Ngang qua ngày cũ
Chị rủ con trai đi siêu thị mua sắm. Con trai 15 tuổi, đang cau có với cái máy tính bị lỗi, nhăn nhó nhìn mẹ: “Mẹ không cần phải tìm cách huấn luyện con, mai mốt lớn lên con không giống ba đâu mà mẹ lo”.
Chị điếng người. Ba mẹ chia tay ba năm rồi, những lời chị nói trong cơn giận cá chém thớt, con trai vẫn còn nhớ sao? Chồng đi làm về nằm dài đọc báo trong khi chị quay dọc quay ngang đủ thứ việc, nói bóng gió xa xôi chồng không thèm hiểu, mà nói thẳng thì chồng phóng xe ra quán cà phê ngồi luôn. Không nói vào tai chồng được, chị mượn con trai để chì chiết “con trai con gái gì về tới nhà cũng xăn tay áo lên mà cùng làm, không biết thì tập làm mới biết, biết rồi mới đỡ vô tâm”. Hai tiếng vô tâm đay đi nghiến lại ngày ngày…
Chị nào có ý xa xôi, rủ con đi siêu thị là vì cần có người mắt sáng lướt dùm nhãn hiệu và ngày hết hạn trên bao bì. Siêu thị mùa này chắc chắn sẽ đụng nhiều người quen biết, nhất là ở gian quần áo, giày dép. Thế nào lại chẳng ngắm nghía nhau và dĩ nhiên là so sánh. Chị không muốn mình bị nhìn thấy như một bà già kỹ tính nheo mắt so dò mấy con số trên món hàng, mà chợ Tết thì cần mua biết bao nhiêu là món. Vậy đó, mắt chị dạo này khi đọc báo hơi lâu một tí đã thấy mỏi, gặp trang báo in chữ nhỏ thì phải nheo đến nhăn nhúm mắt mũi.
Ai hài lòng với cuộc sống thì xinh đẹp phơi phới, ai ôm nỗi buồn thì già đanh là cái chắc. Chị muốn trong những cuộc gặp gỡ tình cờ, chị sẽ phô ra một dáng vẻ ngon lành, tươi tắn trẻ trung, miệng cười vui và mắt sáng long lanh.
|
Muốn con trai đi siêu thị với mẹ là vậy. Nhưng làm sao mà giải thích với con lý do rất phụ nữ này, nó sẽ chẳng hiểu được đâu! Nhất là khi trong đầu nó đang nghĩ xiên xẹo tới lý do khác.
Thôi, đằng nào thì cũng… Trước khi đi siêu thị hãy đến bác sĩ nhãn khoa để đo mắt làm cặp kính, chọn kiểu gọng thời trang bay bướm một tí, để mình trở nên mới mẻ. Cũng là cách hay.
Con trai thấy chị đeo kính thì hối hận phân bua: “Máy tính bị virus cho nên… thôi để con đi siêu thị với mẹ rồi về cài đặt lại sau cũng được”.
Đúng như chị nghĩ, mua sắm mùa Tết, giữa những lối đi hẹp trong siêu thị, những chiếc xe chất đầy hàng đụng nhau, vang tiếng cười chào giòn tan. Con trai giành phần đẩy xe và nói: “Đi sắm Tết trong siêu thị phải cần tay lái lụa”. Hai mẹ con cùng cười. Người hàng xóm cũ ríu rít thăm hỏi và không tiếc lời khen ba năm qua rồi mà chị vẫn như xưa, có người khen còn trẻ hơn xưa, lại có người nói hai mẹ con mà như hai chị em. Con trai cười thích thú, trêu chọc mẹ đeo kính mới nhìn giống mấy đứa con gái cùng lớp bị cận thị. Rồi con trai lấy điện thoại ra chụp hình mẹ đang ngắm món này, nghía món kia…
Đi qua gian hàng quần áo nam để mua sắm cho con, chị đụng anh từ trong đi ra. Niềm vui và nỗi hào hứng trong chị khựng lại. Chị không ngờ gặp chồng cũ ở nơi này. Hồi đó, chở chị đi chợ, siêu thị là việc mà anh phải làm một cách miễn cưỡng và anh luôn đứng chờ ngoài cổng.
