“Nếu thế thì vợ chồng để làm gì?”
Mỗi khi mẹ vợ xưng “tôi” và gọi “anh chị” là tôi biết sống chết gì mình cũng phải qua để năn nỉ, đón con gái của bà về. Mười lần như một, tôi luôn là người có lỗi trong mọi cuộc tranh cãi. Kết cục là tôi phải xin lỗi, làm lành, qua nhà cha mẹ vợ rước Quỳnh Như về. Không chỉ xin lỗi vợ, tôi còn phải xin lỗi cha mẹ, anh em của vợ vì đã trót làm phiền đến họ.
Nhưng lần này thì khác. Con gái tôi bảo: “Ba đừng đi, thử xem mẹ có biết đường về không?”. Con bé năm nay 15 tuổi. Nó đã không ít lần chứng kiến mẹ nó giận dỗi bỏ về nhà ngoại trong khi ba chẳng có lỗi gì. Tôi hỏi con: “Nói thật cho ba nghe đi, con thấy ba sai chỗ nào?”. Nó lắc đầu: “Con hỏng thấy chỗ nào hết. Chỉ có mẹ quá đáng, ăn hiếp ba. Đâu phải học cao, làm chức lớn rồi cái gì cũng đúng hết đâu? Con và Út Mi theo phe ba”.
Nghe con gái nói, tôi không nhịn được cười. Đúng là con nít.
Tôi quen Quỳnh Như trong một lần cô ghé tiệm hủ tiếu của má tôi ăn sáng cùng mấy người bạn. Lúc đó có một bà khách nước ngoài muốn làm quen với nhóm bạn của Quỳnh Như nhưng không ai dám đại diện đứng ra nói chuyện với bà, tôi thấy vậy tự nguyện đứng ra làm phiên dịch bất đắc dĩ. Tôi chẳng giỏi giang gì, chẳng qua là nhờ dạn miệng, hay nói chuyện với khách đến quán ăn hủ tiếu nên mới biết nhiều như vậy.
Sau lần đó, Quỳnh Như hay ghé quán. Mới đầu tôi chẳng dám tơ tưởng nhưng dần dần, thấy hình như người ta cũng có cảm tình với mình nên tôi quyết định ngỏ lời. Không ngờ, Quỳnh Như đồng ý ngay. Về phần má tôi, bà “mừng hết lớn” vì có cô con dâu vừa đẹp, vừa giỏi giang. Đi đâu bà cũng khoe con dâu học cái gì gì đó mà còn cao hơn con trai bà vốn đã tốt nghiệp đại học ngành chế biến thực phẩm.
Những ngày ấm êm của hai đứa đã ra đi từ bao giờ?
Tôi mê công việc bếp núc từ nhỏ, thích chế biến món này, món kia cho ba má và mọi người trong nhà thưởng thức. Hồi còn ở quê, tôi còn nổi tiếng vì may vá khéo. Mới 12 tuổi, má tôi đã dám nhận đồ về nhà cho tôi may. Đến khi lên Sài Gòn, tôi bỏ nghề may chuyển sang nấu hủ tiếu phụ má.
Có thể nói cái chuyện nấu nướng đã trở thành máu thịt của tôi. Đến khi đi làm, tôi nhất quyết đòi làm ở bộ phận kỹ thuật để được chế biến, sáng tạo ra nhiều món ngon, nhiều mặt hàng xuất khẩu cho công ty. Đã mấy lần, giám đốc muốn bổ nhiệm tôi làm quản đốc rồi phó giám đốc công ty nhưng tôi nhất quyết từ chối: “Mấy anh không cho tôi làm chuyên môn thì tôi nghỉ chớ tôi nhất quyết không làm lãnh đạo”.
Trong lúc đó thì vợ tôi đi làm công ty nước ngoài lên vù vù, lương cao ngất ngưởng, chỉ tính bằng USD. Mà lạ lắm, mỗi lần vợ tôi lên lương, lên chức là tôi bị xài xể. Nàng nói tôi không có chí tiến thủ, an phận, thậm chí có lần nàng cho rằng tôi là một trong những kẻ ngu nhất thế gian này vì không ham chức quyền. Nàng bảo: “Nếu anh không vì bản thân thì cũng phải vì vợ con chớ? Anh làm ông này, ông nọ thì vợ con cũng được nở mày, nở mặt; có đâu lại lù khù như vậy?”. Tôi bảo nàng tính tôi không thích bon chen; mà ở công ty cũng không ai đè đầu cưỡi cổ để tôi phải vùng lên ngồi vào cái ghế của họ để “trả thù”. Tôi thấy mình an phận đúng như lời vợ tôi nói.
Điều đó có gì sai? Chính vì an phận mà tôi có thời gian đưa đón, dạy con học, chở con đi chơi. Chính vì an phận mà tôi đứng ngoài mọi cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực ở công ty mỗi khi có sự thay đổi lãnh đạo. Chính vì an phận mà tôi ngủ ngon mỗi đêm...
