Già néo đứt dây
Cơ quan tổ chức tiệc chiêu đãi khách hàng, biết anh đang ở đó, em đến thẳng bàn tiệc, lệnh: “Mai mốt các anh đừng rủ rê chồng em nhậu nhẹt, tiệc tùng thế này, để anh về sớm lo cho vợ con”. Anh xấu hổ, ngượng ngùng, đành theo em ra về cho yên chuyện. Mấy ngày sau, anh bị giám đốc giáo huấn phải “dạy lại vợ”. Chính giám đốc cũng ngồi tại bàn nhậu khi em chỉ trích.
|
Em nghĩ ra nhiều chiêu độc để “trị” chồng, vì em cho rằng “đàn ông cần được quản kỹ, thả lỏng dễ hư hỏng”. Nhìn lại, anh là người chồng, người cha tương đối mẫu mực. Anh dành thời gian đỡ đần việc nhà với em nhưng cũng có lúc cần phải ra ngoài giao tiếp. Vậy mà em lại thường “cản mũi”. Đôi khi, em bướng đến mức kỳ cục, không cần biết đến cảm giác của người khác. Anh luôn là người thua cuộc để giữ gia đình êm ấm. Anh đã tìm nhiều cách để giúp em sửa đổi tính tình, nhưng “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”.
Những lần đi du lịch để tạo mối quan hệ công việc, mọi người dẫn vợ theo hậu thuẫn nên anh động viên em cùng đi. Khi chuyện trò, em vô tình hay cố ý “kể tội” anh. Qua lời nói của em, anh trở thành người đàn ông một dạ hai lòng. Anh buồn vô cùng, nhưng chẳng lẽ vì vậy mà làm to chuyện, vợ chồng cãi vã, mất vui. Anh có bao nhiêu bạn thân, em đều biết. Em in cả danh sách điện thoại dán ở phòng khách để dành dò hỏi anh đang ở đâu. Thỉnh thoảng, nhóm bạn cà phê, đứa nào cũng “nể” em: “Sư tử nhà mày có ra không, để tụi tao còn biết đường rút?”.
Hôm trước, anh họp lớp đại học, lâu ngày gặp lại bạn bè cũ, anh đã báo em trước. Vậy mà buổi họp mặt chưa được 30 phút, em dắt con đến và ca bài ca muôn thuở: “Anh không lo vợ con, gia đình chỉ một tay em quán xuyến”. Ở quán đông người, anh mắc cỡ ngồi im lặng. Mấy người bạn thì cười gượng, nói vài câu chữa quê cho anh. Có lẽ em nghĩ càng ca cẩm về chồng trước đám đông thì chồng sẽ tiến bộ hơn?
Sau bốn năm cưới nhau, em là giấc mơ của đời anh. Em nghỉ làm ở nhà chăm sóc con, anh biết em chịu nhiều thiệt thòi nên luôn cố gắng bù đắp. Nhưng em có bao giờ nghĩ người đàn ông hy sinh nhiều cho gia đình, họ cũng mong nhận được sự thông cảm, chia sẻ của người bạn đời? Anh chỉ cần em biết điều, tế nhị hơn. Sự chịu đựng của anh có giới hạn. Anh lo lắng khi con lớn lên từng ngày. Sẽ là không tốt nếu con học theo tính khí của mẹ hay sự nhẫn nhục, chịu đựng quá mức của ba.
Theo PNO
0 nhận xét:
Đăng nhận xét