Anh chìa cái hộp bằng nhựa trong cho con trai: “Ba mua bộ áo quần Tết cho con”. Con trai cầm lấy và mở hộp, chị nhìn thấy bộ áo quần màu sắc và kiểu dáng cũ kỹ, dễ dàng đoán ra nó là mặt hàng giảm giá. Anh vẫn vậy, không thay đổi. Chưa bao giờ tận tâm để có được một món quà khiến người nhận vui thích và cảm động, ngay cả khi người nhận là đứa con mà mỗi năm anh chỉ một vài lần bày tỏ sự quan tâm.
Nhìn con trai đậy nắp hộp lại một cách ỉu xìu và nói cảm ơn ba bằng giọng lí nhí trong cổ, chị muốn nổi giận. Con trai ban đầu chịu đi siêu thị chỉ vì sợ mẹ buồn, nhưng rồi không khí chộn rộn phấn khích chốn này khiến nó trở nên hân hoan. Sự xuất hiện bất ngờ của anh đã làm tan vỡ niềm vui trong trẻo của nó. Thâm tâm chị trào lên những lời gay gắt. Chị muốn nói một câu thật đích đáng, muốn bắt anh phải trả giá… Nhưng chị kịp ngừng lại. Chị nhìn thấy lồng ngực con trai căng ra và ánh mắt nó lộ rõ vẻ đợi nghe chị nói một câu bóng gió sâu cay. Chị sực nhớ ra và không muốn con lại có thêm kỷ niệm xấu về cơn giận của chị. Bất ngờ, chị nhận ra, chị hay trách anh vô tâm, nhưng chính chị cũng vô tâm với con.
Chị nhìn qua lớp nhựa trong của chiếc hộp, mỉm cười: “Con mặc màu này mẹ thấy hợp lắm”. Rồi chị tìm một cái cớ để nói với anh: “Tuổi này con lớn từng ngày, em nghĩ nên đổi một bộ khác rộng hơn một tí”. Anh gật đầu: “Ờ, tùy”.
Không để câu nói ngắn ngủn, dễ dãi một cách dửng dưng này khiến mình lại nổi khùng, chị kéo con trai vào đúng gian hàng anh vừa đi ra. Bù thêm tiền để đổi một bộ khác vừa ý, chị ngắm con và gật đầu hài lòng: “Năm nay quà ba tặng cho con rất đẹp”.
Lạ lùng là lời nói có thể gây đau đớn và cũng có thể làm mềm đi những vết chai sần, chị thấy con mỉm cười và thấy chính mình cũng nhẹ nhõm. Người đàn ông khiến chị phải ngậm ngùi là cha của con chị, và con chị không muốn ba nó mãi bị chê trách.
Về đến nhà, con trai sà vào bàn máy tính: “Mẹ đợi con cài đặt lại rồi chuyển ảnh chụp mẹ ở siêu thị từ điện thoại qua máy tính nhé. Màn hình rộng nhìn mới đã”. Con trai vừa loay hoay với cái máy tính vừa huýt gió, khác hẳn vẻ cau có, nhăn nhó sáng nay.
Không khí trong nhà chợt tươi mới lạ lùng. Chị nhìn hộp quà của chồng, rồi nghĩ ngợi… Bây giờ thì chị biết con mong muốn gì rồi.
Chị hít một hơi dài, cố vượt qua bóng dáng của quá khứ. “Khi nào con cài đặt xong thì để mẹ gửi email chúc Tết ba”. Chị nhìn thấy trong mắt con là nỗi kinh ngạc về sự thay đổi quá sức mong đợi. Cứ tưởng mình từng trải lắm rồi và niềm vui nỗi khổ đã quá biết rồi, nhưng… để thấu hiểu điều gì là đúng và điều gì nên làm thật không dễ dàng.
Vậy, chị chào năm mới, chào không gian mới của hai mẹ con bằng cách chào tạm biệt chính mình của ngày cũ.
Theo PNO
0 nhận xét:
Đăng nhận xét