Bí quyết 'hạ hỏa' trước lỗi lầm của bạn đời
Từ hai con người xa lạ, bạn và người ấy về ở chung dưới một mái nhà cho đến hết đời. Trong cuộc sống chung, sai sót của mỗi người "lộ diện”, và cả hai đều không tránh khỏi những hành động thiếu suy nghĩ làm tổn thương nhau.
Điều chúng ta cần để giữ hôn nhân bền vững và hạnh phúc là phải biết tha thứ và được tha thứ. Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn dễ dàng tha thứ cho bạn đời hơn:
1. Thừa nhận rằng một nửa của bạn không phải là người hoàn hảo – và bạn cũng thế
Khi đang hẹn hò, chúng ta luôn cố gắng thể hiện những gì tốt nhất trước mặt người kia và cố gắng giấu nhẹm tất cả mọi khuyết điểm. Tuy nhiên, sau hôn nhân thì điều đó là không thể. Bạn sẽ nhanh chóng phát hiện ra rằng chồng/vợ mình không phải là người hoàn hảo như bạn vẫn tưởng. Nhưng hãy nhớ rằng chính bản thân bạn cũng thế. Vì thế, hãy cố gắng dành cho bạn đời sự kiên nhẫn, am hiểu, và vị tha mà chính bạn cũng muốn họ dành cho mình.
2. Hãy nghĩ đến xuất thân của bạn đời
Bạn đời của bạn có thể xuất thân từ một gia đình có nhiều thiếu sót và thói quen chưa tốt. Và có thể họ sẽ thừa hưởng một phần những đặc điểm đó của gia đình mình. Chính bản thân họ có thể không hề nhận ra rằng hành vi của họ làm tổn thương bạn. Ví dụ, vợ bạn đến từ một gia đình rất đông người. Các thành viên trong gia đình thường ngắt lời nhau khi đang trò chuyện. Có lẽ đó là cách duy nhất để có “tiếng nói” giữa một không gian lúc nào cũng đầy người. Và khi cô ấy ngắt lời bạn, có thể bạn sẽ cảm thấy mình bị coi thường hoặc mình không hề quan trọng. Tuy nhiên, trong tình huống này, nếu bạn hiểu rõ hoàn cảnh gia đình cô ấy thì bạn sẽ dễ dàng tha thứ cho cô ấy.
3. Đừng cá nhân hóa vấn đề
Bạn đời có thể không cố tình làm tổn thương cảm xúc của bạn. Nếu bạn có thể thừa nhận rằng hành động của anh ấy/cô ấy là vô tình thì bạn sẽ dễ dàng tha thứ cho bạn đời của mình hơn.
4. Chia sẻ thẳng thắn
Nếu có điều gì đó khiến bạn khó chịu thì hãy nói rõ với bạn đời. Đừng để những điều đó phát triển thành những vấn đề lớn và nghiêm trọng hơn bản chất thực sự của nó. Nếu đó chỉ là sự hiểu lầm giữa hai vợ chồng thì sự thẳng thắn của bạn sẽ cho cô ấy/anh ấy cơ hội để làm sáng tỏ vấn đề. Nếu đó là vấn đề thật sự thì chính bạn đang mở ra cánh cửa để giải quyết nó. Hãy trò chuyện một cách thông minh và chín chắn. Đừng nuôi dưỡng những vấn đề cỏn con gây khó chịu. Hãy để mâu thuẫn và xung đột trong hôn nhân được giải quyết một cách êm thấm.
5. Tuyệt đối không “thù dai nhớ lâu”
Hẳn là ai cũng mong muốn trở thành một con người tốt hơn. Và đương nhiên, chồng/vợ của bạn cũng luôn cố gắng cải thiện bản thân anh ấy/cô ấy. Vì thế, thay vì cứ lôi những sai lầm của đối phương từ trong quá khứ ra để chì chiết trong những “trận chiến” hiện tại thì tốt hơn là bạn nên thừa nhận rằng anh ấy/cô ấy đang cố gắng hoàn thiện bản thân. Bạn chắc chắn không hề muốn chồng/vợ mình cảm thấy chán nản và bỏ cuộc. Hãy chỉ tập trung vào những vấn đề hiện tại và xử lý nó một cách trực tiếp.
6. Không “ăn miếng trả miếng”
Hoàn toàn là bản năng và tự nhiên khi chúng ta muốn trả thù ai đó đã khiến chúng ta bị tổn thương. Nhưng hãy cố gắng tránh điều này. Rất nhiều cặp vợ chồng bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn của sự “ăn miếng trả miếng”. Sự tổn thương và đau đớn ngày càng dâng cao khi mà những lời nói gay gắt và giận dữ trở thành thói quen trong giao tiếp vợ chồng. Chắc chắn sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu chúng ta xử lý từng vấn đề một thay vì cố tình gây tổn thương cho nhau bằng những việc đã qua.
7. Hãy nhớ đến những phẩm chất tốt của bạn đời
Đôi khi có thể những tật xấu của “đối phương” khiến bạn điên đầu mà không hề có lý do chính đáng. Và trong tình huống này, vấn đề nằm ở chính bạn chứ không phải ở anh ấy/cô ấy. Chính vì thế, để tránh bị những suy nghĩ tiêu cực đó “tác oai tác quái” trong trí óc của bạn, hãy luôn nhắc bản thân nhớ đến những phẩm chất tốt đẹp của bạn đời. Điều đó sẽ giúp bạn quên đi những cảm xúc tiêu cực và nhận ra rằng mình may mắn đến thế nào khi có anh ấy/cô ấy ở bên.
8. Lựa chọn sự tha thứ
Sự tha thứ bắt đầu trong tâm trí và kết thúc ở trái tim. Đừng bám vào những cảm xúc tổn thương của bản thân. Hãy tập trung vào cảm giác yêu thương, tôn trọng và cảm kích. Lúc đó, bạn sẽ không có thời gian dành cho sự giận dữ và oán giận.
9. Đừng để mình trở thành nạn nhân
Nếu bạn đời của bạn vẫn tiếp tục làm tổn thương bạn và không hề cố gắng thay đổi thái độ của mình thì có lẽ bạn cần phải xin tư vấn của chuyên gia. Có những hành vi là không thể chấp nhận được ví dụ như sự lạm dụng và bạo hành gia đình lặp đi lặp lại. Một chuyên gia tư vấn về hôn nhân có thể giúp bạn nhận ra khi nào bạn nên từ bỏ hôn nhân để bảo vệ sức khỏe, sự an toàn của chính bản thân và của toàn gia đình.
Sự tha thứ là một món quà dành cho bạn đời, cho hôn nhân, và cho chính bản thân bạn. Tha thứ sẽ mang lại cho bạn niềm vui, sự thanh thản trong tâm hồn và sự trưởng thành của chính bản thân.
Thanh Mai (theo Family)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét