Cái Tết "trốn" khỏi nhà chồng
Thanh Loan lấy chồng hơn bốn năm rồi. Là con gái miền Nam, lấy chồng trai Bắc, chồng là con một, cháu độc đinh của một dòng họ, trước khi về làm dâu, Loan đã nghe rất nhiều lời khuyên, cảnh báo về cái khó, cái khổ của dâu độc nhất. Nhưng yêu nhau quá, cái gì cũng vượt qua được. Loan, từ một cô gái phóng khoáng kiểu miền Nam đã dần học và hòa nhập vào cách sống của nhà chồng bằng những ứng xử khôn khéo, bằng tấm lòng thành và sự đảm đang. Vì người đàn ông mà cô yêu thương, Loan làm được nhiều thứ tưởng chừng không thể. Và Loan dần dà coi Hà Nội là quê hương của mình, gia đình chồng chính là gia đình mình.
Loan thấy bình yên, hạnh phúc. Duy chỉ có một cảm giác Loan không vượt qua được và luôn canh cánh bên lòng, đó là nỗi nhớ nhà. Bốn cái Tết đã trôi qua kể từ lúc làm dâu và ra Bắc sống, Loan vẫn chưa được về thăm lại ngôi nhà thương yêu ở mảnh đất Long An, nơi mà cô sinh ra và lớn lên, đã sống một phần ba đời người, nơi gắn với cô bao kỉ niệm, có cha mẹ và những người ruột thịt thương yêu.
Năm thứ nhất ra, đời sống còn vất vả, công việc chưa ổn định, cố gắng thu xếp mà cuối cùng kế hoạch không thành. Năm thứ hai, cô mang thai, thai bị động và yếu ớt, không thể di chuyển đi xa. Năm thứ ba, con còn nhỏ, chồng mới lên chức và đi công tác xa liên miên. Chỉ có dịp Tết, thì Tết nhất nhà chồng phải làm 5 cái giỗ, một buổi họp mặt gia tộc, chiếm hết các mùng. Đi làm sao được mà đi. Lần lữa ba năm mà cô con gái lấy chồng xa không về thăm cha mẹ được.
Thế là những lời chúc, lời yêu thương, nhớ nhà chỉ có thể bằng những món quà gửi qua đường bưu điện, những tấm ảnh qua mail và những lời chúc qua điện thoại. Cha mẹ Loan buồn, nhớ con, nhưng biết làm sao được. Mỗi người một phận, được này mất kia…
(Ảnh minh họa)
Vậy mà đùng một cái, 26 Tết, gia đình thấy Loan ôm con đứng ngay trước cửa. Cha mẹ hỏi, Loan chỉ nói Loan nhớ nhà quá, không chịu được, nên xin phép chồng và nhà chồng cho Loan về quê ăn Tết một năm.
Tết ở Long An thật vui. Nhà Loan nằm trong một xóm chợ nho nhỏ, trước mặt buôn bán, sau lưng là vườn cây trái. Bà con hàng xóm đoàn kết, gần gũi vô cùng. Những ngày gói bánh Tét, làm mứt, dọn nhà dọn cửa, Loan như sống lại thời con gái rộn ràng. Khỏi phải nói, thằng cu Tuấn con Loan, lần đầu ăn Tết miền Nam, cu cậu tung tăng chơi đùa khắp nơi, nói bằng giọng Bắc trọ trẹ, ai thấy cũng cưng. Cu cậu luôn miệng hỏi mẹ: Mẹ ơi, Tết nhà ngoại vui như vậy mà năm ngoái sao mình hông về? Sao năm nay ba không đi với mẹ con mình?
