Cưới nhưng không muốn đăng kí kết hôn - Cherry Radio Australia
Trót mang bầu, nhiều đám cưới diễn ra vội vàng khi cô dâu, chú rể chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn (ĐKKH), không có giấy hôn thú là chuyện không còn xa lạ. Thế nhưng ngày nay, nhiều cô dâu ở tuổi "quá lứa nhỡ thì" cũng không muốn ĐKKH, để rồi khi bước vào cuộc sống gia đình, khi cơm chẳng lành, nhiều người chỉ biết "ngậm bồ hòn", đường ai nấy đi... với bao vướng mắc không biết kêu ai.
ảnh minh họa Chỉ cưới, không đăng ký Ở cái tuổi xấp xỉ tứ tuần, Nguyễn Văn Toản (SN 1976, kỹ sư điện, Hoàn Kiếm, Hà Nội) tin chắc mình đã "hết duyên", chuyện lấy vợ bị gác lại "vô thời hạn". Bởi mỗi lần anh có ý định theo đuổi, tán tỉnh một cô gái nào là cô ấy đi lấy chồng. Chán nản trước hiện thực phũ phàng đó, anh chỉ biết lao đầu vào công việc để giết thời gian. Anh tâm sự: "Bằng tuổi tôi, bạn bè đều vợ con đề huề. Mỗi mình là lẻ bóng. Biết bao nhiêu cuộc mai mối mà chẳng ăn thua. Chắc số mình phải sống một mình đến hết đời rồi". Thương anh, cô em gái tên Luyến (SN 1982) tích cực thay anh đi tìm vợ. Người Luyến chọn không ai khác chính là cô bạn tên Linh, học cùng đại học của cô. Sau khi thăm dò, tìm hiểu thông tin về Linh qua bạn bè, Luyến biết Linh đang làm sếp của một công ty lớn và đang sống độc thân cùng người mẹ ruột khiến cô vô cùng háo hức. Cũng như bao lần khác, Toản đến cuộc gặp với tâm trạng dửng dưng. Bởi trong suy nghĩ của anh, các cuộc gặp chỉ mất thời gian, không được việc gì hết. Nhưng cuộc đời ai biết trước chữ ngờ. Chính cái gương mặt dửng dưng của Toản đã khiến Linh "điên". Cô không ngờ có ngày mình bị một người đàn ông xấp xỉ tứ tuần "coi thường" trong cả ba lần gặp. Nén tự ái, Linh quyết tâm "cưa" đổ Toản để trả thù. Thời gian đầu, Linh chủ động rủ Toản đi chơi, đi cafe… Thậm chí cô còn rủ anh về nhà ăn cơm do chính tay mình nấu. Tiếp xúc với Toản nhiều, Linh cảm nhận được tình cảm anh dành cho cô. Bên cạnh đó, cô cũng biết được nỗi đau "ngỏ lời với cô gái nào, cô gái ấy đi lấy chồng" của Toản nên càng thương hơn. Thế nên, sau gần một năm tìm hiểu, Linh là người chủ động đề nghị Toản kết hôn với mình. Được "lấy vợ", Toản như người sống trên mây. Anh luôn vui vẻ, hoà đồng với mọi người từ lúc Linh đề nghị hai người kết hôn. Thế nhưng niềm vui chưa kịp oà vỡ, gương mặt anh nhăn nhó khi nghe Linh nói: "Làm lễ cưới nhưng không đăng ký kết hôn" bởi Linh sợ sự ràng buộc trong cuộc sống hôn nhân. Kể đến đây Toản bảo: "Tôi thực sự không hiểu vì sao Linh lại quyết định như vậy. Bởi thông thường khi đi ĐKKH về, người phụ nữ luôn giành quyền cầm tờ hôn thú, coi đó là "bùa hộ mệnh". Vậy mà Linh lại khác". Trong khi những đám cưới "chui" phải đợi đủ tuổi thì nhiều cô dâu "quá lứa nhỡ thì" không muốn làm giấy ĐKKH. Với họ, việc ĐKKH là một điều quá mệt mỏi. Họ chỉ thích tổ chức đám cưới cho bằng bạn bằng bè. "Sống với nhau không hợp thì đường ai nấy đi", không mất công ra toà giải quyết, lằng nhằng, rắc rối… là tâm lý chung của nhiều cô dâu, chú rể lớn tuổi hiện nay. Nguyễn Mai (30 tuổi, TP. Vinh, Nghệ An) nhân viên văn phòng của một công ty trên địa bàn Hà Nội tâm sự: "Tôi không thích sự ràng buộc của tờ hôn thú. Bản thân tôi, lấy chồng được hơn 1 năm nay nhưng tôi chỉ cưới mà không đăng ký. Họ hàng hai bên đều biết nhưng không ai phản đối, mọi người chỉ nhắc nhở cần đi ĐKKH để hợp pháp hoá về tài sản, con cái