Không cam lòng bỏ chồng
Ly hôn để thằng chả rước con kia về nhà, rồi thì “con mình nó sai, chồng mình nó xài” à? Uất nghẹn dâng đến tận cổ, nên nhất định là không cam lòng. Sống cùng sống, chết cùng chết, mình khổ sở thì bắt hắn cũng phải khổ gấp năm gấp mười lần mới đáng!
Ly hôn làm gì?
Phát hiện ra sự phản bội của chồng là chuyện không dễ. Nhưng, phát hiện ra rồi làm gì tiếp theo mới là câu hỏi thiên nan vạn nan. Nhiều chị vật vã khóc than, nhiều chị ghen lồng lộn đến mất cả lý trí, nhiều chị viết xoạch một tờ đơn ly hôn khăng khăng anh đường anh, tôi đường tôi… Nhưng, cũng có nhiều chị quyết duy trì hôn nhân bằng mọi giá. Không phải họ muốn sửa chữa sai lầm, muốn tha thứ, mà vì muốn giam cầm kẻ phản bội kia đến suốt đời, trong một án chung thân khổ sai không bao giờ có chuyện mãn hạn tù hay ân xá. Họ không cam lòng ly hôn!
Chị H., người đã sống trong cảnh giằng co này bốn năm, bức xúc chia sẻ: tại sao chồng mình ra ngoài bồ bịch về kiếm chuyện gây gổ với vợ con, còn đâm đơn ly hôn, chia chác tài sản? Bây giờ ly hôn thì “thằng chả” quá sướng: ôm một mớ tiền, có nửa căn nhà, gái xếp hàng theo; mẹ con tôi không còn nhà, làm sao sống? Mình thương con, tòa có buộc trách nhiệm hay không mình cũng sẽ dành hết đời mình lo cho con cái, còn “thằng chả” chắc gì đã thiết đến con. Nghĩ vậy nên chị nhất định không ly hôn. Cái nhà là của các con, sống chung, mỗi người một phòng. Chị bảo, “thằng chả” mà đưa con nào về đây, tôi xởn không còn cọng tóc!
Chị T.L. buồn tủi hơn: “Lẽ ra mình phải là người kiện ổng ra tòa vì tội vi phạm Luật Hôn nhân gia đình, đằng này mình cắn răng nín nhịn, chịu đựng tất cả để nuôi con, không ly hôn là may cho ổng lắm rồi, ổng còn kiện ngược, đòi ly hôn để đến với người tình”. Tòa xử ly hôn, chị kháng cáo. Chồng chị đã bỏ đi sống với người khác cả năm nay, mình chị thu vén nhà cửa, nuôi con, nên chị nhất định bắt chồng phải ra đi tay trắng, không được tơ hào một đồng một cắc tài sản của mẹ con chị. Biết khó mà được kết quả vậy, chị khăng khăng không chịu ly hôn.
“Khéo thua thì không mất”
Khi các chị quyết định như thế, cuộc sống hôn nhân đã không còn ý nghĩa tự nguyện, không mưu cầu hạnh phúc nữa, mà chuyển thành một cuộc cầm tù dài hạn, tra tấn lẫn nhau. Không phải không hiểu điều đó, nhưng nhiều chị “chấp nhận luôn”, bởi ý muốn trả thù mạnh hơn tất cả.
Thực tế, chưa chắc ai giam cầm ai. Có khi “tù nhân” vẫn vượt ngục, vẫn phong lưu vương tình khắp chốn, vẫn ngọt ngào hoa lá. Trong khi đó, “cai ngục” lại thành nạn nhân; khổ sở quay quắt với những ngăn cản, rình mò, bắt ghen, sợ hãi, khóc lóc, hận thù… chính các chị đã tự làm cho mình khô kiệt đi, phụ thuộc vào người khác bằng những cảm xúc tiêu cực. Còn đâu niềm vui sống khi năng lượng ngày một hao mòn, khi nọc độc hận thù tràn trong máu.
Chị H. thách thức: thì tôi “thí” cho vậy, cứ việc lén lút, cứ việc con này con nọ, nhưng công khai thì không bao giờ. Không con nào có quyền đường hoàng bước vào cổng nhà này. Một thời tuổi trẻ mình đã không tiếc, đã sinh con cho thằng chả, lau nhà, giặt giũ cơm nước cho thằng chả. Đến giờ, một thời trung niên của thằng chả cũng phải bỏ đó cho mình thì cũng đúng thôi. Một đổi một, công bằng!
Chẳng biết chị có khi nào tự hỏi: chẳng lẽ không có người đàn ông ấy thì chị không già đi? Không bao giờ xấu đi? Chẳng lẽ không sinh con với người đàn ông ấy thì chị không bao giờ sinh được con? “Tài sản” của tự nhiên sẽ tự nhiên mà mai một, có ai dùng mãi được, giữ mãi được. Sao lại đổ lỗi cho nhau vì những điều ai cũng có dự phần trong đó?
Chị ấm ức: lẽ ra mình mới là người đưa đơn, đâu lại có chuyện ngược đời như vậy... Đàn bà là vậy, đôi khi cay cú chuyện hơn thua nho nhỏ mà quên đi chuyện lớn. Dù ai đưa đơn trước, ai “đá” ai trước, mà mình chủ động đứng ra nhận “thua”, thì cũng có sao đâu! “Thua” sao cho đẹp mới là chuyện, theo binh pháp người xưa, biết cách thua là thắng, “khéo thua thì không mất”. Giằng co, nắm níu, biết đâu còn mất mát nhiều hơn.
Thật ra, cũng khó để mà “thua đẹp”, bởi lúc này mình đau đớn quá, chỉ muốn cào cấu cho người kia cũng rách da chảy máu, không thể có được hạnh phúc dễ dàng. Nhưng khi giam hãm đời nhau, chẳng có hạnh phúc nào lọt qua nổi những bùng nhùng kẽm gai của nhà tù. Hạnh phúc không thể đến với người kia thì cũng chẳng thể đến với mình.
Cuối đường đời, chỉ còn cai ngục và tù nhân bị trói chặt vào nhau trên sân khấu một vở kịch đã hạ màn từ lâu. Không ai trong họ còn chút ý nghĩa nào với người kia, những thứ mà họ từng canh giữ cũng đã tàn khuyết theo thời gian. Lúc ấy, cả tù nhân và cai ngục đều chẳng còn sức canh giữ điều gì nữa, mà tự do cũng đã không còn chút ý nghĩa nào nữa rồi.
Theo Hương Mai
PNO
0 nhận xét:
Đăng nhận xét