Ăn một cái Tết ấm áp, vui tươi như những ngày thơ trẻ, đúng mùng 3 Tết, cả nhà Loan lại một phen bất ngờ khi thấy Trung, chồng Loan lù lù xuất hiện trước cửa nhà, lỉnh kỉnh quà cáp. Chúc Tết, tặng quà nhà vợ xong, Trung mới từ từ thưa chuyện, và cả nhà mới vỡ lẽ, hóa ra Loan ôm con về nhà ăn Tết, là do vợ chồng giận nhau. Chuyện vợ chồng, cũng chỉ nói sơ cho mọi người hiểu, để cả nhà yên tâm. Còn lại hai vợ chồng, họ nhìn nhau ngại ngùng. Cuối cùng, Trung lên tiếng trước. Đó là lời xin lỗi chân thành mà anh và gia đình dành cho Loan. Chuyện là thế này…
Có lẽ Loan sẽ mãi là cô dâu hiền thảo, ngoan ngõan và âm thầm chịu đựng nỗi nhớ nhà, xa quê để toàn tâm toàn ý lo cho cái Tết ấm áp của nhà chồng, nếu cô không biết tin từ một người bạn thân. Người bạn ấy, cũng như cô, lấy chồng xa quê, năm, sáu năm chưa về thăm nhà, hẹn rày hẹn lữa, mà chưa thu xếp được. Đùng một cái, năm đó, cha cô bệnh mất ngay dịp trước Tết, cô ở xa không kịp trở tay.
Nỗi hối hận của cô bạn gái đè nặng lên Loan. Cô thấy mình cũng giống cô gái ấy: Vô tâm, thờ ơ với những bậc sinh thành. Cô nhớ ra, cha mẹ mình cũng già và yếu rồi, không biết con sống được bao năm nữa. Thế là, sau mấy năm, lần đầu Loan mở lời hỏi ý chồng, năm nay liệu có thể về quê vợ ăn Tết trong các ngày còn “mùng”. Đáp lại lời Loan, Trung thờ ơ, nói “để thư thư vài năm nữa đi em, con lớn rồi tính, em về mẹ không đồng ý đâu”.
Nghe chồng nói, vừa buồn, vừa thất vọng vì chồng thờ ơ với nỗi niềm của vợ, chị quyết định đem ý định bày tỏ với mẹ chồng. Ai ngờ, mẹ chồng phản ứng: “Tết nhất nhà mình khách khứa đông đúc, vợ chồng kéo nhau đi thì ai mà tiếp khách. Nhà có bố mẹ và hai vợ chồng, chúng mày về thì ăn Tết với ai? Nhà này chưa bao giờ có tiền lệ không ăn Tết nhà cả con ạ!”.
Mấy đêm nằm suy nghĩ, Loan thấy mình đã làm trọn hết trách nhiệm một người vợ, con dâu, thế mà nhà chồng hoàn toàn không thấu hiểu cho mình. Cô còn phải có trách nhiệm với cha mẹ ruột, những người đã sinh thành ra mình, chồng cô cũng phải có trách nhiệm và tình yêu thương với nhà vợ chứ! Loan đã nhận ra cái sai của chính mình, là chỉ biết âm thầm cống hiến cho gia đình, mà không hướng chồng đến tình cảm, trách nhiệm dành cho cha mẹ mình bấy lâu.
Sáng hôm ấy, gọi về nhà, nghe mẹ nói cha đang ốm, Loan quyết định đặt vé bay vào ngay. Cô để lại một lá thư, nói hết suy nghĩ với chồng, đồng thời gửi lời xin lỗi bố mẹ chồng vì hành động của mình, nhưng cô quá nhớ nhà, cha mẹ đang ốm, cô không thể làm khác. Biết được sự việc chỉ sau khi con dâu đi, bố chồng và bác chồng đã mắng cho mẹ chồng cùng chồng Loan một trận vì những hành xử thiếu tệ nhị. Đồng thời, mọi người cũng nhận ra cái sai của mình, là chỉ biết cho gia đình mình, quên mất những tâm tư tình cảm của Loan. Chỉ mấy ngày Tết Loan vắng nhà, chồng Loan đã hiểu ra rất nhiều điều. Vì vậy, ngay mùng 3, chồng Loan đã đặt vé vào Nam, đón vợ con về.
Sau Tết, đưa Loan và con ra Bắc, chồng Loan thì thầm: Tết năm sau, em không phải “trốn” như thế nữa, anh sẽ đưa mẹ con vào Nam ăn Tết với ba mẹ, em nhé!”.
Theo Afamily
0 nhận xét:
Đăng nhận xét