phát sinh sau này." Cô cũng cho biết thêm, không riêng bản thân Mai mà một số người bạn độc thân của cô cũng chỉ thích cưới mà không đi ĐKKH. Những câu chuyện đắng cay Toản luôn tự hào kể với bạn bè về người vợ giỏi giang của mình. Bởi anh cảm thấy cuộc sống của anh giờ mới bắt đầu. "Sau mỗi giờ làm việc, tôi chỉ mong nhanh chóng về nhà để được ăn cơm vợ nấu, được ôm vợ vào lòng, điều mà bao năm nay tôi mong mỏi", Toản phấn khởi cho biết thêm. Có thể nói, cuộc sống của anh chứa đầy mật ngọt. Thế nhưng mâu thuẫn giữa Toản và Linh bắt đầu nảy sinh khi anh muốn Linh sinh cho mình một đứa con. Tưởng anh đùa, Linh chỉ cười rồi cho qua. Bởi cô không muốn sinh con. Việc bầu bí, chăm sóc con cái như chị gái mình khiến Linh cảm thấy sợ hãi. Bên cạnh đó, cô sợ ảnh hưởng đến công việc của mình. Nhưng nhiều lần Toản đề nghị, thậm chí nói nặng lời khiến mâu thuẫn giữa hai người nảy sinh. Bực tức, Linh khăn gói về nhà mẹ đẻ ở. Linh đi được hai tuần, Toản cũng làm đơn xin đi công tác xa để có thời gian bình tâm, suy nghĩ. Hai tuần ở nhà mẹ đẻ, không thấy Toản gọi điện hỏi thăm, Linh ngỡ Toản là người đàn ông "không ra gì". Chẳng ngần ngại, Linh tuyên bố với cha mẹ, họ hàng, Toản chỉ là người yêu, chưa bao giờ là chồng cô, kể cả đã cưới nhau được gần hai năm nay. Cô và Toản chưa bao giờ ĐKKH. Ở nơi công tác, nghe tin "dữ", Toản bất ngờ và đau khổ. Anh không thể chấp nhận một người vợ quá hiện đại, không coi trọng cuộc sống hôn nhân gia đình. Anh bảo: "Yêu thì vẫn yêu, nhưng không thể chấp nhận lối sống của Linh được. Sống chung một mái nhà mà không được thừa nhận, một sợi dây ràng buộc cũng không có, lúc nào cũng phải sống trong tâm trạng vợ không phải là vợ, có thể mất bất cứ lúc nào, thà sống một mình còn hơn. Cho đến bây giờ, cả tôi và cô ấy đều nghĩ về nhau, nhưng không ai chịu nhường ai để nối lại tình cảm". Khác với Linh, Thuỳ dù đang mang thai đứa con của "chồng" nhưng cô cũng không muốn xác lập vị trí "chồng" đúng pháp luật cho Đức. Bởi Thuỳ sợ, số tài sản kếch sù của cha mẹ cho cô sẽ phải chia đôi cho Đức nếu như hai người mâu thuẫn, phải đường ai nấy đi. Thế nên, khi biết Đức và gia đình tìm mọi cách "đưa cô vào tròng", thậm chí dùng sức ép, sỉ nhục cô để cô "tức" mà bảo chồng đi ĐKKH, nhưng cô vẫn không đồng ý. "Tờ giấy hôn thú không phải là "lá bùa" có thể bảo vệ cuộc sống hôn nhân bền vững mãi mãi được đâu. Mấy người bạn của tôi, cưới xin có ĐKKH đầy đủ vậy mà chưa đầy 3 năm đã mỗi người một ngả. Khi ly hôn, bao nhiêu thủ tục rắc rối, rườm rà xảy ra, lại mang thêm "phốt" đã từng có chồng, khó khăn trong các mối quan hệ cũng như công việc sau này. Chi bằng cứ sống một mình, thích làm gì thì làm, chẳng ai cấm cản được". Với quan niệm ấy, Thuỳ sống với chồng khá hạnh phúc trong thời gian đầu. Thế nhưng về sau, Đức lộ bộ mặt thật là "thợ đào mỏ". Không thuyết phục Thuỳ ĐKKH, khi Thuỳ có thai, Đức về tận quê cô để rêu rao và thêu dệt lên những chuyện xấu. Nghe từ miệng Đức nói, nhiều người bán tín, bán nghi về lối sống trái với luân thường đạo lý của cô. Người ghét Thuỳ thì cho rằng cô là kẻ lăng loàn, cần phải tránh xa. Còn trong mắt cha mẹ, họ hàng Thuỳ, cô là đứa con bất hiếu. Đã lấy chồng mà vẫn khiến bố mẹ phải nhục nhã, họ hàng từ mặt…Thuỳ chỉ còn nước ôm đứa con không cha, khăn gói lìa xa cái tổ ấm mong manh của mình. Các tin cũ hơn:
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét