Vợ "được voi đòi tiên"
Nghe hai vợ chồng lục đục, má kêu về hỏi nguyên do. Má bảo: “Chồng bây hiền lành, chịu khó, cưng mấy đứa nhỏ bằng trời. Bây đừng có được đằng chân lân đằng đầu, bức bách nó quá thì già néo đứt dây”. Chị cười khùng khục, lý lẽ của má cũ rích.
Thời nay, đàn ông “áo rách” là không có chí cầu tiến. Vợ thấy chồng “áo rách” cũng thương là… vợ tệ. Chồng “áo rách”, phải động viên chồng kiếm tiền sắm áo mới. Thậm chí phải nói khích, đe dọa tui sẽ bỏ ông cho mà coi. Ổng hoảng, phải nghĩ trăm phương ngàn kế kiếm tiền…
Bữa cơm chiều nay, nhân lúc chồng đang vui vẻ, chị lựa lời nhắc nhở: “Anh nhớ anh Huy bạn cùng quê với mình không, mới đổi nhà vô khu Phú Mỹ Hưng rồi. Công nhận ảnh giỏi quá xá. Còn mình, anh tính bao giờ đổi cái ổ chuột này đây? Em chán lắm rồi”. Anh đang nhai ngon trớn, bỗng dưng nổi quạu: “Đủ rồi! Biết đây là lần thứ mấy em khoe người ta rồi so sánh với anh không? Anh cày ngày hơn 14 tiếng em còn chưa vừa bụng là sao? Thiệt chịu hết xiết”.
Chồng hầm hầm đặt chén cơm ăn dở xuống mâm, bỏ vô phòng nằm. Hai đứa nhỏ nháy nhau lùa vội chén cơm rồi rút ra phòng khách. Mình chị chống đũa ngồi lại với mâm cơm gần như còn nguyên. Chị cũng ăn hết vô, càng nghĩ càng tức…
Thời trẻ, chị có nhiều người theo đuổi. Người mồm mép quá thì sợ không thiệt lòng với mình. Người giỏi tính toán làm ăn thì sợ lắm mưu mô. Chỉ có anh là hiền lành, thương chị thiệt bụng. Chị chọn anh là chọn sự an toàn. Không ngờ, lấy nhau rồi, chị lại thấy bất an, khổ sở vì bản tính hiền lành của chồng.
Nói nào ngay, lúc sinh cu Bi, anh cũng chịu khó làm thêm kiếm tiền mua sữa cho con, nhưng trong khi con người ta bú sữa ngoại thì con mình cứ sữa nội làm tới. Chị nóng ruột nhưng thấy con mạnh cùi cụi nên cũng không nỡ trách chồng. Tới đứa thứ hai, không những chồng cày mà vợ cũng phải cày mới kiếm đủ tiền lo cho cả hai đứa. Cật lực gần 20 năm, vợ chồng mới mua được căn nhà nhỏ xíu, thoát cảnh ở thuê. Có nhà rồi nhưng không dám để bạn bè tới chơi. Người ta ở nhà rộng rinh, nhà mình không bằng nhà để xe của thiên hạ. Nghĩ mà tủi.
Ảnh minh họa |
Bạn bè thấy chị lẹt đẹt mãi cũng thương, rủ làm ăn lớn. Anh đắn đo suy tính, sợ mấy đồng góp nhặt trầy trật, tính toán không sáng suốt là đi tong. Người ta có tiền thua keo này bày keo khác, mình chỉ có mấy đồng lẻ, thua là trắng tay. Thành ra, chồng an phận làm công chứ không mơ làm ông chủ. Chị sốt cả ruột, giận cành hông.
Nghe vợ chồng con gái lục đục, má kêu về hỏi nguyên do. Má bảo: “Ông bà ta dạy “Chồng ta áo rách ta thương, chồng người áo gấm xông hương mặc người”. Chồng bây hiền lành, chịu khó, cưng mấy đứa nhỏ bằng trời. Bây đừng có được đằng chân lân đằng đầu, bức bách nó quá thì già néo đứt dây”. Chị cười khùng khục, lý lẽ của má cũ rích. Thời nay, đàn ông “áo rách” là không có chí cầu tiến, không chịu phấn đấu. Vợ thấy chồng “áo rách” cũng thương là… vợ tệ. Chồng “áo rách”, phải động viên chồng kiếm tiền sắm áo mới. Thậm chí phải nói khích, đe dọa tui sẽ bỏ ông cho mà coi. Ổng hoảng, phải nghĩ trăm phương ngàn kế kiếm tiền… Má nghe xong thở dài “kiểu này vợ chồng bây lục đục hoài là cái chắc”.
Má phán y chang… thầy bói, vợ chồng chị dăm ba bữa lại cắng đắng nhau. Chị nghĩ mình khổ mà không ai thấy cái khổ của mình, cứ cho là mình sướng mới tức. Bữa đi họp lớp, đám bạn cũ đứa nào cũng đi xe riêng, đeo hột xoàn lấp lánh, chỉ có vợ chồng chị là ì ạch dắt chiếc xe số. Chạm phải nụ cười nửa miệng của cha giữ xe nhà hàng mà chột dạ, cứ nghĩ chả đang cười mình, càng thêm tự ái. Lúc hàn huyên tới chỗ gan ruột, nhỏ Lan - vợ của Huy, người mới đổi nhà vô Phú Mỹ Hưng - bỗng dưng than: “Hồi còn nghèo, vợ chồng sớm tối có nhau, giờ ổng chỉ lo sớm tối với thiên hạ, gần sáng mới mò về là thường, có khi suốt mấy ngày không thấy mặt. Hai đứa nhỏ đòi cha đưa đi bơi, học võ…, ổng xì tiền ra, bảo nhờ cậu, chú đưa đi. Nản hết biết”. Nhỏ Hồng nước mắt ngắn dài: “Vậy cũng còn đỡ, chồng mình lập luôn phòng nhì. Ổng kiếm được 10 đồng, mang về sáu đồng, còn bốn đồng nuôi vợ nhỏ. Mấy mẹ con thấy vậy chứ không biết ra đường lúc nào”...
Trên đường về, chiếc xe cà tàng tắt máy. Chồng tắp xe, biểu vợ đứng sát vô trong kẻo nguy hiểm rồi mở cốp, lau lau chùi chùi cái bu-gi. Xe lại nổ máy ngon lành, ngồi sau lưng chồng, chị "tranh thủ" ngẫm nghĩ lời bạn bè nói, thấy chồng mình dù “áo rách” nhưng có nhiều ưu điểm: không nhậu nhẹt bê tha, hết lòng vì vợ con, cũng chịu khó cày bừa. Vậy mà lâu nay mình cứ ham hàng hiệu mà chê "áo rách". Ngẫm nghĩ, thấy thương, thấy tội cho “áo rách” của mình quá...
Theo PNO
0 nhận xét:
Đăng nhận xét