Thế nhưng cũng chính vì tôi an phận như thế nên vợ tôi không bằng lòng. Bây giờ nàng không thích ra ngoài cùng tôi; không muốn đi dự đám tiệc với tôi, không thích rủ bạn bè về nhà chơi để tôi đãi những món ngon do chính tay mình làm... Có lần nàng nói ở lại công ty làm sổ sách nhưng tôi phát hiện nàng đi tiếp khách với giám đốc công ty và uống rượu đến say mèm.
Hôm sau khi tôi đề cập đến chuyện đó thì nàng gân cổ lên cãi: “Em chẳng việc gì phải nói dối anh, chẳng qua là em thấy nói cũng chẳng ích lợi gì”. Tôi gay gắt: “Nếu thế thì chúng ta là vợ chồng để làm gì? Nếu anh làm như vậy, em có chịu không?”. Vợ tôi gật đầu: “Có gì đâu mà không chịu? Vợ chồng bình đẳng mà. Chưa kể anh còn thua em mấy cái đầu. Anh có giỏi thì phấn đấu cho bằng em đi rồi hẳng nói chuyện”.
Càng ngày những câu chuyện như vậy giữa chúng tôi càng dày lên. Tôi không hiểu sao Quỳnh Như lại thay đổi như vậy. Điều đáng nói là cứ mỗi lần vợ chồng gây gổ, nàng lại bỏ đi, sau đó về nhà mẹ ruột ngủ luôn bên ấy. Tất nhiên là mẹ vợ tôi lại gọi điện với câu mở lời là: “Anh đấy à? Sang mà đón chị ấy về...”.
Lần này thì sự việc còn tệ hơn. Tôi kể là công ty cử tôi ra nước ngoài 3 tháng để học thêm kỹ thuật chế biến thực phẩm; toàn bộ kinh phí công ty đài thọ. Không chỉ vậy tôi còn được hưởng phụ cấp; trong thời gian học, nếu làm ra sản phẩm còn được trả lương...
Tôi phấn chấn kể tất cả những điều đó với vợ, cứ tưởng nàng sẽ vui lắm vì tôi đang “phấn đấu” cho bằng nàng; không ngờ nghe xong, nàng gạt ngang: “Học mấy thứ đó ích lợi gì? Ẩm thực của bọn Tây có giống mình đâu mà học?”. Tôi ngó nàng trân trân: “Em nói gì lạ vậy? Thị trường của công ty anh là bên đó mà? Phải biết khẩu vị, sở thích của người ta thì mới sản xuất hàng hóa cho phù hợp...”.
Nhưng vợ tôi vẫn gạt ngang: “Em đã nói không đi là không đi”. Tôi bực quá: “Em đừng có nói cái giọng giống má anh như vậy. Anh đã quyết, em có cản cũng không được”. Vợ tôi cười gằn: “Là anh nói đó nghen. Nếu anh đi mà khi trở về thấy lá đơn ly dị thì khỏi hỏi lý do nghen”. Tôi sững người: “Cái gì? Sao lại có chuyện ly dị ở đây? Em đừng có chuyện nọ xọ chuyện kia. Anh hết chịu nổi em rồi”. “Vậy hả? Hết chịu nổi rồi hả? Vậy thì chia tay đi, em cũng chán ngán cuộc sống này lắm rồi. Em không ngóc đầu lên nổi với một người chồng vô tích sự như anh”.
Nói xong, Quỳnh Như đùng đùng bỏ đi. Tôi chờ mãi không thấy về, gọi sang nhà mẹ vợ thì bà bảo, Quỳnh Như đang ở bên ấy nhưng đã ngủ. Cả đêm hôm đó tôi gần như không chợp mắt. Tôi kiểm điểm lại cuộc hôn nhân của mình và thấy đúng là nó nhạt nhẽo, vô vị. May mà tôi còn có 2 đứa con.
Hôm sau, mẹ vợ tôi gọi bảo sang đón Quỳnh Như về. Tôi bảo: “Vợ con tự đi thì phải tự về”. Nói rồi tôi cúp máy. Hôm sau bà lại gọi. Tôi lại trả lời đúng câu ấy. Lần thứ ba thì mẹ vợ tôi nổi cáu: “Này, chuyện nhà các anh chị thì tự giải quyết với nhau chứ đừng có làm phiền chúng tôi đấy nhé. Muốn ở thì ở, còn không muốn thì bỏ, tôi không cản”.
Tôi không rước, vợ tôi cũng không về. Hóa ra không có Quỳnh Như ở nhà, cuộc sống của ba cha con tôi vô cùng dễ chịu. Chúng tôi ăn uống, chơi đùa, học hành, giải trí với nhau rồi cười vang nhà. Đến nỗi cô con gái út còn xúi: “Ba nhất định không được đón mẹ về đấy nhé”. Thật sự tôi cũng không có ý định ấy.
Tuy nhiên, sau khi các con đã ngủ, còn lại một mình, tôi cứ trằn trọc nghĩ suy. Những ngày ấm êm của hai đứa đã ra đi từ bao giờ? Chẳng lẽ cuộc sống của vợ chồng tôi nhàm chán đến độ sự vắng mặt của người này trở thành niềm vui của người kia?
Thế thì chẳng lẽ phải giải quyết nó như cách mẹ vợ tôi nói là “Muốn ở thì ở, còn không muốn thì bỏ...”?
Theo NLĐ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét