Để công đường cũng là học đường - Tin tức 24h
Những lớp học sinh động, thiết thực
Từ trước khi có Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, việc phổ biến và giáo dục pháp luật thông qua công tác xét xử đã rất được chú trọng. Tại các bản án hình sự, khi buộc phải áp dụng hình phạt tù đối với bị cáo, HĐXX thường có câu “để đảm bảo tính giáo dục và răn đe chung”.
Điều 16 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định: “TAND các cấp thông qua công tác xét xử tại trụ sở, lựa chọn các vụ án thích hợp có tính giáo dục cao để tổ chức xét xử lưu động nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật cho người tham dự phiên tòa và nhân dân”. |
Việc tổ chức các phiên tòa lưu động cũng hướng đến mục đích giáo dục pháp luật cho đông đảo người dân đúng địa bàn nơi xảy ra vụ án. Tòa án thường chọn những vụ án xét xử loại tội phạm đang nhức nhối trên địa bàn, như những vụ án về ma túy, những vụ án về bạo lực gia đình, những vụ án về chống người thi hành công vụ… để xét xử lưu động.
Những năm gần đây, trên kênh VTV6 của Truyền hình Việt Nam có chương trình “Tòa tuyên án”, khá thu hút người xem. Bối cảnh chính của chương trình này là một phòng xử án. Các nhân vật chính là chủ tọa phiên tòa, đại diện viện kiểm sát, bị cáo, bị hại, luật sư, nhân chứng…
Theo nhiều chuyên gia pháp luật, không chỉ vụ án hình sự, mà các vụ án dân sự, hành chính, hôn nhân gia đình, lao động… cũng rất cần được đông đảo người dân tham dự. Không chỉ hiểu biết quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp (luật nội dung), người dân tham dự tòa còn có điều kiện hiểu thêm trình tự thủ tục tiến hành một phiên tòa (luật hình thức).
Chưa được tạo điều kiện tốt
Từ khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu lực, người ta hy vọng việc giáo dục pháp luật cho người dân thông qua các phiên tòa sẽ được đẩy mạnh hơn trước. Tuy nhiên, thực tế công việc này đang gặp phải những khó khăn khách quan, số người dân tham dự các phiên tòa đang giảm đi đáng kể.
Những khó khăn này chủ yếu do điều kiện cơ sở vật chất của các tòa án nhìn chung còn khá xập xệ, bên cạnh đó, công tác bảo vệ nơi “công đường” chưa quy củ, chưa thực sự tạo điều kiện cho người dân đến tham dự những phiên tòa mà họ quan tâm.
Chỉ nhìn tại địa bàn thủ đô Hà Nội. Nhiều trụ sở tòa án cấp quận, phòng xử rất chật chội, điển hình là Tòa án nhân dân quận Đống Đa. Tại Tòa án quận này, phòng làm việc bé tý, năm, sáu thẩm phán ngồi chung, các bàn làm việc sát nhau. Những vụ án hôn nhân - gia đình, đương sự thật khó trình bày những vấn đề tế nhị của họ trước chỗ đông người như vậy. Phòng xử cũng chẳng rộng hơn. Trụ sở không có chỗ gửi xe. Khi có phiên tòa hình sự, người ta buộc phải hạn chế người tham dự, đơn giản bởi nếu vào đông không có chỗ mà ngồi, đương nhiên ảnh hưởng đến công tác an ninh trật tự.
Phiên tòa xét xử ông Phạm Đình Tiếng thu hút đông đảo người dân đến tham dự; chỉ tiếc là phòng xét xử có một cái... cột ở giữa, che đi ông Tiếng và ông chủ tọa phiên tòa.
TAND TP Hà Nội thời gian này cũng hạn chế tối đa người vào dự phiên tòa. Lý do, cơ quan này đang sửa chữa nhà cửa. Chỉ đương sự có giấy triệu tập của tòa mới được vào. Sinh viên trường luật đi thực tập muốn vào, phải năn nỉ bảo vệ, may ra được chấp nhận.
Hướng khắc phục
Để “công đường” cũng là “học đường”, ai cũng nhận thấy phải xây dựng, cải tạo, trang bị cơ sở vật chất tốt hơn nữa cho các trụ sở tòa án. Tốt nhất là các tòa án có khu xét xử riêng, khu làm việc thường ngày riêng. Phòng xét xử phải rộng rãi, thoáng mát, có lắp camera an ninh. Tốt hơn nữa là có sân bãi rộng rãi, khi cần sẽ bắc loa ra ngoài trời, phục vụ những phiên tòa thu hút đông đảo người dân đến tham dự.
Các tòa án rất cần có nội quy chặt chẽ về việc ra vào cơ quan, việc tham dự các phiên tòa công khai. Tòa án phải có đủ lực lượng bảo vệ (tiền lương được trả từ ngân sách), họ là những người sẽ phối hợp cùng cảnh sát hỗ trợ tư pháp đảm bảo an ninh trật tự tại trụ sở tòa án cũng như trong các phòng xét xử.
Nếu lực lượng bảo vệ và cảnh sát đông đủ, có thêm camera an ninh, những người có hành vi mất trật tự sẽ buộc phải ra khỏi phòng xét xử, những người có hành vi quá khích sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chúng ta chỉ ngại người dân không đến với tòa án, chứ không ngại họ đến quá đông.
Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh cải cách tư pháp, lấy công tác xét xử làm trọng tâm, chúng ta có quyền hy vọng những chốn công đường sẽ thực sự là những nơi tôn nghiêm, song hoàn toàn không hạn chế, thậm chí cấm đoán người dân đến những nơi này.
Thủ tướng công bố Ngày Pháp luật Việt Nam Lễ công bố Ngày Pháp luật lần đầu tiên của nước ta được chính thức tổ chức tối 8/11, nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Ngày Pháp luật năm nay được tổ chức từ 4 - 10/11, với 3 hoạt động chính: Tổ chức Lễ công bố Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tổ chức các hoạt động truyền thông, phổ biến về Ngày Pháp luật; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp và pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Tổ chức Ngày Pháp luật còn có ý nghĩa thúc đẩy tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đối với mỗi công dân, Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách, đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật… Ngày Pháp luật còn nhằm động viên toàn xã hội thi hành pháp luật nghiêm minh; kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm, tham nhũng; quan tâm giải quyết khiếu nại, tố cáo; xây dựng nền hành chính trong sạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động hành chính. Từ đó nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, khả năng thực thi pháp luật trong mọi hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động KTXH và sinh hoạt hằng ngày của nhân dân. Chinhphu.vn |
Ngay Phap luat Viet Nam, ngay hoc duong, cong duong la hoc duong, an ninh, giao duc, bao
0 nhận xét:
Đăng nhận xét