong cuộc mới nhận ra tầm quan trọng của việc giao tiếp, chia sẻ với nhau những tâm tư, tình cảm trong quá trình sống chung. Thiếu sẻ chia, không bộc bạch tâm tư khiến cảm xúc tiêu cực mỗi ngày một tích tụ, đè nén, lớn dần, đến lúc nào đó sẽ phát tác thành ngọn lửa thiêu đốt hạnh phúc, gây đổ vỡ.
Cách đây không lâu, TAND TP.HCM xét xử Nguyễn Thị Mỹ Linh (ngụ Q.Bình Tân), tuyên phạt tám năm tù giam vì tội giết con, mà nguồn cơn cũng từ việc vợ chồng không chia sẻ. Thấy chồng suốt ngày nhậu nhẹt, bồ bịch rồi về đánh đập vợ con, Linh ghen tuông, hờn giận đến mức chán ngán cuộc sống, bị trầm uất. Không chia sẻ được với chồng, người thân khiến Linh luôn thấy mình cô đơn, bế tắc nên đã tìm cách tự tử. Trong lúc quẫn trí, Linh sát hại luôn đứa con gái chưa đầy ba tuổi. Kết quả, Linh sống nhưng con gái phải nhận cái chết oan uổng. Trong phiên xử, người chồng đã thành khẩn nhận lỗi, nhận ra chính sự vô tình, thờ ơ của mình khiến vợ nhen nhúm ý định tìm đến cái chết mà không hề hay biết.
Những hệ lụy không đáng có
Theo bà Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Trung tâm tư vấn Hồn Việt, nguyên nhân khiến truyền thông vợ chồng “mất dần”, phần lớn do người trong cuộc không còn tôn trọng nhau. Họ chọn cách im lặng theo hướng không cần phải chia sẻ, cho là có nói cũng không ăn thua. Giao tiếp vợ chồng lúc này nhường chỗ cho những suy nghĩ tiêu cực về nhau dẫn đến nhiều hệ lụy, hiểu lầm không đáng.
Anh Quang (ngụ Q.Tân Bình), do không thể “ngồi lại” với vợ là chị Ly để tìm sự cảm thông, đã tìm kiếm sự sẻ chia bên ngoài. Mười năm làm việc cho một công ty phần mềm, anh Quang bất ngờ nằm trong danh sách bị cắt giảm nhân sự. Biết chuyện, Ly làm “ầm” lên, cho là chồng vô dụng, bất tài mới bị sa thải. Năm tháng chồng thất nghiệp, Ly trở nên kiệm lời, lại xuất hiện những hành động kiểu “đá thúng đụng nia”. Thấy vợ cáu bẳn, Quang cũng không buồn nói chuyện, càng tránh gặp vợ nhiều hơn. Tìm đến bạn bè, ngồi đồng quán xá để giải khuây, Quang nghĩ, khi công việc trở lại, mọi thứ sẽ thay đổi.
Nhưng chồng càng ra ngoài nhiều, dùng tiền nhà để tụ tập bạn bè giải tỏa ẩn ức, Ly càng “ghét” chồng, vợ chồng phát sinh chiến tranh lạnh. Do đó, khi chuẩn bị đầu quân về chỗ làm mới tốt hơn, thay vì báo tin vui với vợ, Quang lại chọn Quỳnh - cô đồng nghiệp ở công ty cũ, người thường động viên, trò chuyện với anh - làm người đầu tiên để chia sẻ niềm vui. Quỳnh nhắn tin chúc mừng Ly khiến Ly càng nghi vấn. Trách chồng đụng chuyện gì cũng kể Quỳnh nghe, coi Quỳnh hơn mình, Ly đâm ra nghi ngờ chồng có quan hệ bất chính. Những chì chiết của vợ, cộng với tổn thương cũ khiến Quang càng thêm mệt mỏi, chỉ muốn ly hôn.
Gửi đơn đến Báo, chị Trần Thị D. (huyện Hóc Môn) nhờ “vạch tội” mẹ chồng đã cố tình chia rẽ, đẩy quan hệ vợ chồng chị đến bước đường ly hôn. Sau ngày cưới, nghe lời mẹ chồng, D. gom hết tiền mừng, vàng vòng đưa bà giữ. Dù không vừa ý nhưng chị vẫn cố tỏ ra vui vẻ để lấy lòng mẹ chồng. Nào ngờ, nhiều lần mẹ chồng tự ý lấy tiền tiêu xài, sau đó mới báo cho con trai. Giận mẹ chồng thiếu tôn trọng mình, D. quay sang đổ lỗi, trách móc chồng. Chồng D. thương mẹ, chọn cách im lặng, lao vào làm việc nhiều hơn để kiếm tiền về “trả” nợ vợ.
Thấy các con hay gây cãi, mẹ chồng đâm ghét nàng dâu, thường xuyên bóng gió, chửi bới khiến D. phải bỏ về Tân Phú sống với gia đình mình. Chồng điện thoại, D. không nghe máy, chồng nhắn tin, D. không trả lời. Ba tháng sau, D. nghe tin chồng đang quen người khác qua sự mai mối của mẹ chồng. Hiện vợ chồng D. đang hoàn tất thủ tục ly hôn. “Tố cáo” mẹ chồng nhưng D. cũng thừa nhận, giá như vợ chồng chị có một cuộc nói chuyện thẳng thắn với nhau, có thể đã giải tỏa khúc mắc trước khi quá muộn…
Bà Nguyễn Thị Tâm cho rằng: “Vợ chồng cần xem giao tiếp là nhu cầu thiết yếu của đời sống hôn nhân, từ đó duy trì thói quen “phải nói” khi gặp chuyện. Xác định nói để hiểu nhau hơn thì khi gặp chuyện sẽ dễ dàng ngồi lại, tìm hiểu, trình bày quan điểm, ý muốn, cảm xúc của mỗi người”. Không chỉ bằng lời nói, truyền thông vợ chồng còn thông qua hành động, sự quan tâm đến nhau. “Trong lúc gây gổ, im lặng cũng là cách giao tiếp, với điều kiện sau đó vợ chồng ngồi lại chuyện trò, tháo gỡ vướng mắc. Hoặc vợ chồng đang giận dỗi, mâu thuẫn, chỉ cần một cử chỉ nhỏ như rót cho ly nước, phụ nấu bữa cơm, hỏi han công việc cũng là sự giao tiếp, giúp xua tan những cảm xúc tiêu cực đang len lỏi trong lòng” - bà Tâm khuyến cáo.
Theo PNO
0 nhận xét:
Đăng nhận xét