Ứng phó với 10 nỗi sợ lớn nhất trong hôn nhân
Hôn nhân - mồ chôn tình yêu ư? Điều đó làm các chị em sợ hãi thay vì nghĩ một cách tích cực rằng mọi vấn đề đều có thể thỏa hiệp được.
Dưới đây là 10 nỗi sợ phổ biến về đời sống hôn nhân mà có thể các bạn đang gặp hoặc đang hình dung tới. Sự sợ hãi thực ra cũng không hoàn toàn tiêu cực, nhiều lúc, nó là động lực để các cặp đôi cố gắng để ngăn chặn những điều tồi tệ xảy ra. Hãy xem các giải pháp đi kèm để giúp các bạn điều khiển nỗi lo sợ hoặc đối phó với chúng trong hiện tại và tương lai.
|
1. Lo sợ sau này vợ chồng không còn những điểm chung để chia sẻ
Đời sống hôn nhân ngọt ngào và nồng nhiệt có xu hướng kéo dài khoảng 7 năm. Sau đó, các áp lực về cuộc sống và con cái sẽ dần dần chen chân vào tổ ấm của các bạn. Đồng thời, đời sống tình dục cũng dần dừng lại, các cặp vợ chồng giảm dần việc chia sẻ cảm xúc. Mỗi người hình thành cho mình một thế giới riêng. Đó cũng là quy luật phát triển tình cảm của con người. Sự gắn bó vợ chồng vẫn tồn tại nhưng sẽ không thể cho bạn sự nồng cháy của thuở ban đầu.
Chính vì vậy, các bạn càng cần phải nỗ lực để nuôi dưỡng, chăm chút hạnh phúc gia đình. Các bạn có thể gợi nhớ, trò chuyện về những kỷ niệm xưa cũ để mang hai bạn trở lại với nhau hoặc tìm kiếm những điều mới lạ để cùng nhau khám phá. Nhờ cách này, hai bạn sẽ luôn có những sở thích chung để cùng nhau chia sẻ.
2. Chồng sẽ không ở bên tôi khi tôi ốm đau, bệnh tật
Về cơ bản, phụ nữ có thiên chức là chăm sóc, vì vậy việc bạn bỗng dưng đổ bệnh mà không thực hiện được thiên chức ấy cũng là một nỗi sợ bản năng.
Với nỗi sợ này bạn cần phải bày tỏ quan điểm với chồng trước để khi có sự cố sức khỏe xảy ra chồng bạn không hoang mang. Khi người ta có sự chuẩn bị trước về mặt tinh thần, người ta đối phó với các biến cố bình thản hơn.
3. Thiếu tôn trọng nhau dẫn đến ly hôn
Việc ly hôn ngày càng nhiều khiến các bạn lo lắng rằng điều tồi tệ đó cũng có thể xảy ra với đời sống hôn nhân của các bạn. Đây là một nỗi sợ điển hình trong hôn nhân, tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự thiếu tôn trọng. Biết được lý do này, các bạn hoàn toàn có thể phòng tránh được. Hai bạn hãy thiết lập cam kết luôn tôn trọng nhau ở chỗ đông người, và đặt ra ranh giới để các bạn không rơi vào cách hành xử khiếm nhã với nhau.
4. Đánh mất bản thân
Khi bạn trở thành vợ, thành mẹ, bạn phải làm nhiều việc hơn để đảm đương những vai trò này. Điều đó có thể khiến bạn cảm thấy bạn đã và đang đánh mất bản thân. Để giữ bản sắc cá nhân mà vẫn đảm bảo giữ vai trò người bạn đồng hành tốt của chồng, bạn cần tìm sự cân bằng giữa những điều bạn làm cho bản thân mình và cho gia đình.
Bạn cần đặt ra nguyên tắc khoảng thời gian riêng cho mình. Sau đó, bạn cần bắt tay lên kế hoạch chi tiết, cụ thể những việc bạn cần làm để thỏa mãn bản thân, không để những mong muốn đó nằm trong trí tưởng tượng của bạn. Khi bạn bắt tay vào đầu tư cho bản thân, bạn sẽ dần trở lại với chính mình.
5. Sex ít hơn và kém nồng nhiệt dần
Những ngày tháng ân ái nóng bỏng và ngẫu hứng dường như chỉ còn là kỷ niệm. Số lần cao hứng của các bạn rất phập phù. Thật thất vọng khi phải nghe câu “Không phải hôm nay cưng à, anh phải hoàn thành báo cáo đã”. Giải pháp là gì? Sex theo thời gian biểu. Thời gian biểu này nhắc nhở các bạn phải sắp xếp công việc cơ quan ổn thỏa, tránh hẹn hò bạn bè vào ngày “cấm”, gửi con cho ông bà, có như vậy tâm trí của các bạn mới có thể thư thái vào những ngày đã lên lịch. Khi không có gì vướng bận, đương nhiên người ta sẽ toàn tâm toàn ý dành thời gian cho nhau. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, cũng nên "phá lịch" để có thật nhiều sự bất ngờ.
6. Đổ lỗi cho người bạn đời
Khi cuộc sống thực tế không như bạn hình dung, bạn có xu hướng đổ lỗi cho anh ấy bởi đã không hy sinh vì bạn trong khi đó bạn phải thay đổi cuộc sống, chỗ ở, công việc… vì anh ấy.
Tranh cãi chỉ dẫn đến thắng, thua hoặc đầu hàng, chỉ có sự thỏa hiệp mới phát huy tác dụng bảo vệ hạnh phúc gia đình bạn. Đổi lỗi cho chồng vì sự thất vọng của bạn chỉ làm ăn mòn mối quan hệ gia đình. Thay vào đó, hãy nhìn vào những điều tốt mà bạn đang có. Khơi dậy những thú vui bạn đã bỏ xó, tìm lại những sở thích cũ hoặc tiếp tục theo đuổi những mục tiêu chưa hoàn thành.
7. Lo sợ bản thân ngày càng già và xấu còn chồng thì ngày càng phong độ, thu hút
Phụ nữ thường cảm thấy khổ sở vì trở nên già đi. Tuy nhiên, việc lão hóa cũng không còn là vấn đề ghê gớm nữa khi mà hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng phát triển. Để đảm bảo chồng bạn nhìn thấy vẻ đẹp nội tâm và ngoại hình của bạn, bạn hãy rèn luyện suy nghĩ tốt đẹp và tích cực về bản thân, cuộc sống. Nếu bạn lo lắng về ngoại hình, hãy đi cắt kiểu tóc mới, đi tập thể dục, làm bất cứ điều gì có thể…
8. Tiền bạc sẽ phá hủy hôn nhân
Cho dù bạn bị thất nghiệp hay thắng sổ xố đi chăng nữa, những thay đổi tài chính lớn đều có thể làm mối quan hệ của các bạn căng thẳng. Khi tình hình tài chính suôn sẻ, vợ chồng không có tranh cãi về tiền. Chuyện chẳng có gì phải nói. Tuy nhiên nếu cuộc sống của bạn không được như vậy, hãy ngồi xuống và cùng nhau lên ngân sách chi tiêu.
9. Tôi không còn là ưu tiên số một trong cuộc sống của anh ấy nữa
Sẽ có lúc bạn chỉ đứng bên lề công việc, bạn bè và những sở thích của anh ấy. Bạn đừng chịu đựng hoặc bỏ qua điều đó. Nếu bạn cảm thấy anh ấy thiếu quan tâm, chú ý tới bạn, hãy nói với anh ấy để giải quyết vấn đề này. Hãy thử nói rằng “Em nhớ anh và muốn chúng ta dành thời gian cho nhau nhiều hơn” thử xem nhé.
10. Thói xấu ngày càng nhiều
Trước tiên, đừng phức tạp hóa vấn đề. Nếu chồng của bạn thi thoảng uống rượu, đó không phải là chuyện gì quá ghê gớm. Thậm chí anh ấy có thể chơi bạc một chút, xem phim khiêu dâm một chút miễn là anh ấy không gây ảnh hưởng đến sự gần gũi của hai vợ chồng và tài chính của gia đình. Đừng xé chuyện bé ra to, bạn nhé!
Theo Womansday/ĐOL
0 nhận xét:
Đăng nhận xét