Vỏ không ruột
Chồng chị từng có vợ. Tuy họ không còn ràng buộc về mặt pháp luật nhưng đã có con với nhau và cha mẹ anh đang cưu mang hai đứa trẻ ấy.
Bơ vơ trong đêm giữa xứ lạ, chị không biết đi đâu ngoài việc đón xe trở lại chốn cũ. Ba má chị đã đưa con gái về nhà chồng lần nữa, ngay sáng hôm sau, để xin lỗi sui gia. Má chị phán như đinh đóng cột: đã cưới hỏi, cớ sự có ra sao chăng nữa thì hai đứa vẫn là vợ chồng.
Họ có với nhau ba con gái. Chị ở nhà nội trợ, chăm sóc chồng con, kể cả hai con trai riêng của anh. Chồng chị gia trưởng. Chính vì điều đó mà người vợ trước đã không chịu đựng nổi. Thói quen chồng chúa vợ tôi tiếp tục diễn ra đối với chị. Ỷ thế là trụ cột kinh tế, anh “hành” chị đủ điều, thỉnh thoảng còn đánh vợ. Chị sợ chồng. Tuy vậy, những khi vượt quá giới hạn chịu đựng, chị cũng to tiếng cãi lại. Vợ chồng xô xát, ầm ĩ. Hàng xóm chứng kiến không biết bao lần.
Hết chị rồi đến cả anh, đều vài lần viết đơn ly hôn. Lần nào cũng vậy, gia đình hai bên họp lại phản đối. Ông bà sui gia có vẻ rất “tâm đồng ý hợp” về chuyện “giữ gìn mái ấm” cho vợ chồng chị. “Bây nói không có tình yêu sao lại sống được cùng nhau từ đó tới giờ?”, “Không có tình yêu mà sinh một lèo ba đứa?”, “Hồi mới cưới bỏ nhau còn không được, giờ con cái đùm đề, nói ly hôn là ly hôn sao?”.
Thời gian trôi, con cái lớn khôn, cha mẹ hai bên đều đã già. Giờ đây, sắp hai thứ tóc trên đầu, không ai có thể cấm cản hay xen vào “chuyện hôn sự” của anh chị nữa. Đến lúc có thể tự do quyết định đời mình thì chị lại… lười biếng ra tòa. Với chị lúc này, “ly” hay “không ly” cũng là sống một mình. Thôi thì cứ sống vậy cho con cái khỏi hụt hẫng. Hơn chục năm trở lại đây, chị và anh chung nhà nhưng “riêng” mọi thứ: ăn riêng, ngủ riêng, cả tình cảm cũng riêng. Biết chồng đã nối lại quan hệ với vợ cũ nhưng chị không buồn ghen. Thậm chí, chị còn mong chồng dọn hẳn sang nhà bên ấy “cho khỏi chướng mắt”.
Các con đều đi làm, đi học xa. Ở nhà một mình buồn, chị quyết định phụ bếp cho một nhà hàng. Đằng đẵng bao nhiêu năm trói chân trong nhà, nay bước ra ngoài giao tiếp, chị mới thấy mình thật sự đang sống. Chỉ vài tháng, chị được "thăng chức", điều hành toàn bộ khu bếp. Chồng cũng có vẻ nể nang phần nào từ khi chị làm ra tiền và biết chăm chút bản thân. Anh bắt đầu hạch hỏi khi thấy vợ có người đưa kẻ rước. Phớt lờ mọi thứ, chị quyết định “cặp bồ”.
Không “điều khiển” vợ được nữa, anh đành xem như chẳng có chị trong nhà. Họ sống với nhau như thế, một kiểu hôn nhân vừa lỏng lẻo, vừa ngục tù. Lâu dần, vợ chồng chị quen nếp, không còn muốn bước ra khỏi nó nữa.
Cuộc hôn nhân “vững bền” của họ là “vỏ không ruột”. Anh chị chưa ly hôn, chẳng phải vì coi trọng mối quan hệ vợ chồng. Chính những mâu thuẫn dẫn đến lối sống tùy tiện trong hôn nhân của họ đã khiến các con vô cùng bất mãn. Nếu anh chị ly hôn, sau đó có đời sống tình cảm “minh bạch” hơn, có lẽ những đứa trẻ trong gia đình đỡ phải “vướng” các hệ lụy. Ly hôn đối với họ thật sự là giải pháp tốt.
Một khi hôn nhân đã đến bờ vực thì việc ly hôn là cần thiết. Lâu nay chúng ta chỉ hay nói đến những vấn đề phát sinh sau ly hôn, ít đề cập điều ngược lại. Nếu “sứ mệnh” của hôn nhân đã hết, việc cố gắng để nó tồn tại cũng gây nhiều hậu quả. Không thể vì xã hội ngày càng có nhiều vụ ly hôn, hoặc vì con cái, vì thể diện, vì trăm ngàn lý do khác… mà cố gắng duy trì một cuộc hôn nhân đã chết. Nếu chỉ “vững bền trong hờ hững” thì có thật sự tồn tại? Hôn nhân được ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng giá trị của nó thực chất lại nằm ở lòng người.
Theo PNO
0 nhận xét:
Đăng nhận xét