Tổn thương… vô lý
Nói là nói vậy nhưng khi buông điện thoại, chị lại thấy nôn nao, hồi hộp. Có gì liên quan đến anh nhỉ? Hẳn là một kỷ vật của tuổi thơ anh. Chị phì cười khi nghĩ đến bức ảnh một cậu bé thuở cởi truồng tắm mưa, nhưng lòng chị chợt chùng xuống, lợn cợn cảm giác ghen hờn, nhỡ đâu, đó là ảnh anh với Hoa - mối tình đầu của anh, đang kề vai hay nắm tay nhau.
Hóa ra, không phải ảnh mà là một lá thư, tên người nhận là anh, 20 năm qua ngủ im lìm trong tủ sách gia đình. Chị mở thư, những con chữ tròn trịa, nắn nót trêu ngươi: “Khi nào thu xếp được, em vào đó thăm anh. Lần này, đừng… thế nữa anh nhé!”. Thấy mặt chị sa sầm, cô em chồng oang oang, kéo chị về thực tại: “Đừng ghen nha bà. Kỷ niệm thôi, ai không có một thời!”. Vờ ừ ừ à à mà ngực chị nhói đau. Chuyện tình cảm của chồng, đâu phải chị không biết.Yêu nhau thời đại học, ra trường, Hoa về Bắc làm việc nên cũng dần xa anh. Rồi Hoa có chồng, anh “ở vậy” đến ba năm sau thì gặp chị. Biết và hiểu rõ nhưng chị không sao tránh khỏi những cơn hờn ghen. Lá thư của Hoa cho chị một hình dung giây phút anh âu yếm cô gái không phải là mình.
Chị về nhà, ngồi bần thần. Vừa lúc anh đấu xong ván cờ từ hàng xóm trở về. Thấy chị, anh hồ hởi: “Dọn dẹp nhiều không em? Giờ anh bắc nồi cơm nha!”. Không dưng chị cáu: “Tôi thì về nhà anh phục dịch, anh rảnh rang chơi bời đến không thèm bắc cho nồi cơm”. Anh thu lại nụ cười, hỏi: “Em nói gì?”,“Tôi nói số tôi khổ nên mới lấy anh. Sao hồi đó anh không cưới bà Hoa bà hòe gì đó cho tôi nhờ”. Anh ngỡ ngàng, lẳng lặng bỏ vô bếp. Chị lao theo: “Không ngờ anh ghê gớm vậy, tí tuổi đầu đã ăn tươi nuốt sống người ta”. Chị thọc túi lấy lá thư chìa ra trước mặt. Khựng lại giây lát, anh bất ngờ nổi nóng: “Ở đâu cô có?”. Chị nhếch miệng: “Gói không kỹ ắt lòi ra thôi”. “Cô im đi”, anh giật lá thư rồi đùng đùng bỏ đi. Đêm ấy và cả một tuần sau nữa, chị và anh không nói với nhau nửa lời, không khí gia đình nặng trĩu.
Chị Hai ghé chơi, hỏi thăm, chị tình thật kể lại chuyện từ lá thư đến cuộc cãi vã. Chị khẳng định, lá thư ấy như giáng một cú thật mạnh lên cuộc sống của chị, khiến chị bị… tổn thương, thất vọng. Mỗi khi nhắm mắt lại là chị hình dung cảnh họ... “với nhau”. Rồi chị rấm rứt khóc. Chị Hai dỗ: “Tổn thương, thất vọng cái gì lạ vậy. “Thằng đó” trong quá khứ chứ có phải hiện tại đâu. Ai đời lại đi tổn thương vì “cái thằng” hồi mình chưa quen biết”.
Chị Hai chuyển giọng xa xăm: “Bộ bài học từ con Tiên không giúp được gì cho em?”. Tiên là con gái của chị Hai, mới ly hôn cách đây hai tháng sau ba năm vợ chồng. Hơn một năm trước, Tiên bất ngờ nhận được cú điện thoại kêu… giao con. Hỏi, chồng Tiên thú nhận, hồi đó có quen một cô, từ yêu đến chia tay chưa đầy nửa năm, hoàn toàn không hay biết sự có mặt của đứa trẻ. Người cũ phân trần: “Lúc chia tay, cái thai còn rất nhỏ. Tôi tính nuôi một mình nhưng hoàn cảnh khó quá!”.
Vợ chồng Tiên không chịu, người cũ kiện nhận cha cho con. Kết quả ADN, đứa trẻ sáu tuổi đó là con của chồng Tiên, tòa tuyên phải trợ cấp mỗi tháng ba triệu đồng. Tiên chết sững, chồng Tiên dằn vặt, ngơ ngác. Vậy là hai đứa gây nhau. Chồng Tiên hứa, trong lòng chỉ có Tiên, sẽ chăm lo cho mái ấm này và vì là người có trách nhiệm nên cũng sẽ chu đáo với đứa trẻ kia. Nhưng,Tiên không vượt qua nổi chính mình, cảm thấy tổn thương, không chấp nhận được sự thật đó.
Chị Hai phân tích: “Con tổn thương chi mà… vô lý! Nên quý trọng người chồng của hiện tại, biết yêu vợ, lo toan cho gia đình. Quá khứ đã rồi, thuở ấy nó mới mười chín, đôi mươi, chín chắn sao được”. Tiên vẫn quyết ly hôn, tự phá vỡ hạnh phúc của chính mình vì tổn thương với “chàng trai nông nổi” trước khi là chồng mình. Chị Hai kết: “Có đáng không? Mình sống với hiện tại mà để quá khứ làm tổn thương, vô lý gì đâu!”.
Chị Hai đứng dậy, liếc xuống bếp, lạnh tanh rồi thở dài: “Cứ điệu này, nó theo con khác mới thấm thía tổn thương thiệt đó nghe em!”. Chị giật mình, cũng vì cái tổn thương hết sức vô lý đó mà mươi bữa nay, cơm nước mạnh ai nấy ăn, chồng chị hôm nào cũng quá nửa đêm mới về, say ngật ngưỡng.
Theo Tuyết Dân
PNO
0 nhận xét:
Đăng nhận xét