Đồng tính là xu hướng tính dục bình thường của loài người - Thanh Tra
(Thanh tra) - Góp ý cho việc sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình, tác giả Phạm Mạnh Hà đã có bài "Hôn nhân đồng tính và những hệ lụy" thể hiện những quan điểm của cá nhân anh. Sau khi Báo Thanh tra đăng tải, chúng tôi nhận được phản hồi của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (gọi tắt là iSEE). Báo Thanh tra giới thiệu bài viết của ông Lê Quang Bình, Viện trưởng iSEE. Để phù hợp với tôn chỉ hoạt động, Báo Thanh tra xin biên tập và đặt lại tít bài viết. >> Hôn nhân đồng tính và những hệ lụy Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trong thư gửi cho Giám đốc ICS khẳng định “tôi luôn bày tỏ quan điểm của mình tại các diễn đàn có liên quan về quyền bình đẳng mọi công dân thuộc mọi giới tính khác nhau tồn tại trong đời sống xã hội hiện tại”. Hay GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội), trong Hội thảo “Người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) - quy định pháp luật và quan điểm của cộng đồng” do Viện Nghiên cứu Lập pháp và Viện iSEE tổ chức đã phát biểu “cần phải đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, trong đó có người LGBT”. Bên cạnh đó, một vài chuyên gia về luật và xã hội học đã lên tiếng phản đổi hoặc không ủng hộ hôn nhân đồng tính vì lý do “hôn nhân đồng tính không sinh sản được” để duy trì nòi giống. Phải nói rằng, người đồng tính cũng như những người đàn ông và đàn bà dị tính, họ hoàn toàn có khả năng sinh sản. Khi Nhà nước hỗ trợ họ, như những cặp gia đình khác giới không có khả năng sinh con, hoặc những người mẹ đơn thân, thì họ hoàn toàn có khả năng sinh con và duy trì nòi giống. Ở tầm cỡ quốc gia, các nghiên cứu khoa học đã khẳng định việc các nước đã thừa nhận hôn nhân cùng giới hàng chục năm trước đây, hôn nhân cùng giới không hề ảnh hưởng đến dân số của họ. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 từng cấm người vô sinh kết hôn. Tuy vậy, quy định phân biệt đối xử này đã bị loại bỏ, pháp luật không xem xét khả năng sinh con để quyết định một người có quyền lập gia đình và mưu cầu hạnh phúc hay không. Nhưng trên hết, dù một cá nhân, hoặc một cặp đôi không sinh con (vì họ không muốn, hoặc họ không có khả năng) họ phải được đối xử công bằng. Nếu không, sự phân biệt đối xử này sẽ gây ra các hệ lụy như tư tưởng phải quan hệ tình dục cho chắc chắn có con rồi mới quyết định kết hôn. Hoặc cặp đôi nào không có con vì lý do sinh học, họ sẽ dễ dàng rời bỏ nhau và gây ra đổ vỡ gia đình. Các phân biệt đối xử này, sẽ làm tổn hại đến giá trị quan trọng nhất của hôn nhân, mà luật Hôn nhân gia đình đề cập đến, đó là hôn nhân phải dựa trên tình yêu và sự tự nguyện. Thế nên, gần đây có tác giả cho rằng “đồng tính là hiện tượng không nên mong muốn” khi bình luận về hôn nhân cùng giới, có thể bị diễn giải theo hướng tiêu cực. Cần khẳng định: Không phải người đồng tính sinh ra người đồng tính, mà đa số cha mẹ dị tính sinh con là người đồng tính, và tỉ lệ người đồng tính luôn ổn định từ 3 - 5%. Nói cách khác, người đồng tính giống như người thuận tay trái, hay người có nhóm máu hiếm luôn tồn tại cho dù họ là thiểu số. Chính vì vậy, dù có loại bỏ hết người đồng tính đã được sinh ra, thì những người đồng tính khác sẽ tiếp tục được sinh ra bởi các cặp đôi dị tính khác. Hơn nữa, đồng tính là xu hướng tính dục bình thường của loài người, thể hiện sự đa dạng của tự nhiên nói chung và loài người nói riêng. Nếu loại bỏ đồng tính, không những là loại bỏ những người bình thường xung quanh như con cái, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp, mà cả những người đã cống hiến cho sự tiến bộ của nhân loại trong tất cả các lĩnh vực như triết học (Michel Foucault), nghệ thuật (Tchaikovsky, Arthur Rimbaud, Paul Verlaine,) chính trị (Johanna Singurdardottir) hay khoa học (Leonardo da Vinci). Đa số con người không sống cô độc, mỗi chúng ta là thành viên trong một gia đình, cộng đồng. Đây chính là bản chất tự nhiên hình thành từ Tổ tiên xa xưa. Mỗi người không phải là một chiến binh đơn lẻ, mà là những thành viên biết chăm lo cho các thành viên khác trong nhóm. Đây chính là lòng vị tha, là năng lực tư duy và hành động theo mong muốn của người khác. Cùng với lòng vị tha, con người còn có phẩm giá - đó là năng lực hướng thiện, không làm tổn hại người khác - và lòng tự trọng - đó là mong muốn ứng xử có đạo đức, phân biệt đúng sai. Đây chính là những giá trị rất con người để hình thành con người. Một người có lòng vị tha, phẩm giá và lòng tự trọng luôn luôn hành xử nhân văn dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đây chính là những giá trị thôi thúc họ suy nghĩ, quyết định và hành động trong cuộc sống. Những giá trị này đôi khi mạnh hơn thông tin kiến thức họ có, dư luận hoặc sự sợ hãi. Điều này rất quan trọng vì họ tin vào điều đúng sai, vào cái tâm của một con người. Đạo đức và phẩm giá, sự công bằng và tình yêu thương con người mới là giá trị điều khiển các quyết định về con người. Có như vậy, dù bất cứ là ai, khác biệt về bất cứ điều gì như tình trạng cơ thể, trí tuệ, xuất thân, giới tính hay xu hướng tính dục đều không bị đe dọa đến tính mạng và quyền con người của mình. Có như vậy xã hội mới ổn định và phát triển, con người mới được tự do và mưu cầu hạnh phúc.
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét