Vui buồn Tết của vợ chồng Ngâu
"Với mình, Tết vô cùng thiêng liêng. Từ trước tới nay, và chắc mãi về sau, dù ở đâu, điều kiện thế nào, Tết mình đều cố gắng về với gia đình. Không thể tưởng tượng được thời khắc đầu năm không được ở cùng những người mình yêu thương sẽ như thế nào", anh Thành, quê Hoài Đức, Hà Nội, chia sẻ.
Anh Thành kể, từ nhỏ tới giờ, anh vẫn luôn thích và mong ngóng đến Tết. Anh nhớ thời thơ ấu, kinh tế gia đình khó khăn nhưng cả nhà đông vui. Anh cùng 3 chị gái và mẹ ríu rít làm bánh, dọn nhà, sắm Tết. "Ngày đó, chỉ đến Tết có quần áo mới, được ăn bánh chưng bánh mật, được đi chúc Tết, nhận lì xì, nên háo hức lắm. Mình nhớ, có lần, ăn một lúc hết luôn chiếc bánh chưng vuông", anh Thành hào hứng kể.
Khi anh lớn lên, các chị gái vào Sài Gòn lập nghiệp rồi lấy chồng trong đó, có khi mấy năm mới về một lần, Tết đến, nhà anh vắng vẻ, không mấy khi được đoàn tụ đông đủ. "Ở nhà còn mỗi bố mẹ và mình, Tết đến mọi việc đều đến tay, từ mùng 1 đến mùng 3 ngày nào cũng làm một mâm cơm gà để cúng tổ tiên, bố mẹ ra vào mong ngóng các con, thấy mệt nhiều hơn vui", anh chia sẻ.
Từ khi anh lấy vợ, Tết lại vui hơn, nhất là khi cậu con trai đầu lòng chào đời. Tuy nhiên, từ khi anh ra nước ngoài, nhà lại vắng vẻ. Anh tưởng tượng bố mẹ sẽ buồn thế nào, vợ vất vả ra sao nếu Tết mình không về, nên dù tốn kém và vất vả, anh luôn cố gắng có mặt ở nhà trước ngày 30.
"2 tuần về sum vầy với gia đình lần nào cũng thấy trôi qua nhanh quá. Về Tết dù không muốn vẫn phải đi lại nhiều, gặp gỡ hết họ hàng, bà con rồi đến bạn bè, không có nhiều thời gian dành cho vợ con, nên lúc đi vẫn thấy thiếu thiếu", anh Thành thổ lộ hôm 27 Tết - khi vừa đáp xuống sân bay từ Hàn Quốc về.
Sau gần 3 tuần về thăm nhà trong dịp nghỉ đông, quay trở lại New York (Mỹ) vào ngày cận Tết trong cái lạnh cắt da -4 độ C, chị Mai nhớ da diết không khí xuân ở quê nhà - nơi chồng và cô con gái gần 3 tuổi đang tưng bừng chuẩn bị Tết.
"Tết người ta sum vầy, còn mình lại đi xa. Nói chung là cũng phải tự 'lên dây cót' tinh thần mỗi khi đi xa thế này, nhất là xa con. Cũng như mọi người, Tết mình chỉ muốn được ở bên gia đình", bà mẹ trẻ chia sẻ.
Đang theo đuổi một khóa học nâng cao chuyên ngành tại Mỹ, chị Mai cho biết, chị vừa từ Mỹ về Việt Nam thăm gia đình 3 tuần vì được nghỉ đông. Thứ hai tuần tới là bắt đầu học kỳ mới nên chị phải quay trở lại Mỹ trong những ngày cuối năm. Đây là Tết đầu tiên chị xa nhà. Dù đã ít nhiều quen với việc gia đình ở xa nhau, vì kết hôn hơn 5 năm thì suốt 4 năm, chồng đi học ở Pháp, chị Mai vẫn cảm thấy trống trải khi không được đón xuân cùng người thân.
Đi xa, người mẹ trẻ nhớ nhất tiếng bi bô của cô con gái. "Rất may có niềm an ủi là sang tháng 3, khi trời bớt lạnh thì hai bố con cháu sẽ sang bên này thăm mình, nên bây giờ cũng không quá buồn khi xa con", chị Mai chia sẻ.
Tết là dịp gia đình đoàn tụ. Ảnh minh họa: Windsorstar. com.
Trong quan niệm của người Việt, Tết là dịp đoàn tụ, và những người xa quê thường nhung nhớ nhất tới người thân trong những ngày này.
Thời điểm này năm ngoái, sau giờ làm, chị Hoài (khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội) tất bật về nhà đón con rồi hai vợ chồng cùng mua hoa, trang trí nhà đón Tết. Năm nay, chồng đi công tác không về, bà mẹ hai con chẳng muốn sắm sửa gì cho tổ ấm riêng, dự định sẽ về quê với ông bà.
Chị Hoài kể, chồng chị là kỹ sư công nghệ, làm việc trong một công ty nước ngoài tại Việt Nam. Vợ chồng chị lấy nhau 7 năm thì 3 năm Tết anh không có mặt ở nhà. Đầu năm nay, anh sang Hàn Quốc làm việc và Tết này không về. Bình thường, ông xã ở đây thì cuối năm hai vợ chồng chị thường cùng nhau đi sắm Tết, về dọn dẹp, trang trí nhà cửa. Cả nhà sẽ cúng giao thừa tại nhà riêng ở Hà Nội rồi mùng 2 thì về chúc Tết hai bên nội ngoại ở ngoại thành.
"Năm nay không có ai quét mạng nhện, chẳng ai thồ quất về nhà trưng. Mình cũng chẳng buồn chuẩn bị đồ Tết hay trang trí gì, chỉ mua một mâm ngũ quả thôi. Hai nhóc đã gửi về quê với ông bà nội, mẹ thì đợi đi làm và đi trực hết 29 cũng về quê luôn. Anh xã không có nhà, cảm thấy trống trải và thiếu vắng nên cũng không muốn bày biện gì", chị Hoài cho biết.
Lấy chồng 7 năm thì có tới 4 năm ăn Tết xa chồng, chị Hiền (Hoài Đức, Hà Nội) không thể quên cảm giác trống vắng, nhớ nhung mỗi đêm giao thừa.
Chị Hiền cho biết, chồng chị hiện làm việc tại Dubai. Chị ở nhà một mình chăm hai con nhỏ và mẹ chồng đã 83 tuổi. Năm đầu tiên vắng anh, giao thừa, chị ngồi khóc tu tu vì cảm giác tủi thân trống trải. "Những ngày trước đó lu bu quá, một mình lo sắm sửa, chuẩn bị Tết cho gia đình, hai con, một đứa mới 6 tháng, đứa kia gần 2 tuổi. Tới đêm giao thừa, khi mọi việc xong xuôi, nhìn các con ngủ, ngôi nhà vắng lặng, nghe tiếng cười nói chúc tụng từ nhà bên, mình thấy buồn không kể xiết", chị Hiền kể.
Sáng mùng 1, mẹ chồng đi lễ chùa, hai cậu con trai ngồi nhà buồn chán thường theo các bác, anh chị đi chơi, chúc Tết, chỉ còn lại mình chị ở nhà.
"Ngày mùng 1 Tết mình thường thấy rất dài. Mọi người hạn chế ra ngoài, nên cũng không có khách đến chơi. Mình thường nằm xem TV, nhưng đầu óc hay nghĩ ngợi lung tung, có khi nước mắt lăn lúc nào không hay", chị nói.
Bà mẹ 32 tuổi cho hay, cả năm, chị sợ nhất mấy ngày Tết. Hai vợ chồng chị động viên nhau, cố chịu đựng cảnh xa cách vài năm nữa để gây dựng kinh tế, rồi sẽ đoàn tụ lâu dài. "Mình cũng cố an ủi bản thân như vậy để lo Tết cho các con vui vầy, chồng yên tâm làm việc", chị Hiền bộc bạch.
Theo Vnexpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét