Vợ anh hàng xóm là... “phở”
Đó là "món phở" mà mình không thể đụng tới, chỉ để tơ tưởng, chỉ ước muốn có sự thay đổi, cân bằng trong đời sống hôn nhân của mình.
Nàng năm nay chỉ hai lăm cái xuân xanh, còn chồng nàng những 50 tuổi. Vì lấy vợ trẻ, chồng nàng chiều chuộng hết mực. Nàng cần cái gì, đi đâu chơi, ỏng eo một chút là được liền. Đời sống vật chất no đủ với người chồng già phần nào bù đắp hạnh phúc cho nàng, giúp nàng quên đi mối tình đầu đã trả lại cho anh công nhân nghèo ở quê.
Nhưng nàng chỉ được làm bà hoàng trong 3 năm đầu tiên. Kể từ khi sanh cô con gái đầu lòng, nàng đã không còn được yêu thương, chiều chuộng như trước. Đến khi cô con gái thứ hai ra đời, nàng bị đối xử tệ bạc gấp mươi lần.
Thì ra, không chỉ ham vợ trẻ, anh chồng còn muốn có con trai để nối dõi tông đường. Gia đình anh có những 11 người con nhưng hết 10 là nữ. Hai đời vợ trước vì sanh con gái nên anh bỏ tất. Đến khi lập gia đình với nàng, anh lại nhận thêm toàn... “vịt trời”. Má anh trước khi nhắm mắt từng nhắn nhũ: “Ráng kiếm thằng con trai nghe con”.
Thất vọng vì không có con trai, càng ngày chồng nàng càng đâm ra cáu gắt, nói năng nặng lời. Cách đây 3 tháng, chỉ vì bảo chồng thu xếp công việc để đưa vợ con về ngoại chơi, nàng nhận ngay một tràng mắng nhiếc: “Về làm gì ở cái xứ ấy. Muốn về thì về một mình, về luôn đi. Đồ ăn hại”. Vài hôm sau, lỡ tay làm vỡ bình trà gốm sứ Minh Long mà chồng được một người bạn thân tặng, nàng bị chửi bằng những lời khó nghe, tục tĩu: “Má nó! Tao chịu hết nổi rồi nghen! Muốn sống thì sống cho ra trò, vớ vẩn thì thôi mẹ nó đi”...
Mang tiếng lấy chồng giàu nhưng vì là thân tầm gửi, nàng chỉ có mỗi việc cơm nước, phụng sự chồng và im lặng. Từ tiền bạc lúc nào cũng rủng rỉnh, nay muốn mua viên thốc cho con, muốn ra đầu đường ăn tô hủ tíu nàng cũng phải ngửa tay xin chồng. Nhớ cha mẹ ở quê, nàng cũng không về được, mà cũng chẳng có tiền gửi về phụ giúp.
Có lần, mẹ nàng lên chơi, mang theo cặp gà mái tơ làm quà. Bà cột hai con gà vào cái trụ gỗ cạnh cây ngọc lan trước sân nhà. Chiều chồng nàng đi làm về, vừa dựng xe thì đạp ngay bãi phân. Thoáng thấy mẹ vợ bước ra, nhìn sang hai con gà mái, sẵn máu điên nổi lên, anh chồng đổ giận vào người mẹ bằng tuổi mình: “Ở đây đã toàn gà mái rồi, bà còn đem lên làm gì cho mệt xác”. Nói xong anh chồng đi tuốt vào nhà, quẳng cái cặp táp lên bộ sofa rồi bỏ lên lầu.
Vì là nhà ở đối diện cách vài bước chân lại làm nghề ở nhà nên những chuyện to nhỏ giữa nàng và chồng tôi đều nghe thấy hết.
Từ chỗ cảm thương nàng lạc bước gửi thân, rồi nhìn sang vợ mình, lâu ngày tôi sanh tính, tơ tưởng đến nàng. Những khi nhìn thấy nàng buồn bã ra ngồi dưới chiếc ghế treo dưới cây ngọc lan, tôi như muốn phá toang cửa chạy sang để ôm nàng vào lòng, an ủi.
Chuyện đời không bao gì như người ta muốn, được cái này thì mất cái kia. Tréo ngoe ở chỗ, trong khi nàng nhún nhường với chồng bao nhiêu thì chính vợ tôi lại hay gắt gỏng với chồng bấy nhiêu. Mười phần hiền lành, nết na, nhìn nhượng chồng con tôi muốn có ở vợ mình lại nằm hết ở vợ của anh hàng xóm. Tôi không thể nói xấu vợ nhưng quả thực vì chuyện cơm áo gạo tiền tôi luôn bị vợ coi thường như chính chồng nàng coi thường nàng. Bởi vậy, trong những góc khuất riêng, tôi ước giá như nàng là vợ mình.
Người ta nói hay nói vợ của mình là “cơm”, còn trong mắt anh hàng xóm vợ mình là “phở”. Tôi đang nhìn vợ của anh hàng xóm là "phở", món phở mà mình không thể đụng tới, chỉ để tơ tưởng, chỉ để ước muốn có sự thay đổi, cân bằng trong đời sống hôn nhân của mình.
Theo Người lao động
0 nhận xét:
Đăng nhận xét