Dự án Luật Hôn nhân gia đình (sửa đổi): Băn khoăn chế định ly thân và mang ... - Lao động
Dự án Luật Hôn nhân gia đình (sửa đổi): Băn khoăn chế định ly thân và mang thai hộ
ĐB Lê Văn Hoàng. Ảnh: VietNamNet
Sáng 26.11, QH đã thảo luận về dự án Luật Hôn nhân gia đình (sửa đổi), theo đó dự luật đã hợp thức hóa việc mang thai hộ; định chế giai đoạn ly thân và đã không cấm hôn nhân đồng tính. Tuy nhiên ý kiến của các ĐBQH tại hội trường cho thấy, dự luật vẫn còn quá nhiều sơ hở, bất hợp lý rất dễ để biến hôn nhân trở thành những vụ kinh doanh thương mại, đặc biệt là trong vấn đề mang thai hộ.
Ly thân được định chế trong luật
Đối với độ tuổi kết hôn, hầu hết ý kiến đều đồng tình cho rằng việc giảm độ tuổi kết hôn của nam giới từ 20 xuống còn 18 là phù hợp, bởi quy định này phù hợp với các quy định khác của Bộ luật Hình sự, Dân sự. Hơn nữa, với thực tế về nguy cơ dân số già hóa, thì giảm độ tuổi kết hôn đối với nam giới là cần thiết.
Đối với vấn đề ly thân, Luật Hôn nhân gia đình hiện hành không đưa vào thành một định chế, nhưng dự án Luật Hôn nhân gia đình đã quy định thành những điều luật và cho phép tòa án can thiệp vào việc chia tài sản, con cái trong giai đoạn này.
Chế định này đã vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối của các ĐBQH, bởi lẽ đây là một trong trạng thái của hôn nhân mà vợ chồng có thể không chung sống nhưng họ vẫn muốn duy trì quan hệ, nghĩa vụ với nhau và chưa muốn dứt bỏ cuộc hôn nhân.
ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng, việc ly thân mới chỉ là giai đoạn hôn nhân tạm thời gián đoạn chứ chưa chấm dứt, người ta vẫn đang cần thời gian để suy nghĩ về cuộc hôn nhân của mình, thế nhưng dự luật lại quy định tòa án có quyền giải quyết cả về tài sản lẫn con cái như một hậu quả pháp lý như ly hôn là bất hợp lý.
ĐB Nguyễn Văn Tuyết cũng khẳng định: “Ly thân là sự thỏa thuận mang tính riêng tư của hai vợ chồng, không nhất thiết phải có sự can thiệp của tòa án”.
Vì vậy, ĐB Tuyết đề nghị “phải cân nhắc việc bổ sung chế định này vào dự thảo luật vì chưa đủ căn cứ thực tiễn và cần phải tránh tình trạng nếu như có quy định này sẽ dẫn đến tình trạng lợi dụng ly thân để biến ly thân thành hôn nhân treo mà đối tượng thiệt thòi là phụ nữ và trẻ em”.
Rắc rối trong mang thai hộ
Vấn đề mang thai hộ đã được các ĐBQH đặc biệt quan tâm thảo luận, bởi đây là vấn đề hoàn toàn mới, đang nảy sinh trong xã hội. Hầu hết các ĐB đều cho rằng đây là vấn đề nhân đạo, rất đáng hoan nghênh, nhưng các ĐB lại bày tỏ sự băn khoăn về việc dự luật chưa bao quát hết được vấn đề nên dễ nảy sinh tiêu cực trong vấn đề này.
ĐB Lê Văn Hoàng cho rằng, dự luật cần tính đến trường hợp là, sau khi mang thai hộ, người sinh ra đứa trẻ không chịu giao đứa trẻ thì như thế nào? “Hoặc đứa trẻ bị khuyết tật, người nhờ mang thai hộ không nhận đứa trẻ thì phát sinh tranh chấp này giải quyết ra sao? Chưa kể người mang thai hộ dùng đứa trẻ để vòi vĩnh, có trường hợp mang thai hộ được cấy thụ tinh từ nhân tạo khi sinh ra 2 hoặc 3 trẻ, người nhờ mang thai hộ chỉ nhận một trẻ, các trẻ còn lại người mang thai hộ phải giải quyết như thế nào?
Người mang thai hộ có quan hệ với chồng hoặc bạn tình mang thai, nhưng vì lợi ích riêng tư, người mang thai hộ không nói ra, như vậy đứa trẻ sinh ra không phải con của người nhờ mang thai. Nếu không phát hiện thì người nhờ mang thai hộ sẽ nuôi đứa trẻ và nhiều năm sau có thể cha mẹ ruột đứa trẻ sẽ đến đòi con lại hoặc sau khi sinh người nhờ mang thai hộ phát hiện đứa trẻ không phải là con ruột của mình thì người mang thai hộ gian dối có bị xử lý không và xử lý như thế nào?” – ĐB Lê Văn Hoàng đặt ra hàng loạt câu hỏi.
Cuối cùng ĐB Hoàng kết luận: “Vấn đề này chưa được nghiên cứu nên không nên quy định việc mang thai hộ, mà nên lấy ý kiến xã hội trước đã, sau đó điều chỉnh bằng luật sau”.
Vẫn chưa hết những câu hỏi về việc mang thai hộ, ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi: Quyền lợi của người mang thai hộ như quyền được chăm sóc sức khỏe, chế độ thai sản như thế nào? Vợ chồng ly hôn trong thời điểm đang nhờ mang thai hộ, thì cái thai xử lý ra sao?
Cũng đứng trên quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng ranh giới giữa mục đích nhân đạo và thương mại của việc mang thai hộ là rất khó xác định, bởi khái niệm mang thai hộ như dự thảo luật nêu là chưa rõ, chưa có sức thuyết phục cao.
Đối với vấn đề hôn nhân đồng giới, dự luật không công nhận, cũng như không cấm, nhưng ĐB Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) cho rằng quy định như vậy là rất lửng lơ. “Người đồng giới họ không muốn như thế, họ bị gia đình xa lánh, xã hội kỳ thị, nhưng do cơ địa của họ sinh ra là như vậy, nên đề nghị QH công nhận việc hôn nhân đồng giới cho họ” – ĐB Thích Thanh Quyết đề nghị.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét